Sân golf: Không phải nước ngoài quản được là VN quản được
Chỉ 13 sân golf đã vượt cầu
* Thưa bà, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là việc thu hút FDI vào các dự án sân Golf. Đến giờ có 144 dự án được cấp phép, 13 dự án chính thức vào hoạt động. Bà đánh giá thế nào về con số này?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ 13 dự án đang hoạt động tại VN vào thời điểm này đã là dư thừa. Rõ ràng người nước ngoài chơi golf ở VN không nhiều, số khách du lịch vào VN cũng còn khiêm tốn. Vả lại, khách du lịch của VN từ các nước lân cận vào nhiều hơn là những khách đến nghỉ lâu như đi nghỉ dưỡng, chơi golf.
Con số thống kê của Tổng cục du lịch cho thấy, phần lớn khách du lịch vào một lần, tham quan để biết phong cảnh VN, không dừng lại lâu. Trong khi đó, số người VN có điều kiện tham gia chơi golf có nhưng chưa nhiều.
Nếu họ có điều kiện tài chính để chơi và chơi với ý nghĩa thể thao là tốt, nhưng số lượng dịch vụ mình cung cấp quá nhiều so với nhu cầu hiện tại, gây lên sự lãng phí. Trước hết là lãng phí đất đai, thứ nữa là lãng phí đầu tư.
Nói cho cùng, tiền của ai thì cũng là có sự đóng góp nhất định của xã hội vào đó. Nếu các sân golf hiệu quả không cao thì phần đóng thuế hoặc lợi nhuận mà họ cam kết cho VN sẽ không được đảm bảo như cam kết ban đầu.
Số dự án sân golf mới là quá nhiều, nhiều đến mức không thể chấp nhận được. Với điều kiện của VN, sau 15 - 20 năm nữa, ta cũng không cần nhiều sân golf đến vậy.
Khi đời sống VN có lên mức thu nhập trung bình, giới thượng lưu nhiều hơn thì cũng không thể dùng hết tới 144 sân golf được. Mong Nhà nước xem xét kỹ lưỡng có nên tiếp tục cấp phép các dự án sân golf mới hay không, hoặc tốt hơn là quyết định ngừng lại tất cả các dự án về sân golf sau 13 cái đã có.
Không hy sinh hàng nghìn hộ dân cho lợi ích 1 DN
* Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài từng nói rằng việc đủ hay không đủ sân golf phụ thuộc vào nhu cầu. Như bà khẳng định nhu cầu như vậy là quá lớn rồi. Vậy tại sao ta lại để xảy ra tình trạng cấp phép tương đối dễ dàng như vậy trong một thời gian khá dài?
Số dự án cấp phép này không phải chỉ cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài mà cả một số dự án đầu tư trong nước. Do phân cấp nên chính quyền các địa phương được phép cấp các dự án như sân golf, tạo nên sự dễ dàng thái quá.
Hầu hết các dự án đang xin phép đều nằm trong thẩm quyền các địa phương cấp phép, không phải thuộc thẩm quyền Trung ương.
Trước đây khi Trung ương cấp phép, quy trình cũng nghiêm ngặt hơn, qua nhiều bộ khác nhau nên có nhiều ý kiến đóng góp, cảnh tỉnh, do đó có thể xem xét và thẩm định kỹ lưỡng hơn về các mặt.
Hiện nay chúng ta chủ trương trao quyền cho địa phương cấp phép. Về cơ bản chủ trương này là đúng nhưng với một số lĩnh vực như sân golf và công trình lớn thì Nhà nước vẫn nên giữ quyền trung ương cấp phép, không nên để cho các địa phương.
Để địa phương cấp phép có thể dẫn tới một số rủi ro sau:
1. Dự án không tuân thủ theo quy hoạch của cả nước. Địa phương chưa có sân golf thì muốn có để theo đuổi, cạnh tranh với địa phương khác, mà không thấy địa phương cạnh mình đã có và mình có trở thành dư thừa.
