Ruộng của dân biến thành... biệt thự nhà vườn
Ruộng thành biệt thự nhà vườn!
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hầu hết diện tích trồng lúa của người dân Tiến Xuân đang sắp trở thành "Biệt thự nhà vườn và Thể thao giải trí" |
Ông Hoàng Văn Sáng - người dân tộc Mường ở xóm Gò Mè cho biết thêm: "Không chỉ người dân xóm Miễu mà người dân ở các xóm khác như Gò Mè, Nhòn và Bãi Dài thuộc xã Tiến Xuân cũng đều gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, khi hầu hết diện tích ruộng lúa trên địa bàn xã đều nằm trong các dự án.
Người dân chúng tôi bao đời nay chỉ biết sống bằng nghề nông, giờ ruộng sắp bị thu hồi, giá đền bù chỉ được áp ở mức 27.000 đồng/m2, tương đương 9.720.000 đồng/ sào. Nhà nào nhiều thì cũng có tới 10 sào ruộng, tổng tiền đền bù được hơn trăm triệu làm sao đủ để cả 1 hộ gia đình với 10 nhân khẩu sinh sống cho đến khi tìm được việc mới hoặc chuyển sang làm nghề phụ".
Ngoài ra, theo ông Sáng, điều khiến người dân ở đây cảm thấy khó hiểu và bất bình là trong cùng một xã, mỗi công ty lại có một phương án đền bù khác nhau. "Công ty TNHH Xuân Cầu chỉ đền bù cho chúng tôi với giá 9.720.000 đồng/ sào trong khi bên cạnh đó, công ty Phú Đạt lại tiến hành đền bù cho dân xóm Nhòn - xóm Miễu với giá 30.000.000 đồng/ sào" - ông cho hay.
Ông Bùi Văn Bình - người dân xóm Miễu bức xúc: "Chúng tôi không phản đối việc chính quyền ra quyết định thu hồi đất để làm các dự án nhưng chúng tôi mong muốn việc đền bù được thoả đáng để người dân có cơ hội chuyển đổi nghề sau khi mất đất. Mặt khác, trước khi tiến hành thu hồi đất, các doanh nghiệp đều hứa sẽ có phương án giúp người dân chuyển đổi nghề, tiếp nhận lao động địa phương vào làm việc nhưng cho đến nay, chỉ có một vài người được nhận vào làm bảo vệ, còn lại hàng trăm lao động khác vẫn phải chạy ăn từng bữa cho gia đình".
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Bùi Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho rằng: "Hiện trên toàn xã đã có gần 20 dự án đang chuẩn bị đi vào hoạt động. Mọi thắc mắc, khiếu nại của người dân đêu bắt nguồn từ việc khung giá đền bù thấp, các doanh nghiệp lấy đất không có phương án cụ thể để đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân.
Với trách nhiệm của mình, Ban lãnh đạo xã chúng tôi rất thông cảm với bà con nhưng việc giải quyết các thắc mắc, kiến nghị đó lại nằm ngoài thẩm quyền của xã. Lãnh đạo xã chúng tôi cũng đã nhiều lần thay mặt người dân kiến nghị, đề đạt nguyện vọng về việc nâng giá đền bù, tạo công ăn việc làm cho người dân sau khi bị thu hồi đất".
Dân chưa nhận tiền, xã đã cưỡng chế?
Còn trường hợp của ông Lê Cao Sơn ở xóm Bãi Dài có gần 9 sào ruộng nằm trong diện bị thu hồi. Trước thời điểm có thông báo nhận tiền đền bù, ông có lên xã, lên huyện đưa đơn kiến nghị để đề nghị chính quyền trả lời cụ thể về giá đền bù. Tuy nhiên, trong khi chưa nhận được câu trả lời của chính quyền huyện thì ở xã người ta đã gọi ông Sơn lên để nhận tiền đền bù. "Chỉ ít ngày sau khi có thông báo nhận tiền, chính quyền xã đã tổ chức cưỡng chế, san ủi toàn bộ diện tích ruộng của gia đình tôi" - ông Sơn thuật lại.
Tương tự như trường hợp của gia đình ông Sơn, gia đình bà Vũ Thị Tuyết ở số 17 - nghách 93/30 phố Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng bị cưỡng chế đối với hơn 20.000m2 đất đang sử dụng hợp pháp tại xóm Nhòn, xã Tiến Xuân. Bà Tuyết khẳng định: "Trong suốt quá trình từ khi lập dự án cho tới ngày 22/8/2007 - ngày bị tổ chức cưỡng chế hành chính, gia đình tôi chưa hề nhận được bất cứ thông báo nào về việc thu hồi đất mà chỉ nhận được 7 thông báo lên nhận tiền đền bù.
Cây ăn quả lâu năm của người dân bị chặt phá tan hoang khi chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế |
Trước khi bị cưỡng chế, tôi đã nhiều lần tìm tới trụ sở UBND huyện Lương Sơn và UBND xã Tiến Xuân để đề nghị được cung cấp các văn bản có liên quan tới việc thu hồi đất nhưng chính quyền địa phương không hề trả lời. Đến tận ngày 27/8/2007 - 5 ngày sau khi bị cưỡng chế thì tôi mới được cán bộ huyện bàn giao Quyết định số 1123 về việc thu hồi đất".
Khó hiểu hơn cả trường hợp của gia đình bà Tuyết, gia đình ông Nguyễn Chí Phưởng trú tại số 15, nghách 438/4 phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội đã bị cưỡng chế hành chính để giải phóng mặt bằng khi mà toàn bộ các thửa đất của gia đình ông Phưởng đang sử dụng hợp pháp đều không có tên trong các văn bản, quyết định thu hồi đất của UBND huyện Lương Sơn.
Bà Đinh Thị Chân Phương - Vợ ông Phưởng bức xúc: "Ngày 30/5/2007, gia đình tôi có nhận được Quyết định số 432/QĐ-UBND do ông Hoàng Thanh Mịch - Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn kí với nội dung "Quyết định cưỡng chế hành chính giải phóng mặt bằng đối với gia đình ông Phưởng để thu hồi đất cho Công ty TNHH Xuân Cầu xây dựng khu Biệt thự nhà vườn và Thể thao giải trí".
Đối chiếu tên của các thửa đất trong Quyết định 432 với các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà gia đình tôi đang sở hữu, chồng tôi nhận thấy toàn bộ số thửa đất của gia đình tôi đều không phù hợp với tên nêu trong Quyết định 432 nên đã có đơn khiếu nại gửi tới UBND huyện Lương Sơn để đề nghị xem xét lại quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, sáng 7/6/2007 các thửa đất của gia đình tôi vẫn bị cưỡng chế như thường".
Ông Đinh Công Bào ở xóm Nhòn thẳng thắn nói: "Chúng tôi chưa đồng tình với phương án đền bù thì đã bị cưỡng chế. Sau khi bị thu hồi đất, dân chúng tôi chẳng còn gì ngoài cái xác nhà. Tiền thì ai cũng cần nhưng một vài trăm triệu cũng chỉ giúp chúng tôi sống được một thời gian, đến khi hết tiền mà lại chẳng nghề nghiệp gì thì biết trông chờ vào ai?".
Do ông chủ tịch UBND xã Tiến Xuân đã khẳng định vấn đề này nằm ngoài thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của cán bộ xã, nên chúng tôi đã cố gắng liên lạc với lãnh đạo cấp trên của địa phương này để tìm câu trả lời, song không thể thực hiện...
Theo Vietnamnet
- 271
- By Admin
- 10/06/2008
- 17