Sẽ gỡ khó về vốn cho tuyến cao tốc Giẽ - Ninh Bình
Tuy nhiên, do thiếu vốn, công trình giao thông trọng điểm này đã bị chậm tiến độ hai năm. Trong khi đó, lưu lượng phương tiện giao thông tăng nhanh chóng, gây quá tải cho quốc lộ 1 vốn đã xuống cấp. Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành đã có một số biện pháp tháo gỡ khó khăn, ưu tiên nguồn vốn, sớm đưa công trình vào vận hành.Ðây là đoạn tuyến nằm trên trục cao tốc bắc - nam và nằm trong quy hoạch hệ thống đường bộ cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chính vì thế, lãnh đạo Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hết sức quan tâm công trình trọng điểm này, đã có nhiều đợt thị sát, kiểm tra công trình, chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, xác định hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2012. Trước mắt, tập trung nguồn vốn, nỗ lực đưa ngay 23 km đầu tiên vào vận hành trong cuối tháng 9 này. Theo phương án của Bộ GTVT, khi đưa đoạn tuyến này vào vận hành, để bảo đảm an toàn giao thông, các phương tiện chỉ được phép đi trên tuyến với tốc độ cao nhất 80 km/giờ, đồng thời không cho phép các loại xe hai bánh lưu thông trên đoạn đường này.
Trong đợt khảo sát cuối tháng 9 mới đây tại công trường thi công 23 km đầu tiên này, chúng tôi nhận thấy, phần lớn mặt đường đã và đang được các đơn vị thi công trải thảm, hệ thống đường dẫn đang được gấp rút hoàn thành, tuy nhiên hệ thống cây xanh và dải phân cách nhiều đoạn vẫn còn dang dở, trên mặt đường đất đá còn ngổn ngang. Ðoạn cầu Triệu qua thôn Văn Lâm (Liêm Tiết, Thanh Liêm, Hà Nam) tới cầu Chằm Thị còn khoảng bốn km mới chỉ trải đá dăm, khối lượng công việc còn khá nhiều, thế nhưng không khí làm việc các đội thi công không mấy nhộn nhịp. Ðội trồng cây xanh trên dải phân cách chỉ có vài công nhân làm việc. Một công nhân cho chúng tôi biết: "Dù nhận được chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ thi công nhưng do nguồn vốn hạn hẹp, vật liệu thi công thiếu thốn, lương nhân công trả chậm cho nên anh em làm thiếu khí thế".
Dự án đường cao tốc Giẽ - Ninh Bình đã mấy lần phải lùi thời hạn thông xe vì khó khăn trong việc huy động vốn. Bộ GTVT đã phải cho phép VEC điều chỉnh tiến độ dự án, từ việc hoàn thành công trình vào ngày 31-12-2011 xuống hoàn thành 23 km đầu tiên để tạm thông xe vào ngày 30-9. Tuy nhiên, gần đến ngày cuối cùng của tháng 9, một số điểm trên tuyến vẫn chưa được hoàn thiện. Với khối lượng công việc còn lại, tình hình thời tiết không gặp thuận lợi và tiến độ thi công như hiện nay, việc "cán đích" kịp thông xe vào ngày 30-9 là không thể thực hiện được. Theo nhận định của VEC, việc thông xe đoạn tuyến này có khả năng lại phải lùi về cuối tháng 10.
Dự án đường cao tốc Giẽ - Ninh Bình có chiều dài hơn 50 km, được khởi công năm 2006 với tổng mức đầu tư hơn 5.400 tỷ đồng. Do tình hình biến động giá cho nên năm 2010, dự án được điều chỉnh mức đầu tư lên gần 9.000 tỷ đồng. Ðây là tuyến cao tốc đầu tiên ở phía bắc, cũng là dự án đầu tay của VEC. Ngay sau khi thành lập, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho VEC làm chủ đầu tư xây dựng tuyến đường bằng nguồn vốn điều lệ và huy động vốn qua phát hành trái phiếu có sự bảo lãnh của Chính phủ.
Ban đầu, giai đoạn 1 dự kiến được đưa vào sử dụng cuối năm 2010. Trong quá trình triển khai, dự án gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, cơ chế điều chỉnh giá cho các đơn vị thi công, nhất là thiếu vốn. Vụ trưởng Kế hoạch - Ðầu tư (Bộ GTVT) Nguyễn Hoằng cho biết: Việc phát hành trái phiếu của VEC đang gặp nhiều trở ngại. Theo quy định của luật, điều kiện để được cấp bảo lãnh Chính phủ là doanh nghiệp phải bảo đảm ít nhất 20% vốn chủ sở hữu trên tổng mức đầu tư. Trường hợp đặc biệt phải được Thủ tướng xem xét quyết định. Thời điểm này, VEC không bảo đảm được yêu cầu này, Bộ Tài chính phải trình Thủ tướng xin chủ trương cho nên thủ tục bảo lãnh chưa thể thực hiện được. Mặt khác, tình hình thị trường tài chính từ cuối năm 2010 trở lại đây liên tục diễn biến phức tạp. Lãi suất huy động và cho vay đang ở mức rất cao, ảnh hưởng lớn đến việc huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu của VEC.
