• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Sàn giao dịch BĐS: Tồn tại bằng nhiều cách

Giữa bức tranh có quá nhiều mảng tối như hiện nay, các sàn giao dịch BĐS - với chức năng bôi trơn quá trình giao dịch địa ốc - vẫn phải tồn tại bằng nhiều cách.

Môi giới “ngủ đông”

Dọc trục đường Lê Văn Lương kéo dài, Khuất Duy Tiến có thể coi là chợ BĐS của giới kinh doanh địa ốc với vô số các sàn giao dịch. Cách đây chỉ 3 tháng, cảnh nhộn nhịp khách tới giao dịch, nhờ tư vấn tại các sàn này rất dễ bắt gặp. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 11, phần lớn các sàn này đều hiu hắt cửa đóng then cài. Anh Sơn, chủ một sàn giao dịch BĐS ngay mặt đường Lê Văn Lương cho biết, đã gần 1 tháng nay sàn anh hầu như “ngồi chơi” do quá vắng khách. Kể cả lượng khách quen cũng chỉ lác đác tới ngồi chơi cà kê chứ không hề có ý định mua bán giao dịch. Cảnh nhân viên môi giới ngồi chơi xơi nước hoặc tụ tập tại các quán cà phê BĐS ở khu vực Trung Hòa - Nhân Chính, Trần Duy Hưng, Nguyễn Thị Định… đã thành điệp khúc “đến hẹn lại lên” trong những ngày này.

Theo anh H., nhân viên kinh doanh sàn giao dịch BĐS Hải Phát, thì chỉ những sàn có nguồn vốn mạnh, (có chủ đầu tư “chống lưng”) mới có thể duy trì hoạt động ở mức… tồn tại. Còn lại, đa phần những sàn đơn thuần chỉ mang yếu tố môi giới thì đã gục hẳn. Chị Hạnh, chủ một sàn giao dịch trung bình tại khu vực Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến cho biết sàn chị hiện đã cho thuê mặt bằng làm cửa hàng bán phở (nhờ vị trí thuận lợi). Giải thích cho điều này, chị cười buồn: Chẳng thà như thế còn hơn hàng tháng chịu tiền thuê mặt sàn tiền triệu. Mình tạm thời cho nhân viên nghỉ không lương. Sau Tết mới tính chuyện quay lại tiếp tục hoạt động.

Sàn giao dịch BĐS: Tồn tại bằng nhiều cách | ảnh 1
Những sàn có tiềm lực lớn mới có thể tồn tại đến hiện nay

Theo thống kê chưa đầy đủ của anh Tân - Chủ tịch HĐQT một Cty kinh doanh BĐS ở khu vực Mỹ Đình (Từ Liêm - Hà Nội), có tới gần 70% các sàn giao dịch BĐS tới thời điểm này (nửa cuối tháng 11/2011) đã phải giải thể hoặc chuyển hẳn sang kinh doanh sản phẩm khác.

1001 cách chăm chút “thượng đế”

Một điều đáng chú ý là trong bối cảnh đó lại có hiện tượng những sàn dù mới thành lập (chưa đầy 1 năm) như DVLand, CFTD Land… vẫn duy trì được sức sống. Bên cạnh yếu tố trường vốn (đóng vai trò then chốt) và không phải lo đầu ra sản phẩm (có chủ đầu tư sau lưng), bí quyết kinh doanh của những sàn còn non trẻ này chính là cách chăm sóc khách hàng và biết chọn lựa sản phẩm để tìm đường sống trong khe cửa hẹp. Chia sẻ với một số chủ DN BĐS mới tham gia thị trường địa ốc được 1 - 2 năm, bài học xương máu rút ra từ những sai phạm, lừa đảo thiếu minh bạch trong quá trình giao dịch BĐS chính là thông tin và cách chăm sóc khách hàng. Điều đáng nói là ngay trong bối cảnh thị trường lao đao, người mua kén hàng, người bán sốt ruột, thì việc hàng loạt khách hàng bị lừa có phần nguyên nhân từ thông tin chưa được thông suốt, công khai từ bên bán.

Minh chứng gần đây nhất là vụ làm giả hồ sơ dự án của Tập đoàn HUD với số tiền lừa đảo người mua lên tới gần 20 tỷ đồng. Công bằng thì lỗi cũng có phần do khách hàng mà xuất phát từ tâm lý ngại tới sàn thứ cấp (được chủ đầu tư hoặc khách gửi bán) có thể giá sẽ cao hơn (!), người mua “đành” phải mua bán theo kiểu gặp đâu mua đấy, miễn là nhìn thấy giấy tờ đầy đủ của sản phẩm (không ai dám chắc đó là hồ sơ giả). Một vòng tròn luẩn quẩn vẫn đang diễn ra: người mua vẫn bị lừa đảo - lòng tin khách hàng sụt giảm cộng thêm tâm lý sợ bị lừa - các sàn càng vắng khách - thị trường tụt dốc lại càng đen tối.

Không chỉ như vậy, bài học makerting sản phẩm luôn có tác dụng trong mọi tình huống kinh doanh. Nhất là đối với các dự án vừa được mở bán công khai trong tháng 10 vừa qua. Tiến độ đảm bảo, chất lượng tốt, giá thành chấp nhận được nhưng độ phủ đầy của các dự án đó hoàn toàn đáng ngại (theo một chủ dự án tại đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài). Tuy nhiên, cách makerting chuyên nghiệp sẽ thúc đẩy sức mua, điều quan trọng là chủ đầu tư thay đổi suy nghĩ về việc giảm giá ngay sau khi công bố dự án (hoặc chấp nhận ngủ đông). Phối hợp các kênh quảng cáo (báo giấy, báo in, báo hình) một cách khéo léo sao cho người tiếp cận thông tin thấy được những tiện ích vượt trội của dự án (đặc biệt là dự án căn hộ để ở) rồi sau đó mới tìm hiểu về giá bán. Có như vậy, sẽ tạo cảm giác cho người mua về mức giá do chủ đầu tư công bố là hoàn toàn hợp lý với những tiện ích mình đã tìm hiểu. Đây chính là bí quyết của Star Tower (cho Cty CFTD làm chủ đầu tư) đang áp dụng và đã dần thành công với tỷ lệ lấp đầy ngày một tăng.

Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ thông tin tới khách hàng về dự án (nhất là đối với sàn của chủ đầu tư), ngay cả việc gửi bán ủy quyền cho các nhà phân phối cũng nên được thắt chặt và kiểm tra định kỳ nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Thêm nữa, lựa chọn sản phẩm nào để kinh doanh trong thời buổi “người khôn của khó” cũng là điều đáng quan tâm. Phân khúc cao cấp, nghỉ dưỡng, và đất nền thổ cư đang bị “xa rời” vì tính thanh khoản cũng như mặt bằng giá chưa hợp lý. Chung cư bình dân, mặt bằng thương mại cho thuê và cả chung cư mini đang là nguồn nuôi sống nhiều sàn giao dịch BĐS hiện nay với sự liên kết và chia sẻ thông tin cũng như phân công chuyên môn hóa theo địa bàn. Và cũng đã bắt đầu xuất hiện một phân khúc mới lọt vào tầm ngắm (trong dài hạn) của nhiều DN BĐS có cỡ: Kinh doanh khu công nghiệp tại các vùng ven nội đô Hà Nội.

(Theo BXD)

  • 0
  • By Admin
  • 18/11/2011
  • 17