Sàn BĐS Hà Nội: Cửa hẹp để hồi sinh
Có lẽ không ở đâu biểu hiện rõ quá trình nóng sốt - đóng băng - hồi sinh BĐS như trên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài xuống địa phận quận Hà Đông. Khi thị trường BĐS sốt, các sàn giao dịch và cty môi giới treo biển đỏ rực trên tuyến phố. Nhưng khi thị trường BĐS đóng băng, người qua lại tuyến đường này không khỏi bùi ngùi bởi những cách cửa đóng im ỉm hoặc treo biển cho thuê lại mặt bằng hay đổi hình thức kinh doanh mới thành của hàng văn phòng phẩm, shop quần áo hoặc quán bia, quán cà phê...
Ông Nguyễn T.M., giám đốc sàn giao dịch BĐS T.M. tại ngã tư Vạn Phúc giao cắt với đường Lê Văn Lương cho biết, vào thời điểm cuối năm 2007, đường Lê Văn Lương bắt đầu tiếp nhận khá nhiều các sàn BĐS và cty môi giới. Và cho đến thời điểm năm 2009 - 2010 thì tuyến đường Lê Văn Lương trở thành “Phố bất động sản” với các bảng biển san sát, ô tô của khách, xe máy của nhân viên nhộn nhịp đỗ trước cửa. Là một người có tâm huyết với BĐS và giữ vững sàn giao dịch của mình qua thời kỳ sóng gió, chứng kiến những cuộc chuyển đến và dời đi của các sàn hoặc cty môi giới, ông T.M. cho rằng qua những biến cố của thị trường BĐS có thể biết được chuẩn xác về thực lực của các các đơn vị môi giới cũng như sàn BĐS.
Ảnh minh họa |
Thị trường BĐS đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực từ cuối năm 2013 tới nay. Biểu hiện rõ ràng tại tuyến đường Lê Văn Lương là hàng loạt các dự án được đi vào hoạt động như dự án Bắc Hà Tower, Khu đô thị mới Dương Nội, Park City, Usilk City hay The Pride... Cùng với sự hoạt động trở lại của thị trường BĐS, tuyến đường Lê Văn Lương cũng đón nhận thêm một số sàn giao dịch BĐS mới. Tuy nhiên, những con số về sàn giao dịch hay những cty môi giới tại đây được cho là còn khá khiêm tốn.
Hiện tại tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài có khoảng hơn 20 sàn BĐS và cty môi giới. Trong đó, những đơn vị mới thành lập chiếm khoảng 1/4 trên tổng số. Tuy nhiên, trong những đơn vị mới thành lập đó có rất ít những đơn vị “lên đời” từ những môi giới nhỏ lẻ mà là những sàn môi giới do chủ đầu tư lập ra để trực tiếp thực hiện việc giao dịch trong các dự án, hoặc đó là những sàn giao dịch lớn đang hoạt động trên thị trường liên kết với chủ đầu tư để bán sản phẩm. Một vài cá nhân mới thành lập sàn giao dịch hoặc cty tư vấn BĐS trên địa bàn thì đều là những người hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh BĐS. Họ có kinh nghiệm, có tích lũy được một lượng vốn nhất định và quan trọng hơn là sự gắn bó, say mê với nghề. Đơn cử như trường hợp của ông Vũ H.H., giám đốc Cty nhà đất Hà Nội tại Vạn Phúc. Là một người “lăn lộn” nhiều năm với việc đầu tư BĐS, nay thị trường gặp khó khăn và tuy tuổi đã cao nhưng do đam mê với nghề nên ông về mở cty tư vấn về BĐS.
Khảo sát từ một số địa bàn khác, nơi đã từng có mật độ sàn giao dịch cũng như cty môi giới cao trong thời kì hoàng kim của BĐS như phố Nguyễn Thị Định, Trung Hòa Nhân Chính, khu vực Hà Đông cho thấy mặc dù thị trường BĐS đang “tan băng” tuy nhiên các sàn giao dịch hay các cty môi giới không “nhảy” vào thị trường một cách ồ ạt như trước mà có phần e dè hơn bởi hình ảnh sàn giao dịch đã đóng cửa trong thời gian trước vẫn còn là nỗi ám ảnh.
Theo nhận định của một số giám đốc sàn BĐS thì hiện tại thị trường đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân trong thời gian gần đây, và lượng giao dịch tăng khá mạnh nhưng đây chưa phải là thời điểm thực sự nóng sốt của thị trường BĐS. Vì vậy hiện tại không phải là thời điểm người người có thể làm kinh doanh BĐS như trước nên các sàn giao dịch không có nhiều cơ hội hồi sinh. Thêm vào đó, sau biến động lớn của thị trường, những người có nhu cầu thực và các nhà đầu cơ khá kỹ tính trong việc quyết định xuống tiền. Do đó, họ thường tìm đến những đơn vị có uy tín để nhờ tư vấn. Vì vậy, một sàn giao dịch mới muốn tiến vào thị trường cần phải có đội ngũ nhân viên năng động, nhiệt tình, kiên trì, có kỹ năng tư vấn, phân tích thị trường tốt mới có thể tránh tình trạng khai sinh khai tử nhanh chóng.
* Ghi chú: Báo cáo thị trường này dành riêng cho các khách hàng, đối tác của Batdongsan.com.vn.
Đậu Đen
- 0
- By Admin
- 17/07/2014
- 17