"Sau mỗi đợt sốt cục bộ, giá đất lại lên 1 mức mới"
Đó là phân tích và đánh giá của TS Trần Du Lịch, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế (Tp.HCM), phó trưởng đoàn ĐBQH Tp.HCM, Uỷ viên Uỷ Ban Kinh tế Quốc hội.Ảo. Hoàn toàn ảo
Ông đánh giá thế nào về tình hình giá cả trên thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Tp.HCM và Hà Nội?
Ảo. Hoàn toàn ảo. Hiện nay thị trường bất động sản tạo một sức cầu ảo do sự yếu kém trong sử dụng các công cụ tài chính để điều tiết. Tôi ví dụ: những người đi mua chung cư không phải những người cần ở mà là mua để bán lại. Họ mua để đầu cơ. Những người thực sự có nhu cầu về nhà ở, đất ở không mua nổi. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy sau những đợt sốt cục bộ giá đất khu vực đó sẽ tăng lên một mức mới.
Thưa ông, sau cơn sốt đất ảo tháng 5 - 6 vừa qua đã đẩy giá đất Hà Nội ở nhiều vùng lên một sàn giá mới. Ông có cho rằng thị trường BĐS Hà Nội ngày càng khó kiểm soát và ngày càng diễn biến phức tạp không?
Tôi cho rằng đặt ra ngoài tầm kiểm soát thì không đúng lắm. Nhưng thực sự thị trường BĐS không chỉ ở Hà Nội mà ngay cả Tp.HCM đều có vấn đề. Nó là một thị trường không bình thường vì yếu tố đầu cơ và tâm lý người Việt Nam là tâm lý tích tụ tài sản dưới hình thức BĐS. Giá BĐS hiện nay đang ở trên trời, cần phải đưa xuống mặt đất.
Giá BĐS hiện nay đang ở trên trời, cần phải đưa xuống mặt đất.
Vâng, người dân hiện nay không chỉ tích tụ đất đai mà còn tích tụ cả chung cư, căn hộ. Giá của những căn hộ chung cư cũng lên chóng mặt?
Một chung cư được xây lên, dù sao cũng chỉ là cái hộp bê tông được chia thành các căn hộ, vậy mà giá tới trên 30 triệu đồng/m2 thì đúng là không hiểu nổi. Tôi cho rằng trong các loại thị trường, tệ nhất hiện nay là thị trường BĐS! Chưa thể nói là cầu đã quá mức so với cung, vậy mà giá đất ở các đô thị lớn của Việt Nam còn đắt hơn ở Tokyo (Nhật Bản), có lẽ chỉ thua London (Anh) là trung tâm tài chính của thế giới, như vậy rõ ràng nguyên nhân nằm ở hai chữ đầu cơ.
Tôi nói từ rất lâu rồi, dự án được giao, xây dựng xong nhưng không quy định thời hạn hoàn thành dự án đó, thành ra nền nhà bỏ hoang. Người ta làm hạ tầng cứ mua đi bán lại nền nhà và cứ bỏ hoang, để đó chờ tăng giá. Cái này phải kiến nghị làm sao người mua cái nền nhà đó không kỳ vọng gì nó lên giá bằng cái thuế người ta phải đóng. Lúc đó người ta phải bán. Mọi người không đầu cơ thì lúc đó cung - cầu trở lại bình thường. |
Đây là vấn đề trong kinh tế học đã cảnh báo: nếu để cho người dân tích tụ tài sản dưới hình thức đất đai - bất động sản đó là hành vi phi kinh tế. Tác hại lớn nhất hiện nay là chúng ta đẩy giá đất Việt Nam vượt sức chịu đựng của nền kinh tế, quá bất hợp lý so với tổng sản phẩm nội địa, ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách về giá.
Hiện tượng đầu cơ phá hoại toàn bộ chính sách công nghiệp hóa của chúng ta. Bởi vì với giá đất ngất ngưởng như vậy thì làm sao giải phóng mặt bằng để xây dựng khu công nghiệp, làm đường giao thông, làm sao có đất để xây dựng các công trình du lịch, thương mại... làm sao có thể mua nổi đất làm khu công nghiệp; Làm đường, làm trường học, làm bệnh viện? Và đặc biệt, làm sao hàng triệu triệu người không có nhà, không có đất mua được nhà đất?
Giá đất lên theo ngòi bút của nhà quy hoạch
Có nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân gây rối loạn thị trường BĐS Hà Nội vừa qua là do sự tắc trách của Bộ Xây dựng và TP Hà Nội, đã thiếu những cảnh báo và thông tin minh bạch khi công bố Đồ án Quy hoạch Hà Nội mới. Họ có thực sự đáng trách như vậy không thưa ông?
Hiện nay, thị trường BĐS nó biến đổi theo ngòi bút của nhà quy hoạch. Tôi đã cảnh báo vấn đề này trước Quốc hội rồi. Chúng ta biết giá đất trên thị trường đi theo bản vẽ của nhà quy hoạch. Do vậy cần cẩn trọng trong vấn đề quy hoạch, công bố quy hoạch và công bố tính khả thi của nó.
Cái nhà giá trị 1 tỷ đồng thì đánh thuế khác, nhà 3 tỷ đồng đánh thuế khác. Vấn đề đặt ra như các nước là mua cái nhà 3 tỷ đồng, anh xem thu nhập của anh có đủ đóng thuế với cái nhà 3 tỷ đồng hay không? Cũng giống như vấn đề mua xe hơi vậy, không phải vấn đề là tiền mua mà là sử dụng xe hơi khấu hao hằng năm mới là quan trọng. Hiện nay, chúng ta không làm. Và bất cập ở chỗ: biệt thự diện tích 1.000m2, giá trị 2 - 3 triệu USD mà đóng thuế mỗi m2 có bằng 2 ký lúa mỗi năm, thì đấy là vấn đề. |
Bộ Xây dựng có một Cục quản lý thị trường BĐS... nhưng tôi cho là phải có sự kết hợp giữa cơ quan quản lý địa phương với cơ quan quản lý trung ương. Chúng ta không nên chạy theo giá thị trường khi định giá đất. Cần sử dụng các công cụ tài chính để điều tiết với từng trường hợp, như trong việc bỏ đất hoang thì xử lí như thế nào? Theo luật đất đai chưa biết xử lí ai cả. Một người có nhiều đất hay không không phải là điều quan trọng mà quan trọng là đất đó để làm gì, nếu để đất hoang thì phải đánh thuế rất nặng. Tôi thấy Hà Nội tuy giá đất rất cao nhưng nhà bỏ hoang thì đầy rẫy. Đó là sự lãng phí, phải đánh thuế vào đó.
Theo ông, hiện Chính phủ cần thực hiện ngay giải pháp gì để điều chỉnh thị trường BĐS?
Để giải quyết vấn đề một cách căn cơ, tôi đề nghị Nhà nước phải sử dụng những công cụ gián tiếp như những chính sách về thuế, về tài chính trong vấn đề bỏ đất hoang, đầu cơ... những vấn đề về tính khả thi của quy hoạch cũng như đảm bảo tính khả thi của quy hoạch. Còn cứ để tình trạng này chúng ta không thể phát triển lành mạnh được.
Theo KH&ĐS
- 0
- By Admin
- 22/07/2010
- 17