Nhất là với các tỉnh còn nghèo, cái để tăng trưởng, phát triển không phải là nhờ sân golf. Nhiều người vẫn ngộ nhận với dự án sân golf này sẽ thu hút tiếp các đầu tư khác và kinh tế của tỉnh sẽ đi lên.
2. Năng lực thẩm định đầu tư của hầu hết các tỉnh hiện này còn khá hạn chế. Họ chưa được trang bị đầy đủ đội ngũ, thông tin, hiểu biết để đánh giá lĩnh vực kinh doanh khác nhau, trong khi tâm lý chung là khao khát phát triển lên, các tỉnh thấy có dự án đầu tư nào là mừng. Do đó tỉnh nào cũng ham muốn những dự án như vậy.
3. Thông tin về cái lợi và hại của dự án sân golf chưa được thông báo đầy đủ đến các nơi. Có thể xem truyền hình thấy mấy đại gia sân golf đóng góp hàng tỷ đồng vào quỹ từ thiện rất dễ dàng, người ta cứ nghĩ rằng sân golf có thể mang lại lợi nhuận cực lớn, cho nên tỉnh cũng muốn thu hút dự án đó về. Nhưng câu chuyện thực sự không phải như vậy.
Dự án sân golf có lời nhiều thì không phải bằng sân golf mà chính là họ dùng đất đó để kinh doanh các lĩnh vực khác, nhất là bất động sản, biệt thự cao cấp.
Bên cạnh đó thẻ golf bán với giá rất cao cho các đại gia giúp họ có lời. Tuy nhiên, không phải sân golf nào cũng kiếm được tiền. Những thông tin không đầy đủ gây nên sự ngộ nhận ở địa phương.
4. Tính nghiêm túc của một số công chức ở các nơi trong việc xem xét, tính toán giữa lợi ích chung của người dân ở vùng của mình, nhất là người dân bị mất đất làm sân golf với sự phát triển. Nhiều khi các địa phương chỉ ham muốn có được dự án đầu tư đó nhiều hơn, chưa kể những chuyện tiêu cực bên trong.
Khi bán đất dễ dàng với giá rẻ như vậy không cân nhắc lợi ích hàng nghìn gia đình nông dân bị mất đất. Do đó, việc không xem xét thấu đáo các dự án là đáng trách.
Theo tôi, quy trình của chúng ta đã chặt chẽ, nhưng với những dự án sân golf hoặc những dự án ảnh hưởng tới lợi ích của dân thì cần được xem xét khoa học hơn. Ví dụ có thể áp dụng phương pháp đánh giá tác động. Ở các nước họ dùng rất nhiều phương pháp này.
Khi đánh giá tác động thì sẽ đánh giá cả khía cạnh kinh tế và xã hội, tham vấn những người bị thua thiệt, không chỉ nghe một chiều. Cụ thể, phải tham vẫn những người mất đất. Không thể hi sinh hàng nghìn hộ dân cho lợi ích của một doanh nghiệp.
Đừng tưởng nước ngoài quản lý được sân golf thì VN cũng làm được
* Nhưng các chủ đầu tư sân golf lại cho rằng, so với các nước trong khu vực thì số lượng sân golf ở nước ta còn ít, còn về mặt tác động môi trường, hiệu quả kinh tế, thì rõ ràng các nước trong khu vực vẫn kiểm soát được và mang lại hiệu quả cao?
Mọi so sánh đều có khập khiễng nhất định. Các nước trong khu vực đều hơn VN rất nhiều về thu nhập. VN vẫn ở mức kém hơn rất nhiều lần so với các nước này. Châu Âu thì càng không thể so sánh với VN vì thu nhập quá cao. Từ thu nhập mới tạo nên cầu cho giải trí.
Thứ hai là trình độ quản trị kinh tế, đánh giá của họ cũng cao hơn hẳn chúng ta rất nhiều.
Chúng ta không nên tưởng mình đã tài giỏi, đã học được cách thức điều hành kinh tế thị trường tốt. Họ giỏi hơn mình rất nhiều để kiểm soát tốt các hành vi của doanh nghiệp. Do đó họ thẩm định tốt hơn, đánh giá tốt hơn, kiểm soát tốt hơn để đánh giá được các doanh nghệp.
