• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Sẽ đảm bảo nguồn cung xi măng trong vài năm tới

Theo Vụ VLXD (Bộ Xây dựng), xi măng tiêu thụ tháng 4 đã đạt 111% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cả 4 tháng đầu năm nay thì tiêu thụ xi măng đã là 21,050 triệu tấn, bằng 120,3% so với cùng kỳ năm 2013 và đạt 34% kế hoạch năm 2014.

Riêng tại thị trường nội địa tiêu thụ cũng đã đạt bằng 107,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tồn kho cả nước tháng 4/2014 là 2,59 triệu tấn chủ yếu là clanke, cũng chỉ nằm ở mức 12 ngày sản xuất. Đây là số sản phẩm luân chuyển bắt buộc trong sản xuất.

Tuy nhiên, khi thị trường xi măng có dấu hiệu bình phục trở lại, tiêu thụ tốt dần lên thì lại có một số ý kiến lo ngại, trong vài ba năm tới, thị trường có thể chứng kiến một cuộc khủng hoảng thiếu xi măng, cho dù đã có một QH bài bản về lĩnh vực này.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ VLXD khẳng định: “Không thiếu xi măng trong ngắn hạn và dài hạn bởi chúng ta đã có QH xi măng cân đối cung – cầu dựa trên các tính toán khoa học”. Theo ông Tới, thị trường có thể lúc nóng, lúc lạnh nhưng QH xi măng phải căn cứ vào các tiêu chí mang tính khoa học cho hiện tại và lâu dài. Quan trọng là việc quản lý và điều tiết theo tinh thần Quyết định 1488 của Chính phủ.

Theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt QH phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, năm 2011, các nhà máy xi măng cung cấp 55 triệu tấn và đến 2015 là 75-76 triệu tấn, đến 2020 là 93-95 triệu tấn và đến 2030 là 113-115 triệu tấn.

Sẽ không thiếu xi măng cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Sẽ không thiếu xi măng cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Trong giai đoạn 2012 - 2015 sẽ có 24 dự án xi măng dự kiến đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế 24,76 triệu tấn xi măng/năm. Dự báo mức tiêu thụ xi măng trong năm 2014 khoảng 65-67 triệu tấn, xuất khẩu 10 triệu tấn, tuỳ thuộc vào sức tiêu thụ trong nước.

Các chuyên gia đánh giá, QH này là phù hợp với nhu cầu phát triển, và sát với thực tiễn. Tuy nhiên, lo ngại nằm ở chỗ, do suy thoái kinh tế, nhiều chủ dự án tuy đăng ký đầu tư và được đưa vào QH nhưng lại không có khả năng triển khai vì thiếu vốn. Thực tế, Bộ Xây dựng đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, mạnh tay loại bỏ 9 dự án không khả thi ra khỏi QH, chưa kể một số dự án trong giai đoạn bị xem xét giãn, hoãn…

Theo kế hoạch, khoảng giữa và cuối năm 2014 sẽ có 04 nhà máy xi măng mới được dưa vào hoạt động (Công Thanh, Đồng Lâm, Thạch Mỹ, Trung Sơn) với tổng công suất là 7,5 triệu tấn. Như vậy vào năm 2015 dự kiến công suất các nhà máy xi măng sẽ là khoảng gần 81 triệu tấn. Năm 2015 sẽ không có dự án nào được đưa vào hoạt động. Nguồn cung xi măng cả nước đến năm 2015 sẽ chỉ còn 81 triệu tấn/năm, giảm trên 13 triệu tấn so với con số 94,2 triệu tấn/năm trong quy hoạch 1488.

Có những ý kiến băn khoăn là vậy, nhưng ông Tới cho rằng, trong giai đoạn suy thoái kinh tế, lượng xi măng dư thừa đã được điều tiết bằng xuất khẩu.

Nếu nhu cầu trong nước tăng cao trở lại, một lượng xi măng xuất khẩu sẽ ngay lập tức trở lại phục vụ nhu cầu trong nước. Có thể khẳng định, doanh nghiệp sản xuất xi măng nào cũng quan tâm đến thị trường trong nước. Hầu hết các doanh nghiệp xem thị phần của họ trên thị trường nội địa là ưu tiên hàng đầu.

Bộ Xây dựng đã giãn tiến độ một số dự án xi măng. Trong trường hợp thị trường tốt lên, có thể những dự án này sẽ được phép triển khai lại để bù vào nguồn cung thiếu hụt trong tương lai.

Thêm nữa, theo kinh nghiệm, khi thị trường ấm, tiêu thụ tốt lên, năng lực sản xuất xi măng hiện hữu của chúng ta có thể khai thác được 100% công suất hoặc trên nữa.

Trong quá trình quản lý và thực hiện Quy hoạch xi măng, việc đưa ra khỏi Quy hoạch những dự án quá chậm trễ dẫn tới lạc hậu về công nghệ và các tiêu chí khác, giãn tiến độ những dự án mà chủ đầu tư chưa đủ năng lực, cũng như xem xét điều chỉnh sớm tiến độ đối với một vài dự án mà chủ đầu tư có đủ năng lực về tài chính là phù hợp để đảm bảo cân đối cung cầu lâu dài. Điều này Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng tại khoản 1 điều 2 Quyết định 1488.

“Thực tế thời gian qua cho thấy, nhờ có QH xi măng và quản lý Quy hoạch một cách chặt chẽ, đúng quy định nên trong bối cảnh suy thoái kinh tế, chúng ta vẫn không thừa quá nhiều xi măng. Và khi kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, nhu cầu trong nước tăng lên thì xi măng nội địa cũng không lo bị thiếu”, ông Tới nhận định!

  • 222
  • By Admin
  • 14/05/2014
  • 17