• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Sẽ có đường đi bộ ven Hồ Gươm?

Sẽ có đường đi bộ ven Hồ Gươm? | ảnh 1
Đường hoa ven hồ Gươm

Ngay từ thế kỷ 19, khi người Pháp bắt tay vào quy hoạch Hà Nội, họ cũng rất có ý thức tôn trọng cảnh quan của hồ Gươm và coi đây như không gian chuyển tiếp giữa phố cổ và khu phố mới. Chính từ khi đó, ý tưởng phố đi bộ bắt đầu hình thành.

Xuất phát  từ ý tưởng chung

Năm 1996, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 448/QĐ-BXD ngày 3-8-1996 về Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo khu vực hồ Gươm và phụ cận. Quy  hoạch này đã xác định, các tuyến đường quanh hồ Gươm cùng trục Tràng Tiền - hồ Gươm - Nhà hát Lớn là để dành cho người đi bộ. Để không làm ảnh hưởng đến “không gian vàng” cùng người đi bộ, quy hoạch cũng đưa ra các kết nối về đường giao thông, bằng cách mở tuyến đường Báo Khánh thông ra Hàng Trống, tuyến đường từ mặt ngoài Hàng Khay thông vào sân đỗ xe phía bên trong.

Một số khu vực như quảng trường trước Ngân hàng Nhà nước, một số vườn hoa sẽ được sử dụng làm các bãi đỗ xe ngầm. Trên vị trí cạnh Sở VH-TT&DL hiện tại, mở thêm một tuyến đường thông ra phố Nguyễn Hữu Huân nhằm giảm thiểu áp lực giao thông đảm bảo cho người dân đi lại thuận tiện. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng đề xuất xây dựng một số bến bãi đỗ xe. Song, cho tới nay, dù đã 15 năm trôi qua, dự định biến hồ Gươm thành không gian dành riêng cho người đi bộ vẫn chỉ dừng ở mức… khởi động.

Đến năm 2008, để chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. UBND thành phố Hà Nội phối hợp cùng Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát động cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch, thiết kế đô thị hồ Gươm và vùng phụ cận”.  Đặc biệt, cả 9 đồ án được lọt vào vòng 2 (ngoài sự tham dự của chủ nhà Việt Nam, cuộc thi còn thu hút các KTS của Tây Ban Nha, Pháp, Nhật, Italia).

Mặc dù cách làm khác nhau, nhưng đều có chung đề xuất biến hồ Gươm thành không gian xanh, không gian dành riêng cho người đi bộ và không gian lễ hội. Cùng với các phương án bảo tồn và phát huy giá trị phi vật thể, các đồ án cũng đưa ra các giải pháp giải tỏa áp lực giao thông xung quanh bờ hồ và phụ cận, phát triển giao thông công cộng, khu vực đỗ xe ngầm, tàu điện ngầm, tạo cho hồ Gươm hình ảnh mới, vừa cổ xưa huyền thoại, xanh hơn, thân thiện hơn, mới mẻ hơn để người dân khi đến với hồ Gươm không chỉ  “tham gia” mà thực sự “cảm thụ”.

“Việc nên làm”

Đó là khẳng định của KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội. Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, việc Hà Nội tái khởi động nghiên cứu về tuyến phố đi bộ hồ Gươm là hoàn toàn hợp lý và lẽ ra phải thực hiện điều này từ chục năm trở về trước. Với vị thế vươn lên của Thủ đô, cùng cái nhìn hết sức thiện cảm của thế giới đối với giá trị hồ Gươm thì mong muốn hồ Gươm trở thành phố đi bộ không chỉ riêng của các nhà chuyên môn, nhà quản lý mà còn là tâm nguyện của nhiều người dân, tổ chức xã hội.

Tại sao cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thể biến điều đó thành hiện thực? Theo phân tích của KTS Đào Ngọc Nghiêm, để làm được việc này, chúng ta cần trả lời thỏa đáng các câu hỏi: “Chúng ta tổ chức quản lý, khai thác công trình kiến trúc có giá trị làm cảnh quan đẹp cho du khách thưởng ngoạn không? Các gian hàng trên phố có khai thác đúng chức năng như trung tâm đi bộ không? Chúng ta tạo dựng kiến trúc cảnh quan nghỉ ngơi, cùng những tiện ích đô thị đã hợp lý chưa? Quan trọng nhất là: Tổ chức giao thông có hợp lý không? Nếu cấm xe, luồng tuyến sẽ thế nào, nơi nào dành cho giao thông tĩnh và cuộc sống của người dân có bị ảnh hưởng không?”.

Để giải quyết các câu hỏi trên sẽ rất nan giải, bởi đụng chạm đến quyền lợi của các cá nhân, tập thể. Vì thế, rất cần một dự án đồng bộ và gắn tuyến phố đi bộ với việc cảm nhận không gian, khai thác sử dụng sao cho xứng tầm.

KTS Trần Huy Ánh (Chi hội Nhà Đất - Hội Kiến trúc sư Hà Nội)

“Chỉ cần làm sao cho khéo”

Ngay từ khi mới hình thành, tuyến phố này dành cho đi bộ là chính. Hà Nội đầu thế kỷ 20 có bóng dáng của “ Paris thu nhỏ “ vì quy hoạch theo lối Tây: các đường phố giao nhau tại các quảng trường như hình ngôi sao nhiều cánh. Vì thế, quy hoạch lối đi bộ quanh hồ rất khả thi, vì đảm trách lưu thông xe cộ đã có vành đai bên ngoài: Phía Tây hồ có phố Hàng Trống nối với phố Nhà Chung và Lý Quốc Sư; phía Đông có phố Ngô Quyền và Lý Thái Tổ; Phía Bắc có Cầu Gỗ nối ra Đinh Liệt, phía Nam có phố Hai Bà Trưng.

Phố xưa đã bày sẵn vậy, nay chỉ cần tổ chức cho khéo thôi. Trước đây, cũng đã có vài đề xuất tuyến đi bộ quanh hồ nối với Tràng Tiền dẫn đến Nhà hát Lớn của các KTS đến từ Pháp, Australia… Gần đây có phác thảo của KTS Mai Thế Nguyên (Việt kiều Nauy), được biết đề xuất của ông đã được Đại sứ một vài nước Bắc Âu rất ủng hộ. Cảnh quan hồ Gươm sẽ đóng góp vào việc cảm thụ không gian kiến trúc cho cư dân TP tốt hơn nhiều nếu đi bộ thay cho đi qua bằng xe máy, ô tô.

Mặt khác khu vực không khói xe, cho dù nhỏ bé thì cũng tạo một góc môi trường trong sạch trong TP vốn đã “nén căng” này. Sẽ có lo ngại về thiệt hại thương mại nếu như không cho đi xe vào khu vực này, tôi nghĩ đây chỉ là cảm tính. Người đi bộ sẽ quan sát nhiều hơn, nhu cầu tiếp xúc, trao đổi hàng hóa lớn hơn. Tôi cũng đã từng có trao đổi với một số KTS tham gia nghiên cứu không gian hồ Gươm và vùng phụ cận, nhiều người đã rất tâm đắc với đề xuất tuyến đi bộ này. Nếu các cơ quan liên quan phối hợp với Hội KTS Việt Nam cụ thể hóa ý tưởng này, tôi nghĩ rất có thể có nhiều sáng kiến sẽ được trình bày thuyết phục.

(Theo ANTĐ)

  • 162
  • By Admin
  • 10/06/2011
  • 17