• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Sẽ phân loại nhà "siêu mỏng, siêu méo" để xử lý

Với mức kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng để mở rộng các tuyến đường (điển hình là đoạn tuyến Vành đai 1 Kim Liên - Ô Chợ Dừa vốn được mệnh danh là "con đường đắt nhất hành tinh"), thì việc để tồn tại những ngôi nhà kỳ dị làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị là "nỗi nhức nhối" không của riêng ai.

Sẽ phân loại nhà "siêu mỏng, siêu méo" để xử lý | ảnh 1
Việc tồn tại nhà “siêu mỏng, siêu méo” làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị (Ảnh: nhà “siêu mỏng” trên đường Lê Văn Lương kéo dài) Ảnh: Duy Khánh

Cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, với quyết tâm cao của các cấp, các ngành và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về điều kiện cần và đủ, Hà Nội sẽ làm được một việc rất khó là xóa nhà siêu mỏng, siêu méo.

- Thành phố đã tính toán chi phí giải tỏa hàng trăm nhà "siêu mỏng" là bao nhiêu, thưa ông?

Ông Nguyễn Khắc Thọ: Hiện nay chưa tính toán hết được, song chỉ riêng quận Ba Đình hoàn thành phương án dù chưa được thẩm định, đã thấy giải tỏa hơn 50 chục trường hợp lên tới 56 tỷ và 12 căn hộ tái định cư. Với kinh phí trên 100 tỷ đồng thì không sợ thiếu, song cái chính là biện pháp và quyết tâm. Biện pháp hiện nay là mở ra hướng cho các gia đình tự thỏa thuận hợp khối. Khi thành phố quyết tâm thực hiện và chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền thì việc hợp khối thuận lợi hơn nhiều. Ngoài ra, trong phương án sử dụng diện tích đất và nhà không đủ điều kiện xây dựng, thì có đề xuất là khi các quận, huyện lập quy hoạch chỉnh trang hai bên đường, sẽ xác định rõ mục đích sử dụng các ô đất, như để bán báo, bán hoa hay để xe công cộng... Những ki ốt này có thiết kế điển hình để khuyến khích người dân làm theo và sử dụng đúng mục đích lô đất siêu mỏng, siêu méo. Nếu sử dụng không đúng mục đích sẽ bị thu hồi.

Đối với gần 200 trường hợp chưa xác định được thời điểm thu hồi, các quận, huyện đang phân loại, để hết tháng 3 kết thúc báo cáo. Trên cơ sở đó có biện pháp xử lý thích hợp. Chúng tôi cũng yêu cầu trước khi xử lý, từng địa phương phải niêm yết danh sách nhà siêu mỏng, siêu méo trước phương tiện thông tin đại chúng để tất cả người dân được biết và giám sát. Bởi có thể có trường hợp trong quá trình rà soát song chưa hết, tự người dân sẽ phát hiện.

- Xin ông cho biết, công tác giải tỏa ở quận Thanh Xuân đã tính đến phương án đền bù như thế nào?

Ông Nguyễn Khắc Thọ: Quận Thanh Xuân đang tiến hành kê khai, thống kê. Thành phố đã giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường cùng các Sở Tư pháp, Tài chính, Ban giải phóng mặt bằng nghiên cứu phương án đền bù để người dân dân đỡ thiệt thòi. Trong đó có cả phương án dù chưa đủ điều kiện thì có thể vẫn giải quyết nhà tái định cư. Sở Xây dựng đã chuẩn bị quỹ nhà tái định cư cho dân.

- Ông có lo ngại tình trạng người dân cố tình trây ỳ để hưởng mức hỗ trợ cao và ngay cả khi thu hồi xong cũng sẽ rất khó quản lý?

Ông Nguyễn Khắc Thọ: Chuyện đó thì không ngại. Thành ủy, UBND Thành phố đã chỉ đạo quyết tâm, các sở, ngành cùng vào cuộc, các quận, huyện tập trung giải quyết vấn đề đó thì không ngại trây ỳ. Lần này các cấp, các ngành đều vào cuộc thì tôi nghĩ người dân ý thức được việc đó. Tất nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ có phản ứng song có lẽ sẽ hạn chế. Ban đầu các quận băn khoăn quản lý sau thu hồi như thế nào, nhưng vừa qua sau khi phương án đã báo cáo với Bí thư Thành ủy thì các quận, huyện không còn băn khoăn. Việc bây giờ là có cơ chế chính sách thì các quận, huyện sẵn sàng vào cuộc, không còn trở ngại sử dụng vào mục đích gì. Các quận, huyện đã được phân cấp có thể tự duyệt quy hoạch.

Tôi đã dẫn một đoàn cán bộ của Sở Xây dựng vào Đà Nẵng nghiên cứu. Ở Đà Nẵng giải quyết những vấn đề về đất đai thuận lợi hơn Hà Nội nhiều. Như Hà Nội thu hồi 1m2 đất cũng phải có dự án, nhưng Đà Nẵng thì không cần thiết. Những mảnh đất không đủ điều kiện xây dựng thì thành phố có quyền thu hồi, phục vụ lợi ích công cộng.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo KTĐT)


  • 0
  • By Admin
  • 31/03/2011
  • 17