Theo phương án phát hành ban đầu, mức lãi suất trái phiếu phát hành chỉ dự kiến khoảng 9%/năm (mức có thể thu hồi vốn), nhưng thực tế hiện nay mức huy động đã lên đến 15- 16%. Nếu cứ tiếp tục phát hành trái phiếu để xây dựng công trình thì phương án tài chính ban đầu của dự án sẽ bị phá vỡ, không bảo đảm khả năng thu hồi vốn và trả nợ. Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công trình này như ban hành các cơ chế chính sách đặc thù về phát hành trái phiếu, cơ chế cho vay lại đối với khoản vay nước ngoài, hỗ trợ giải phóng mặt bằng,...
Trước mắt, Bộ đề nghị ứng trước từ vốn ngân sách Nhà nước khoảng 2.000 tỷ đồng cho công trình này. Việc thu xếp nguồn vốn trong hoàn cảnh hiện nay rất khó khăn, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế để sớm đưa một phần công trình vào sử dụng. Về lâu dài, Bộ GTVT đang chỉ đạo xem xét, đánh giá lại mô hình hoạt động của VEC, nhất là về phần cơ chế tài chính bởi đây là một tổng công ty mới thành lập, mô hình tổ chức, hoạt động còn chưa hoàn thiện.
Do thiếu vốn, công trình trọng điểm này đã bị gián đoạn, chậm tiến độ gần hai năm. Mặc dù khối lượng công việc còn lại không nhiều, nhưng hầu hết ở hạng mục thảm bê-tông asphane, hạng mục tốn kém nhất, trong khi giá nguyên vật liệu liên tục tăng cao, vượt xa giá bỏ thầu ban đầu, khiến các đơn vị thi công bị thua lỗ nặng. Cơ chế điều chỉnh giá không đuổi kịp tốc độ trượt giá vật liệu (giá nhựa asphane tăng từ ba đến bốn lần), nên không nhà thầu nào dám mạo hiểm vay vốn ngân hàng với lãi suất cao để thi công.
Hơn nữa, tình hình tài chính của các nhà thầu hiện nay cũng rất yếu, không có khả năng tự huy động các nguồn vốn để hoàn thành nốt các hạng mục còn lại. Ðối với VEC, ngay cả số tiền khoảng 1.100 tỷ đồng thu được từ hai đợt phát hành trái phiếu công trình thành công hồi đầu năm cũng không đủ để hoàn thiện nốt các hạng mục của đoạn 23 km trên. Ðể tháo gỡ khó khăn trước mắt cho VEC, giữa tháng 9, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Tài chính tạm ứng 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước cho VEC để hoàn thành dứt điểm 23 km đầu tiên. Bằng việc đồng ý tạm ứng 1.000 tỷ đồng cho VEC, dự án trọng điểm này đã có lối thoát. Tuy nhiên, theo thông tin từ VEC cho biết, đến ngày 27/9, số vốn trên mới được giải ngân cho VEC.
Theo ước tính, để hoàn thành công trình vào cuối năm 2012 thì VEC cần được giải ngân gần 3.500 tỷ đồng nữa, đây là thách thức quá lớn đối với đơn vị. Tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ gần đây, lãnh đạo Bộ GTVT đã nhiều lần đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn về vốn vì công trình đã hoàn thành được hơn 85% khối lượng, hơn 5.000 tỷ đồng đã đầu tư vào đây, đang bị "chôn vốn" mà chưa phát huy hiệu quả, trong khi đó nếu tập trung đầu tư có thể hoàn thiện sớm công trình vì một số đoạn trên tuyến đã thảm xong nhựa asphane.
Việc sớm đưa công trình vào vận hành sẽ thu được phí, sớm trả nợ vốn vay, cải thiện tình hình tài chính của chủ đầu tư, cũng như giải tỏa sức ép giao thông cho quốc lộ 1 vốn đang quá tải và xuống cấp, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Nếu cứ để tiến độ thi công cầm chừng như hiện nay, thời tiết mưa bão sẽ khiến cho công trình còn thi công dang dở bị xuống cấp rất nhanh, đến lúc bố trí được nguồn vốn sẽ mất nhiều công sức và tốn kém để khôi phục nguyên trạng.
Vụ trưởng Kế hoạch-Ðầu tư Nguyễn Hoằng cho biết: Không riêng gì công trình đường cao tốc Giẽ - Ninh Bình, Bộ GTVT cũng đã quyết liệt chỉ đạo với các công trình giao thông khác thực hiện nghiêm chỉnh theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, trong đó, rà soát, điều chỉnh vốn cho các công trình trọng điểm, cấp bách sắp hoàn thành trong năm 2011, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Ðối với các công trình đang thi công bị đình lại do thiếu vốn, Bộ GTVT chỉ đạo các nhà thầu phải bảo đảm an toàn giao thông, có phương án đề phòng, xử lý tình huống bão, lũ xảy ra, không để bị thiệt hại, ảnh hưởng trong thời gian tạm ngừng.
(Theo Nhandan)
- 140
- By Admin
- 30/09/2011
- 17