Ví dụ khi cam kết làm sân golf thì thực thực hiện đúng các cam kết đó, bảo vệ môi trường, giải quyết dân cư tại chỗ. Nhưng chúng ta không làm được như vậy.
Những chuyện về môi trường mà báo chí nêu rất nhiều trong thời gian gần đây nổi bật nhất là hai vụ nhà máy đóng tàu Huyndai Vinashin Khánh Hòa khi mang đồ thải đi chôn mà phạt có 10 triệu đồng!
Hay như Vedan làm hại con sông Thị Vải từ 14 năm trời mà không phát hiện ra?! Những cái đó không thể chủ quan được và cho thấy trình độ của chúng ta so với các nước là thua thiệt rất nhiều, cho nên đừng tưởng nước ngoài quản lý được sân golf mà mình cũng quản lý được.
Với việc phân cấp về các địa phương như hiện nay thì gần như
Bộ KH-ĐT không chịu trách nhiệm gì trong việc cấp phép đầu tư.
Bồi thường cho nhà đầu tư, hơn là gây họa về sau
* Trong 144 dự án thì có 13 dự án đã vào hoạt động, còn lại hơn 100 dự án có tiến độ triển khai rất chậm. Với những dự án như vậy, cách xử lý hậu quả và giải quyết vấn đề như thế nào?
Tôi nghĩ rằng đối với những dự án triển khai chậm thì Nhà nước hoàn toàn có quyền bằng luật pháp thu hồi lại. Ở một số địa phương đã thu hồi, rút giấy phép ở một số dự án triển khai không như cam kết.
TP HCM, Quảng Nam đã làm, vậy tại sao các địa phương khác không làm được, nhất là những dự án chiếm giữ đất lớn và lâu như vậy. Đó là một điều rất phản cảm, gây thêm bức bối của người dân.
Thà rằng lấy đất của dân xong đưa vào sản xuất, kinh doanh ngay thì dù không thích sân golf, người ta cũng còn thấy ở đây có hoạt động kinh tế trên mảnh đất người ta bỏ ra, còn hơn là ngưng trệ, để đó chưa xây dựng.
Mỗi một năm như vậy thì Nhà nước mất bao nhiêu tiền thuế ở đó do lãng phí đất. Trong kinh tế học người ta cũng rất coi trọng những chi phí cơ hội. Chúng ta không thể để chuyện đó xảy ra lâu được.
Ngay cả những dự án mới cấp mà chưa hết thời hạn để thực hiện thì cũng có quyền xem xét lại. Tôi nghĩ thà xem xét lại, bồi thường cho nhà đầu tư một phần nhất định như cam kết hai bên đã có trong trường hợp một bên phá hợp đồng, còn hơn là cứ để làm mà gây ra tai họa về sau.
Phải biết kén chọn FDI
* Như vậy chúng ta phải rút kinh nghiệm như thế nào đối với các dự án đầu tư vào sân golf nói riêng và nỗ lực thu hút vốn đầu tư nói chung?
Với FDI, VN đến giai đoạn, vị thế có thể là kén chọn, chứ không phải chấp nhận bất cứ cái nào.
Những nhà đầu tư không thực hiện được cam kết, xin dự án chỉ để chờ bán đi hay mục đích khác, không phù hợp với mục đích như cam kết khi xin đất đầu tư thì chúng ta phải có biện pháp, phải từ chối.
Có những nơi đã làm rất tốt, như Đà Nẵng chẳng hạn. Năm trước Đà Nẵng tuyên bố thẳng từ chối hai dự án hơn 2 tỷ USD.
Điều đó chứng tỏ trình độ quản trị của cán bộ Đà Nẵng rất tốt, đã hiểu được vấn đề và có được quyết định rất đúng đắn. Đứng trên bình diện tổng thể chúng ta cũng rất cần như vậy.
Ngay cả khi đầu tư trong nước, khuyến khích doanh nghiệp làm ăn là tốt, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào trên bất cứ lĩnh vực nào.
