• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Sẽ có mô hình quản lý nhà đất hiện đại?

“1 giấy 2 quyền” và “văn phòng một cửa hoàn thiện”

Theo đề án, việc thí điểm được thực hiện tại khâu đăng ký nhà đất. Theo đó, Trung tâm Thông tin tài nguyên - môi trường và đăng ký nhà đất (TTTN-MT-ĐKNĐ) thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM có thêm chức năng là đầu mối thu nhận và cung cấp thông tin về nhà gắn liền với đất.

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐK QSDĐ) quận 6 và Tân Phú thêm chức năng đăng ký nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất và đầu mối thu nhận, cung cấp thông tin nhà đất cấp quận. Nếu quận huyện chưa thành lập VPĐK QSDĐ thì giao Trung tâm TTTN-MT-ĐKNĐ tổ chức thành các khu vực (như mô hình các phòng công chứng hiện nay).

Sở Xây dựng và UBND quận huyện, phường xã cấp giấy phép xây dựng mới đối với nhà ở và công trình xây dựng cho tổ chức, cá nhân. Sau khi nhà ở và công trình xây dựng hoàn thành thì tổ chức, cá nhân đã có quyền sở hữu đối với công trình đó. Các thông tin (nhà và công trình xây dựng) được công nhận pháp lý quyền sở hữu trên GCN QSDĐ do ngành tài nguyên-môi trường cấp.

Cơ chế vận hành theo nguyên tắc “1 giấy 2 quyền” theo thông lệ quốc tế kiểu bằng khoán trước đây. VPĐK QSDĐ sẽ trở thành văn phòng một cửa hoàn thiện.

Liệu có khả thi?

Giám đốc Ban quản lý Dự án nâng cấp đô thị TP Nguyễn Hoàng Nhân phân tích các bước thực hiện: Sở Tài nguyên-Môi trường cấp GCN QSDĐ cho từng thửa đất, Sở Xây dựng tiếp tục cấp phép xây dựng cho từng công trình bao gồm cả nhà ở (đăng ký đầu tiên). Thiết lập các VPĐK QSDĐ (xây dựng văn phòng này là nơi chịu trách nhiệm duy nhất). Chuyển tất cả GCN QSDĐ từ Sở Tài nguyên-Môi trường sang VPĐK QSDĐ, chuyển bản sao GCN QSHNƠ-QSDĐ từ Sở Xây dựng về VPĐK QSDĐ (thiết lập đăng ký đảm bảo ở cơ quan chịu trách nhiệm duy nhất).

Sau khi giấy phép xây dựng được cấp thì nhà có thể được đăng ký, Sở Xây dựng cung cấp đĩa CD cho chủ sở hữu mang đến VPĐK QSDĐ thực hiện đăng ký (phê duyệt đăng ký nhà). Chủ sở hữu mang các thông tin chi tiết về nhà và GCN QSDĐ đến VPĐK QSDĐ để đăng ký nhà ở (thực hiện 1 GCN 2 quyền).

VPĐK QSDĐ đính kèm bản thiết kế kiến trúc và các thông tin liên quan, in một bản sao cho chủ sở hữu, UBND TP sẽ ủy quyền cho giám đốc, phó giám đốc Sở Xây dựng ký, đóng dấu trên giấy phép xây dựng và ủy quyền cho lãnh đạo VPĐK QSDĐ ký, đóng dấu vào hồ sơ đăng ký (bước ủy quyền).

Lập hội đồng gồm các sở ngành có liên quan, chọn VPĐK QSDĐ thu tiền với tư cách đại diện thuế và kho bạc hoặc cán bộ của thuế, kho bạc đến làm việc trực tiếp tại VPĐK QSDĐ (văn phòng một cửa). Số hóa các hồ sơ, thủ tục nhà đất từ TP đến 2 quận và các phường có liên quan. Đào tạo nguồn nhân lực cho mô hình thí điểm. Xây dựng chương trình nhận thức cộng đồng để đảm bảo các biến động được thông báo đầy đủ đến cộng đồng. Theo đề án, thời gian thực hiện thí điểm tại 2 quận trên là 1 năm, nếu thành công sẽ nhân rộng toàn TP.

Trên thực tế, mô hình quản lý nhà đất theo kiểu bằng khoán đã được thực hiện tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Hiện nay, các quy định của Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp cũng dựa trên mô hình bằng khoán trước đây (lấy đất làm nền tảng quản lý). Đây là mô hình hợp lý bằng việc gắn nhà (tài sản) trên đất có nghĩa là công nhận pháp lý về quyền sở hữu những kiến trúc trên đất. Tuy nhiên, để có thể triển khai trên địa bàn TP thì không phải là điều đơn giản.

Một số ý kiến cho rằng: TPHCM còn tồn tại nhiều loại giấy khác nhau, triển khai đề án này liệu có thuận lợi cho người dân hay không, nếu hợp nhất một loại giấy thì có công nhận quyền sở hữu trên đất hay không? Việc ứng dụng công nghệ thông tin (từ đo đạc, quy hoạch, cấp giấy đến cập nhật biến động sau cấp giấy) cũng phải được thực hiện thành một hệ thống đầy đủ.

Thực tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực nhà đất và xây dựng trên địa bàn TPHCM vẫn còn nhiều bất cập, thủ công. Quận 6 là đơn vị được chọn thí điểm, cũng còn nhiều bất cập trong việc cấp giấy tờ nhà đất, khiến hồ sơ quá thời hạn giải quyết lên đến 3.463/4.421 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 78,33% (theo kết quả thanh tra công vụ mới đây).

Một trong những nguyên nhân của việc chậm trễ đó là do đội ngũ cấp GCN tại VPĐK QSDĐ quận đa số là nhân viên hợp đồng. Những người này được giao quyền hạn khá lớn (cấp GCN) nhưng ràng buộc trách nhiệm thì không tương xứng, nên dẫn đến bê trễ hồ sơ…!

Theo Sài Gòn Giải Phóng

  • 0
  • By Admin
  • 28/10/2008
  • 17