Sàn giao dịch bất động sản: “Cò” có chứng chỉ!
Trên thực tế, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản đang được người dân ngầm hiểu là đội ngũ “cò” có chứng chỉ, vì thực chất, các sàn vẫn đang đảm nhiệm vai trò như của các “cò” đất thông thường. Khác chăng, các sàn muốn hoạt động được phải có ít nhất hai người có chứng chỉ hành nghề tư vấn, môi giới và bán nhà đất.
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, thực chất các sàn giao dịch bất động sản ở Việt Nam đang là 1 trong 5, 7 nhà đầu cơ. Ông cũng cho rằng, trên thế giới không có một nước nào giao thị trường bất động sản cho các sàn giao dịch bất động sản như ở nước ta. Sàn giao dịch bất động sản sinh ra là theo nhu cầu của thị trường chứ không phải xuất hiện trong quy định của pháp luật như ở Việt Nam.
Thị trường bất động sản gần đây xuất hiện tình trạng bán đất khống, nhận định của ông về điều này?
- Ông Đặng Hùng Võ: Hiện tượng này diễn ra nhiều lần chứ không phải chỉ 1 lần. Báo chí cũng đã đề cập đến vấn đề này. Thậm chí, rất nhiều chủ đầu tư chưa có đất đã gọi nhà đầu tư tham gia giao vốn, bán đất khống. Việc làm này khiến người dân gặp rủi ro lớn.
Để chữa “bệnh” này, chúng ta cần phải thực hiện tốt việc công khai hóa, minh bạch hóa các dự án đầu tư về nhà ở để bán nhà cho dân. Khi công khai, người dân sẽ biết được cụ thể nhà đầu tư là ai, dự án thế nào, mức độ hoàn thành, chất lượng, tính pháp lý của dự án thế nào, khi nào nhà đầu tư sẽ được bán các căn hộ dự án… Chúng ta phải yêu cầu tất cả các dự án phải công khai để người dân được tiếp cận. Người dân có thể tính toán việc đầu tư của mình có phù hợp hay không qua việc công khai này.
Hiện nay, chúng ta chưa có quy định cụ thể về việc huy động vốn trong giao dịch bất động sản nên các chủ đầu tư dễ "lách luật”?
- Việc huy động vốn, vay vốn pháp luật dân sự đã có quy định. Luật Kinh doanh đã nói rõ việc mua tài sản trong tương lai. Theo quy định, khi dự án hoàn thành xong móng thì chủ đầu tư được phép huy động vốn. Nhưng, trên thực tế rất ít doanh nghiệp thực hiện tốt điều này.
Việc “lách” này được núp dưới hình thức giao vốn và vay vốn. Sở dĩ hoạt động này được diễn ra công khai là do chúng ta hiện đang thiếu các quy định về pháp luật. Các nhà hoạch định chính sách cần xem xét hình thức vay vốn trả cho tài sản trong trong lai có hợp lý hay không hay chỉ là hình thức lách luật.
Sẽ có nhiều vướng mắc đối với hình thức vay vốn, góp vốn này nếu có tranh chấp phát sinh. Đơn cử như việc cấp giấy quyền sở hữu nhà ở sẽ có những vướng mắc. Đó là cấp cho người mua đầu tiên hay nhận vốn.
Mặt khác, trong cam kết chủ đầu tư cam kết về tiến độ, chất lượng, giá thành. Nhưng có phát sinh thì ai sẽ can thiệp. Theo luật dân sự có thể khởi kiện, nhưng việc kiện này rất phức tạp.
Ở các nước, việc giao dịch bất động sản giữa nhà đầu tư và chủ đầu tư có người thứ ba tham gia là ngân hàng. Còn ở nước ta lại xuất hiện nhiều nhà đầu tư thứ cấp làm lũng đoạn thị trường, gây ra những đợt “sốt” không đáng có.
Nhưng, chúng ta đã có quy định mọi giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản?
- Đúng là chúng ta đã quy định các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn. Các sàn giao dịch có trách nhiệm kiểm định thông tin để cung cấp cho khách hàng. Nhưng, hiện chúng ta chưa thực hiện được việc công khai minh bạch vể nhà đầu tư.
Ngoài ra, các sàn đang hoạt động như một doanh nghiệp, nên có thể làm tốt và không tốt nhiệm vụ của mình mà không phải có trách nhiệm với cơ quan hành chính. Nếu nói đúng bản chất sàn giao dịch bất động sản chỉ là một doanh nghiệp hoạt động làm để thỏa mãn nhu cầu cầu của doanh nghiệp khác - là chủ dự án chứ không phải nhu cầu của người dân.
Như vậy, việc đưa thị trường bất động sản vào sàn bất động sản là không hợp lý?
- Đúng là việc đưa thị trường bất động sản vào các sàn là không hiệu quả. Đây là do Bộ Xây dựng vẽ ra để làm. Trên thế giới không có nước nào giao thị trường bất động sản cho sàn giao dịch bất động sản như ở nước ta. Sàn giao dịch xuất hiện là do nhu cầu của thị trường chứ không phải xuất hiện trong quy định của pháp luật. Nước ta thì ngược lại. Sàn giao dịch đang là 1 trong 5,7 nhà đầu cơ giữa chủ đầu tư và người mua. Các sàn chỉ đang hoạt động theo kiểu mang tiền đi ôm hàng về bán cho người dân.
Xin cám ơn ông!
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, hiện nay, toàn quốc đã có 368 sàn giao dịch bất động sản được đưa lên website của mạng các sàn giao dịch bất động sản Việt Nam. Các sàn giao dịch này được phân bố tại một vài địa phương, trong đó phần lớn “đóng” tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương… Tổng số giao dịch bất động sản thông qua sàn trên toàn quốc đạt 3.679 giao dịch, trong đó khu vực phía Bắc (chủ yếu là Hà Nội) là 327 giao dịch; khu vực phía Nam là 3.352 giao dịch. Ước tính, tỷ lệ giao dịch bất động sản thông qua hệ thống sàn giao dịch mới chiếm tỷ lệ 15% tổng giao dịch của thị trường. Không chỉ có vậy, hiện nay, vẫn tồn tại những sàn giao dịch chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, thậm chí có cả sàn giao dịch có dấu hiệu lừa đảo. Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thịtrường bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, dù Cục đã có văn bản yêu cầu tất cả các sàn báo cáo tình hình “làm ăn” từ đầu năm đến nay, song chỉ có 1/10 tổng số sàn gửi báo cáo |
- 0
- By Admin
- 07/06/2010
- 17