Còn những dự án sân golf, không nên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư quá nhiều khi chúng ta đã có một lượng sân golf đủ rồi. Cần tập trung đầu tư vào sản xuất vật chất, ta còn cần rất nhiều của các ngành công nghiệp, chế biến.
Nhiều năm qua, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, các nhà đầu tư FDI luôn phải nhập khẩu đến 70% các phụ tùng, linh kiện phục vụ cho các nhà máy ở VN. Đó là cả một khoảng còn trống rất rộng cho các địa bàn đầu tư vào làm.
* Về phân cấp thì trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn phải có trách nhiệm trong vấn đề này?
Tôi nghĩ rằng Bộ KH-ĐT cũng có trách nhiệm, trước hết là trong việc đưa ra định hướng và hướng dẫn các địa phương. Thứ nữa là dù sao Bộ cũng là cơ quan của Trung ương chịu trách nhiệm về lĩnh vực đầu tư nên chịu trách nhiệm vai trò giám sát của mình.
Tôi mong CP trao cho Bộ KH-ĐT nhiều thẩm quyền hơn nữa, từ đó tăng tính trách nhiệm của Bộ trong việc kiểm soát các địa phương.
Với việc phân cấp về các địa phương như hiện nay thì gần như Bộ KH-ĐT không chịu trách nhiệm gì trong việc cấp phép đầu tư.
Địa phương quyết định sai thì chịu trách nhiệm trước cả đất nước cũng như là người dân ở địa phương mình, nhưng Bộ với tư cách là cơ quan của Trung ương thì có tiếng nói và được quyền cản những dự án không phù hợp.
* Cho đến giờ vẫn chưa có quy hoạch tổng thể cho việc đầu tư vào sân golf. Vậy vấn đề này cần được xem xét như thế nào?
Phải thừa nhận một thực tế là trình độ quy hoạch của chúng ta có giới hạn. Có quy hoạch chúng ta xây dựng ra rồi nhưng lại không theo kịp với sự phát triển của đất nước, nền kinh tế cho nên quy hoạch đặt ra trở thành lạc hậu.
Cho nên đối với một số lĩnh vực tôi nghĩ rằng nên có quy hoạch. Ví dụ như sân golf chẳng hạn thì nên có quy hoạch theo tính toán tăng trưởng của thu nhập trong nước, sự phát triển FDI, người nước ngoài ở VN để tính ra dung lượng thị trường cho dịch vụ sân golf là bao nhiêu từ đó đưa ra một số lượng hợp lý. Ví dụ trong cả nước đến năm 2010 thì dừng ở mức 13 hoặc tăng thêm 1 hoặc hai cái nữa.
Quy hoạch này căn cứ vào quỹ đất của VN, đặc biệt là đất nông nghiệp. Trên thực tế quỹ đất nông nghiệp càng ngày bị bó hẹp hơn so với tốc độ tăng dân số, so với nhu cầu sản xuất lương thực của cả nước. Cho nên quy hoạch lại đất cho nông nghiệp là điều rất cần.
Tất nhiên chúng ta cũng không thể dành mãi đất cho nông nghiệp được mà bản thân ngành này cũng phải tăng năng suất, chất lượng, sắp xếp hợp lý hơn để dành đất cho các lĩnh vực khác.
Điều quan trọng nhất là dành đất nào, lượng như thế nào thì cần ý kiến của Bộ Nông nghiệp và các chuyên gia trong ngành, không phải để các địa phương quyết định lấy, chiều theo nhà đầu tư được.
Xu hướng chung của các nhà đầu tư là bất cứ lĩnh vực gì cũng muốn lấy đất dễ dàng, thuận tiện hơn cho mình, có hạ tầng, ở vị trí thuận lợi. Nhưng cũng có thể mong muốn đó không phù hợp với lợi ích toàn diện của chúng ta đối với từng vùng đất.
* Xin cảm ơn bà!
Theo Tuần Việt Nam
- 0
- By Admin
- 20/09/2008
- 17