Nhằm tăng cường tính minh bạch trong các giao dịch bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng đang có chủ trương khuyến khích đưa tất cả các giao dịch BĐS của các doanh nghiệp (DN) vào sàn.
Ngay lập tức, nhiều “tên tuổi” lớn như: ACB, Vincom, VPBank, địa ốc Hoàng Quân, SaigonLand... đã nhảy vào cuộc đua mở sàn. Trong khi đó, hoạt động của các sàn giao dịch BĐS hiện nay vẫn chưa phát huy được tác dụng.
Khó minh bạch
Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Nguyễn Mạnh Hà, việc xây dựng các sàn giao dịch BĐS chuẩn nhằm góp phần vào việc lành mạnh hóa quá trình phát triển của thị trường BĐS. Sàn giao dịch BĐS phải có tư cách pháp nhân, hội tụ đủ các điều kiện theo Luật Kinh doanh BĐS.
Các sàn này phải công khai thông tin về BĐS cần bán, chuyển nhượng, cho thuê để khách hàng biết và đăng ký giao dịch. Thời gian công khai tối thiểu là 7 ngày. Hiện đã có khoảng 20 DN BĐS xin thành lập sàn giao dịch BĐS chuẩn. Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hà cũng cho biết cục sẽ có hướng dẫn, chỉ đạo để có sự thống nhất trong mô hình, tổ chức hoạt động của các sàn giao dịch BĐS.
Thạc sĩ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng VN, cho rằng ý tưởng trên của Bộ Xây dựng là nhằm tạo một nơi buôn bán đàng hoàng cho thị trường BĐS.
Tuy nhiên, có vẻ như bộ đã hơi áp đặt ý chí của mình mà chưa có những nghiên cứu thấu đáo. Ở Mỹ, tất cả các giao dịch BĐS đều phải thông qua môi giới, chứ không có tình trạng mua – bán trao tay như VN. Nếu chủ trương trên được thực hiện, vấn đề đặt ra là làm sao để tránh tình trạng giá BĐS mua – bán trao tay tiếp tục lên vù vù, sau khi DN bán ra.
Trên thực tế, việc này rất khó làm. BĐS bán ra lần đầu thì có thể minh bạch, còn khi qua tay nhà đầu tư lần hai, lần ba... thì không thể minh bạch được nữa. Bởi giá các BĐS trên sàn thường cao hơn giá thực tế, có thể tới 20%.
Lợi dụng giá trên sàn?
Giá bán trên sàn và giá trị thực tế của BĐS chênh lệch khá nhiều cũng là một trong những nguyên nhân khiến 80% giao dịch BĐS của người dân không thông qua sàn, mà chủ yếu là mua – bán trao tay.
Tuy nhiên, gần đây giá trên sàn thường được lấy làm thước đo, xung quanh sự lên – xuống của thị trường BĐS. Cũng chính vì điều này, “cò” BĐS thường lợi dụng, rao bán BĐS ở mức cao để “làm giá”.
Giám đốc một DN môi giới BĐS cũng thừa nhận giao dịch thông qua sàn hiện nay rất èo uột và hiện tượng “cò” BĐS tự động rao bán – rao mua, tạo cầu ảo rất phổ biến.
Theo thạc sĩ Đinh Thế Hiển, trên các sàn giao dịch BĐS hiện nay đang tồn tại hai giá, một là mức giá rất cao do người bán đưa ra, hai là giá mua thực tế thấp hơn nhiều.
Vì thế, giá “chuẩn” của sàn dù có cũng ít người làm theo, nếu họ có sự hiểu biết về thị trường BĐS. Và nếu họ không có nhiều am hiểu về thực trạng giá cả đưa ra trên các sàn giao dịch BĐS, hiện tượng “sập bẫy”, dẫn đến thua thiệt là điều khó tránh khỏi. Thực tế, nhiều sàn hiện nay đang bị các nhà môi giới BĐS dưới sàn biến thành công cụ làm ăn.
Sàn nào hoạt động kém sẽ bị đào thải
Các chuyên gia cho rằng chủ trương khuyến khích đưa các giao dịch BĐS phải vào sàn là cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển của thị trường BĐS, mặc dù nó sẽ tạo ra một “giấy phép con” mới đối với DN BĐS – đó là không thể đưa hàng trực tiếp ra thị trường mà phải thông qua đơn vị khác. Nhưng không phải DN nào khi kinh doanh BĐS cũng mở sàn. Vì thế, nếu các sàn hoạt động chuyên nghiệp sẽ không lo không có “đất” sống, sàn nào không chuyên nghiệp sẽ bị đào thải.
T.Huyền
|
Theo NLĐ