• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Sẽ đầu tư, nâng cấp cho 95 đô thị trong cả nước

Sẽ đầu tư, nâng cấp cho 95 đô thị trong cả nước Ngày 17/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã có Tờ trình số 48 /TTr-BXD, gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia (NUUP).

Theo Tờ trình, hiện nay các đô thị có rất nhiều khu vực yếu kém về điều kiện sống, nhưng chưa có một chiến lược và kế hoạch cụ thể về nâng cấp đô thị, dẫn đến hạn chế sự tiếp cận của các nhà tài trợ đang tìm cơ hội để hỗ trợ và đầu tư. Chiến lược nâng cấp đô thị quốc gia và Kế hoạch đầu tư tổng thể nâng cấp đô thị đến năm 2020 sẽ đưa ra một hệ khung gồm cơ chế chính sách, kế hoạch đầu tư và thực hiện mà dựa vào đó Chính quyền các đô thị và các nhà đầu tư có thể phối hợp nâng cấp đô thị có hiệu quả.

Nghiên cứu trong phạm vi của Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia gần đây đã cho thấy 822 ngàn hộ dân tại các đô thị hiện chưa được cung cấp nước sạch, khoảng 3,11 triệu m2 nước thải được thải ra trực tiếp ra môi trường nước mặt mỗi ngày, trong đó có 0,98 triệu m3 là nước thải công nghiệp, và 0,12 triệu m3 là nước thải từ các bệnh viện; 2,01 triệu m3 là nước thải sinh hoạt.

Có khoảng 1,13 triệu hộ dân chưa được thu gom rác và chất thải rắn, khoảng 1,8 triệu hộ dân đô thị có nhà vệ sinh chưa được kết nối với bể xí tự hoại. Tình trạng thiếu hụt về hạ tầng, nhà ở trầm trọng và yêu cầu dự báo tính đến năm 2020 sẽ được giải quyết thông qua Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia - Chiến lược nâng cấp đô thị quốc gia và Kế hoạch đầu tư tổng thể cho nâng cấp đô thị đến năm 2020.

Theo dự báo dân số của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFP) thì đến năm 2020 dân số của Việt Nam sẽ vượt quá 104 triệu người với 41,6 triệu (40%) sống tại đô thị và 62,4 triệu (60%) sống ở nông thôn.

Mục tiêu của chương(NUUP) cần đạt được đến năm 2020 là: 100% hộ dân của đô thị được tiếp cận với nước sạch; 45% lượng nước thải được thu gom và xử lý; 100% hộ gia đình tại đô thị có nhà vệ sinh có nối đến bể tự hoại; 100% chất thải rắn được thu gom; Khôi phục và lắp đặt hệ thống thoát nước kết hợp cho cả thoát nước mưa và nước thải nhằm giảm bớt nguy cơ lụt lội và ngấm trở lại nước thải vào môi trường;

Các khu xây dựng tại đô thị có thể đạt chuẩn về mật độ đường giao thông; Nâng cấp được hệ thống đèn đường; 100% nhà xây tại các khu vực không đảm bảo an toàn và không phù hợp cho sinh sống của người dân sẽ được di dời; Sẵn có các khoản cho vay để cải tạo nhà ở đối với hộ gia đình có nhà ở chưa đạt chuẩn tại các khu thu nhập thấp.

Theo Bộ Xây dựng, tổng chi phí dự toán cho nâng cấp 95 đô thị từ loại IV và cao hơn là khoảng 174.143 tỷ đồng. Dự toán chi phí cơ bản cho nâng cấp 8 đô thị ưu tiên, dự kiến sẽ là nhóm đầu tiên thực hiện chương trình NUUP, là 11.600 tỷ đồng; ứng với diện tích đô thị dự báo là 170,59 km2 và dân số dự báo ở mức 936.524 người cho năm 2020, dự toán chi phí đầu tư cho một km2 sẽ khoảng 68 tỷ đồng và cho mỗi đầu người ở mức 12,39 triệu đồng.

Chiến lược đầu tư cho 95 đô thị dựa trên đánh giá chung về tình hình đầu tư và kinh tế. Tám đô thị ưu tiên được đề xuất nâng cấp theo mục tiêu phát triển kinh tế vùng kết hợp với với Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội do Bộ Kế hoạch đầu tư soạn thảo, và đề xuất tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB). Các nhóm đô thị tiếp theo được đầu tư bởi các nhà tài trợ và các tổ chức tài chính khác được phân theo vùng kinh tế dựa trên đánh giá mức độ phát triển chung.

Giải pháp cho vấn đề tài chính do Bộ Xây dựng đề xuất trong Tờ trình là hạn chế dùng Ngân sách của Nhà nước và của địa phương, tìm các nguồn tài trợ theo vùng hoặc theo tỉnh. Thông qua Chương trình, chính quyền đô thị cần phải thảo luận với các đơn vị tài trợ quốc tế tiềm năng về khả năng tài trợ các hợp phần của NUUP và các thành phần của dự án.

Theo Bộ Xây dựng, việc thực hiện Chiến lược nâng cấp đô thị quốc gia và Kế hoạch đầu tư tổng thể cho nâng cấp đô thị đến năm 2020 sẽ cải thiện được mức sống và môi trường sống của các khu đô thị và kế hoạch phát triển khu ven đô, sẽ hạn chế sự gia tăng các vùng có thu nhập thấp và cung cấp cơ sở hạ tầng đầy đủ cho dân cư các vùng này.

Tại Tờ trình, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia (NUUP) và áp dụng như một chính sách chính thức cho nâng cấp đô thị cho toàn bộ Việt Nam khởi động thực hiện một cách hệ thống chính sách này trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2020; Thủ tướng cho phép thành lập Ban chỉ đạo dự án do Bộ Xây dựng chủ trì, với các đại diện từ các cơ quan ban ngành Trung ương, UBND các tỉnh để đưa ra hướng chỉ đạo chung.

Theo Hà Nội Mới

  • 269
  • By Admin
  • 18/06/2008
  • 17