Sàn bất động sản "nín thở" chờ quy định
Nhiều sàn giảm nhân sự
Sàn Nhà đất 24h trong năm 2014 từng tuyển dụng rất nhiều nhân sự kinh doanh vì làm đại lý phân phối cho khá nhiều dự án. Mức lương và hoa hồng trả cho nhân viên vì thế cũng rất hậu hĩnh, lên đến cả chục triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, khi đa phần các sản phẩm độc quyền phân phối tại các dự án đã bán gần xong, sàn này đành chấp nhận cho nhiều nhân viên nghỉ việc. Thậm chí, không ít nhân viên môi giới của sàn đang làm việc không lương và chỉ có hoa hồng khi bán được sản phẩm.
Lý giải việc phải thu hẹp quy mô kinh doanh, theo Giám đốc sàn 24h - ông Lê Ngọc Quỳnh, do sàn đang chờ đợi tình hình diễn biến tiếp theo của thị trường, đến khi khi quy định không bắt buộc phải giao dịch qua sàn sát nút thời điểm thi hành mới quay trở lại thị trường. Còn hiện tại, thay vì làm dịch vụ bán hàng, sàn này tạm thời là một đơn vị đầu tư, tham gia đầu tư vào một số dự án có khả năng sinh lời tốt rồi trực tiếp phân phối lại chính sản phẩm của doanh nghiệp mình.
Khi không còn bắt buộc phải mua bán BĐS qua sàn, chỉ những sàn thực sự chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả mới có thể tồn tại |
Giám đốc của một sàn giao dịch BĐS có trụ sở tại Mỹ Đình cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, sàn không có nhiều hoạt động. Gần 50 nhân viên kinh doanh của sàn hiện cũng đã cho nghỉ gần hết. Vị này cho rằng, dù lượng giao dịch căn hộ trên thị trường hiện nay cao hơn so với những năm trước, nhưng đồng thời cạnh tranh độc quyền phân phối giữa các đơn vị môi giới cũng khốc liệt hơn rất nhiều. Nguồn hàng tốt và có thanh khoản cao tập trung chủ yếu ở những đơn vị phân phối có tên tuổi, tiềm lực lớn. Những sàn quy mô nhỏ nếu muốn tồn tại chỉ “ăn theo” hoặc làm một vài dịch vụ khác.
Ngoài những sàn kể trên, được biết hiện còn rất nhiều sàn giao dịch đang trong trạng thái “nín thở” chờ những động thái tiếp theo của thị trường khi bãi bỏ quy định giao dịch địa ốc bắt phải qua sàn được thực thi. Chỉ khi nắm được diễn biến cụ thể các sàn mới tính chuyện quay lại thị trường hoặc phải chuyển đổi hình thức kinh doanh cho phù hợp, cũng không loại trừ khả năng phải giải thể cả doanh nghiệp.
Không giao dịch qua sàn, khách hàng có gặp khó?
GĐ sàn giao dịch BĐS Phúc Hà - ông Lại Văn Tư nhận xét, bãi bỏ quy định phải giao dịch BĐS qua sàn chắc chắn sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình giải thể của những sàn hoạt động yếu kém, nhất là trường hợp các sàn giao dịch do chính chủ đầu tư lập ra để nhằm mục đích hợp thức hóa giao dịch qua sàn.
Trước đây, phần lớn các chủ dự án đều tự thành lập sàn với mục đích này. Tuy nhiên, rất nhiều sàn kiểu này hoạt động không hiệu quả, nên muốn bán được hàng, không ít chủ dự án vẫn phải nhờ cậy các đơn vị dịch vụ, môi giới trung gian. Quy định không cần phải giao dịch phải qua sàn vì thế sẽ khiến những sàn hoạt động yếu kém buộc phải giải thể hoặc sáp nhập vào các đơn vị khác.
Ông Tư phân tích thêm, việc bãi bỏ quy định cũ còn có thể giúp "cởi trói" để thị trường hoạt động theo đúng quy luật. Tuy nhiên, bước đầu thực hiện, khách hàng rất dễ gặp khó khăn trong việc kiểm tra thủ tục pháp lý của sản phẩm mà mình định mua. Vì trước đây, các sàn chính là đơn vị giúp khách hàng làm việc này.
Về vấn đề này, theo ông Vũ Kim Giang, GĐ sàn Hải Phát thì cho rằng, phần lớn khách hàng đã quen với tâm lý mua BĐS qua sàn. Các chủ đầu tư đa phần cũng đặt niềm tin vào việc bán hàng qua sàn, do đó sàn giao dịch vẫn còn đất sống và tính minh bạch của thị trường vẫn được đảm bảo.
Một số đại diện môi giới khác lại lo ngại việc nếu không phải giao dịch qua sàn, có thể khiến một số chủ đầu tư nhập nhèm tuồn những sản phẩm chưa đủ điều kiện bán hàng hoặc thiếu các thủ tục pháp lý vào thị trường, và tranh chấp từ đó có thể bùng phát trở lại. Lo ngại này cũng rất đáng lưu ý khi mà thị trường BĐS vừa nóng trở lại đã tái xuất việc bán hàng khi dự án chưa đủ hạ tầng, chưa xong móng, thậm chí là bán “nhà trên giấy”...
- 0
- By Admin
- 13/05/2015
- 17