Sẽ quản lý chặt diện tích đất trồng lúa
Thu hồi ồ ạt, đất ruộng bỏ hoang
Sẽ hỗ trợ tiền trực tiếp đến các hộ, cá nhân trồng lúa |
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định, sản xuất lúa gạo là nguồn lực chủ yếu đảm bảo an ninh lương thực, góp phần ổn định kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước. Bằng chứng, những năm nền kinh tế gặp khó khăn vừa qua, nông nghiệp đã là bệ đỡ cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, đất lúa giờ đã mất nhiều, giai đoạn 2000-2010, diện tích cả nước đã giảm gần 370.000ha, trong đó, giảm mạnh nhất là trong 5 năm 2000-2005 giảm tới hơn 300.000ha. Ông Ngọc cho rằng, xu hướng giảm diện tích trồng lúa diễn ra ở hầu hết các vùng trong phạm vi cả nước. Trong khi đó, Bộ TN-MT dự tính, từ nay đến năm 2020, đất trồng lúa tiếp tục phải chuyển cho các nhu cầu sử dụng khác thấp nhất là gần 300.000ha. Dự kiến, đất trồng lúa mất đi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến cùng thời điểm trên là xấp xỉ 6.000ha, đến năm 2030 là gần 20.000ha, chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tính đến đầu năm 2011, diện tích đất trồng lúa cả nước còn lại là 4,1 triệu ha.
“Dù vài năm trở lại đây, quản lý và sử dụng đất trồng lúa đã cơ bản chấm dứt tình trạng giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa ngoài quy hoạch, hạn chế việc tùy tiện chuyển đất nông nghiệp sang mục đích phi nông nghiệp, song, việc quản lý và sử dụng đất trồng lúa vẫn còn hạn chế”, ông Ngọc nhận định. Cụ thể, nhiều địa phương quản lý và sử dụng đất trồng lúa chưa chặt chẽ; buông lỏng quản lý đất lúa; quy hoạch chạy theo dự án còn phổ biến, có địa phương đã có quy hoạch sử dụng đất nhưng không thực hiện mà liên tục xin thay đổi để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư; giao đất, cho thuê đất manh mún, phân tán không tuân thủ quy hoạch dẫn tới hậu quả đất nông nghiệp bị bỏ hoang hóa tại các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đô thị mới, trong khi, nông dân không có đất để sản xuất.
Sẽ hỗ trợ địa phương và người trồng lúa
Để chấm dứt tình trạng trên, giữ vững ổn định đất lúa, kế sinh nhai của 60% nông dân, đảm bảo an ninh lương thực trước mắt và lâu dài, cần thiết phải có Nghị định về sử dụng đất trồng lúa. Theo đó, Nghị định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa sẽ quy định nghiêm ngặt hơn đối với diện tích đất trồng lúa hai vụ, ông Ngọc cho biết: “Để bảo vệ được quỹ đất trồng lúa nước, dự thảo nghị định quy định UBND các tỉnh, thành phải tổ chức công bố công khai và quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được phê duyệt, xác định được ranh giới diện tích đất trồng lúa, đặc biệt là diện tích đất chuyên trồng lúa cần được bảo vệ nghiêm ngặt”.Bên cạnh đó, sẽ nêu rõ trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa, người sử dụng đất phải thực hiện đúng theo quy hoạch, kế hoạch đã được xét duyệt. Đối với đất lúa chuyển sang mục đích phi nông nghiệp trước khi tiến hành thi công công trình, chủ đầu tư phải bóc lớp đất mặt có độ dày 20cm để sử dụng, cải tạo các vùng đất nông nghiệp hoặc mục đích trồng trọt khác theo hướng dẫn của chính quyền địa phương sở tại.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định hỗ trợ ngân sách cho các địa phương sản xuất lúa, căn cứ vào diện tích đất trồng lúa. Trong thời gian từ 2012-2015, ngoài hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo quy định hiện hành còn được ngân sách Trung ương hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước và 100.000 đồng/ha/năm đối với đất lúa khác. Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cũng sẽ nhận mức hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm, đất lúa khác là 100.000 đồng/ha/năm. “Dự thảo nghị định nhằm kiểm soát chặt chẽ và bảo vệ có hiệu quả đất trồng lúa, giúp cho các địa phương sản xuất lúa yên tâm sản xuất, đảm bảo sản xuất bền vững”, ông Ngọc nói.
(Theo ANTĐ)
- 0
- By Admin
- 07/05/2012
- 17