Sát nút 1/7: Doanh nghiệp địa ốc cấp tập tìm ngân hàng bảo lãnh
Không được bảo lãnh, đừng mơ bán nhà
Sáng ngày 28/6 vừa qua, sau một thời gian đàm phán, Eximbank mới quyết định ký kết với Công ty Khang Điền trong việc đứng ra bảo lãnh cho người mua nhà tại 3 dự án của Khang Điền gồm Mega Village, Mega Residence và Mega Ruby (đều thuộc Q.9, Tp.HCM).
Trong thời gian vừa qua, Khang Điền là doanh nghiệp thứ hai chính thức công bố ký kết với ngân hàng bảo lãnh cho người mua nhà, trước đó là Tập đoàn Novaland. Lý giải nguyên nhân chọn Khang Điền, bà Đinh Thị Thu Thảo, PTGĐ ngân hàng Eximbank cho biết, Khang Điền là đơn vị đầu tiên được Eximbank chọn bảo lãnh là bởi trước đó, Eximbank từng tài trợ vốn cho công ty này 4 dự án. Các dự án của đơn vị này đều đảm bảo tiến độ và chào bán thành công, đồng thời Khang Điền đều trả nợ trước hạn tại 4 dự án này. Bà Thảo cũng phân tích: “Với mỗi dự án tham gia bảo trợ, ngân hàng đều thẩm định rất kỹ xem dự án nằm ở vị trí nào, phân khúc khách hàng nào. Không chỉ cho dự án vay vốn, khi bảo lãnh một dự án nào đó, khách hàng mua nhà ở cũng sẽ trở thành khách hàng của chúng tôi. Vì thế dự án nào bán tốt, chủ đầu tư uy tín thì ngân hàng mới dám đứng ra bảo lãnh chứ không phải dự án nào xin bảo lãnh cũng được chấp thuận”.
Nếu không tìm được ngân hàng bảo lãnh, chủ đầu tư sẽ không được bán nhà ở đang xây. Ảnh: Đình Sơn |
Tương tự, Công ty Hưng Thịnh sau một thời gian tìm kiếm, đàm phán hiện cũng đã được 5 ngân hàng đồng ý sẽ đứng ra bảo lãnh cho các dự án khác nhau do Hưng Thịnh đầu tư. Theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Thịnh, các ngân hàng chọn, xem xét rất kỹ về năng lực của chủ đầu tư, tính thanh khoản của dự án, chỉ khi nhận thấy mọi thứ đều tốt họ mới dám đứng ra bảo lãnh. Vì vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng được ngân hàng chấp thuận.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT của Công ty An Gia Investment - ông Nguyễn Bá Sáng cho biết, luật là bắt buộc nên công ty cũng đang gấp rút tiến hành đàm phán với các ngân hàng. Trường hợp doanh nghiệp nào không được nhà băng bảo lãnh thì phải có một nguồn tiền khổng lồ để xây dựng dự án cho tới khi hoàn thiện mới được phép mở bán, điều này gần như là bất khả thi với phần lớn các công ty BĐS hiện nay.
Nhận xét về tình hình các doanh nghiệp BĐS trước giờ G, ông Đỗ Văn Mạnh, TGĐ Công ty Đất Xanh Miền Nam cũng thừa nhận, doanh nghiệp địa ốc hiện đều chạy đôn đáo khắp nơi tìm nhà bảo lãnh cho dự án của mình, nếu không sẽ không được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai. Đất Xanh hiện đang phát triển dự án SaigonRes Plaza (Q.Bình Thạnh) và cũng đã có một ngân hàng chấp nhận đứng ra bảo lãnh.
Theo lãnh đạo của một ngân hàng thì, chủ doanh nghiệp có thể bảo lãnh cho dự án của mình bằng tín chấp, thế chấp bằng chính dự án hoặc dòng tiền thu về từ việc bán hàng. Thậm chí với những doanh nghiệp có quan hệ tốt với phía ngân hàng, được ngân hàng xếp hạng tín dụng tốt, dự án khả thi thì có thể không cần tài sản đảm bảo. Ngược lại, các ngân hàng sẽ phải thẩm định rất khắt khe, bởi nếu chẳng may xảy ra chuyện thì ngân hàng phải “ôm sô”, đứng ra trả lại tiền và lãi suất cho người mua nhà. “Một dự án BĐS nhỏ cũng có giá hàng trăm tỉ đồng, lớn có khi lên tới mấy ngàn tỉ. Do đó ngân hàng phải thẩm định kỹ nếu không rủi ro rất lớn sẽ thuộc về ngân hàng", vị này phân tích.
Giá nhà ở được bảo lãnh vẫn không tăng
Quy định phải có ngân hàng bảo lãnh giúp đảm bảo quyền lợi của người mua nhà nhưng nhiều người vẫn tỏ ra lo lắng, phí bảo lãnh, tài sản thế chấp...có thể khiến giá nhà ở tăng lên. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Đình Bảo, PTGĐ Công ty Khang Điền cho biết, công ty cam kết sẽ không tăng giá bán nhà. Theo đó, toàn bộ chi phí phát sinh sẽ do công ty gánh vác thay khách hàng.
Tương tự như Khang Điền, trước đó tập đoàn Novaland cũng được ngân hàng VPBank đồng ý đứng ra bảo lãnh cho 4 dự án là The Sun Avenue (Q.2), RiverGate, The Tresor (Q.4) và Lucky Palace (Q.6). Đại diện ngân hàng VPBank, ông Phan Ngọc Hòa, PTGĐ cho hay, thông thường khi bảo lãnh, ngân hàng sẽ lấy phí bảo lãnh và thẩm định dự án. Nhưng đối với công ty Novaland, VPBank sẽ cố gắng chia sẻ để khách hàng không phải gánh khoản phí này, nhờ đó giá nhà chắc chắn sẽ không tăng.
Một ông lớn địa ốc khác là Công ty Sacomreal cũng được các ngân hàng OCB, ACB và HDBank đứng ra bảo lãnh dự án Jamona Riverside (Q.7) và Carillon 3 (Q.Tân Bình). Sacomreal cũng cam kết sẽ không tăng giá bán sản phẩm tại các dự án này. Một số doanh nghiệp địa ốc khác cũng cho biết, nếu thực hiện bảo lãnh, những khoản chi phí phát sinh doanh nghiệp sẽ đứng ra hỗ trợ khách hàng, không tăng giá bán sản phẩm và xem đây như một chương trình khuyến mãi để thu hút khách.
Loại bỏ bớt những chủ đầu tư “tay không bắt giặc” Theo một số chuyên gia, mức phí bảo lãnh dự án áp dụng từ 0,5 -2%. Khoản chi phí này cũng quá nhỏ so với tổng mức đầu tư của một dự án, vì thế những doanh nghiệp khôn ngoan sẽ không tính vào giá sản phẩm mà xem đây như một hình thức hỗ trợ người mua nhà, từ đó giúp tăng thêm uy tín và sức hút của dự án. Một vị chuyên gia còn phân tích, quy định bảo lãnh dự án sẽ là một công cụ bảo vệ tốt hơn cho khách mua nhà, giúp họ tránh được những kiện tụng, tranh chấp không đáng có với chủ đầu tư. Đặc biệt, quy định mới còn giúp thanh lọc những chủ đầu tư “tay không bắt giặc” như trước đây, giúp thị trường minh bạch hơn. |
- 0
- By Admin
- 29/06/2015
- 17