Dư luận lâu nay rất bức xúc về việc nhiều địa phương chuyển đất sản xuất nông nghiệp, nhiều nơi là đất "bờ xôi ruộng mật" sang làm sân golf. Hệ quả là diện tích đất nông nghiệp của cả nước đã rất ít lại bị xà xẻo, có thể trước mắt chưa ảnh hưởng đến an ninh lương thực, nhưng trong tương lại thì có thể. Việc đình lại các dự án sân golf mới tại các khu vực sản xuất nông nghiệp, chuyển các dự án sân golf cần thiết đến các vùng đất ít có khả năng sản xuất nông nghiệp, được dư luận đồng tình.
Tuy nhiên, việc mất đất nông nghiệp cũng không vì thế mà bị chặn đứng. Cùng với sân golf, các khu công nghiệp, khu đô thị cũng "ăn" một phần quan trọng đất sản xuất nông nghiệp tại các địa phương. Mỗi năm, cả nước bị mất hàng chục nghìn héc ta đất trồng lúa và các loại cây nông nghiệp có giá trị, cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Vẫn biết rằng, để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phải phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và đi kèm với nó là các khu đô thị, các trung tâm nghiên cứu khoa học, các trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí, nhưng vẫn chạnh lòng khi thấy nhiều cánh đồng lúa tốt tươi đang bị lấp cát, san bằng để làm nhà máy, xây nhà. Ai một lần đi qua Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam… mà không có cảm xúc này ?
Các địa phương đua nhau phát triển các khu công nghiệp nhằm tănggiá trị sản lượng, đây là điều bình thường. Chỉ bất bình thường là một số tỉnh thuần nông, có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp cũng tự bỏ thế mạnh của minh để phát triển công nghiệp. Bởi chỉ có phát triển công nghiệp mới gia tăng nhanh giá trị sản lượng, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương và tạo việc làm cho người lao động tại chỗ.
Vậy giải bài toán vừa giữ được diện tích đất nông nghiệp, vừa phát triển công nghiệp, tạo việc làm như thế nào?
Vấn đề này, không chỉ giải quyết trong phạm vi một tỉnh, mà phải có sự hợp tác giữa các địa phương và có sự điều chỉnh vĩ mô. Giữa các tỉnh cần liên kết, hỗ trợ tối đa để phát huy thế mạnh của từng địa phương. Tỉnh có thế mạnh sản xuất nông nghiệp cầnưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, không chỉ vì an ninh lương thực của tỉnh, mà phải cho các tỉnh bạn và vì cả nước. Các tỉnh chưa tự túc được lương thực, phải tìm đến các tỉnh thuần nông hợp tác để có được nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, các nông sản cần cho sự phát triển của mình. Đổi lại, các tỉnh thuần nông muốn phát triển công nghiệp, có thể đi "thuê" đất đồi tại các tỉnh bạn để xây dựng các khu công nghiệp, đưa lao động của mình sang đó làm việc. Đây là việc làm hết sức bình thường trong thời đại kinh tế thị trường, hội nhập và toàn cầu hóa. Tại sao các nước sang ta đầu tư để đáp ứng nhu cầu trong nước họ và xuất khẩu ra nước ngoài thu lợi nhuận, mà ta, không ra nước ngoài, chỉ sang tỉnh bạn, lại không làm được ? Nhiều nước hiện nay còn đi thuê đất trồng cây lương thực ở nước ngoài đem về nước tiêu thụ, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, như Trung Quốc, Saudi Arabia …đang làm. Tư tưởng tự túc trong phạm vi từng địa phương cần phải bị loại bỏ.
Nhiều địa phương lấy lý do là khu công nghiệp mà tỉnh bạn dành cho thường là nơi "khỉ ho cò gáy", không thuận tiện cho đi lại. Vốn phát triển hạ tầng: đường sá, nguồn năng lượng... lấy ở đâu, nguồn lao động ở đâu? Rất đơn giản, hai tỉnh cùng đầu tư theo hình thức BOT cộng với sự hỗ trợ từ sự điều tiết vĩ mô. Nguồn lao động cho các khu công nghiệp "ngoại tỉnh" có thể lấy chủ yếu từ tỉnh quê hương đưa tới, vì phát triển công nghiệp có nhiệm vụ rất quan trọng là giải quyết việc làm cho người dân tại chỗ. Để đảm bảo cho người lao động an tâm đến nơi mới làm việc, các khu công nghiệp cần hỗ trợ xây dựng các khu nhà ở cho công nhân và hỗ trợ việc đi lại hằng tuần, hằng tháng giữa nơi làm việc và quê nhà. Về lâu dài, cần tái định cư người lao động tại nơi làm việc, nhằm tái cơ cấu dân cư trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất để sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương phát triển bền vững là sự điều tiết vĩ mô. Cần có sự nhìn nhận mới về các nguồn thu của các địa phương. Các tỉnh phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ cần phải đóng góp nhiều hơn hiện nay để tạo nguồn quỹ phát triển chung của cả nước. Nguồn quỹ phát triển chung này sẽ dành để hỗ trợ cho các tỉnh thuần nông có nguồn thu tăng chậm hơn. Việc điều hành nguồn quỹ này phải có sự giám sát chặt chẽ để các địa phương sử dụng có hiệu quả.
Chỉ có sự liên kết, hợp tác liên địa phương mới có lối thoát cho việc hạn chế tối đa việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp và đô thị. Việc mở rộng thủ đô Hà Nội mới đây là nhằm giải quyết những bức xúc trong việc phát triển công nghiệp và đô thị, nhưng với các tỉnh, không thể có giải pháp như Hà Nội.
Theo KTĐT