Rà soát các dự án cao tầng: Cần cân nhắc thiệt hại của DN
Vừa qua Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đã mời đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội cùng 11 DN có dự án đầu tư tại 4 quận nội thành tham gia cuộc họp bàn về các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ. Tại cuộc họp, 11 DN trên đều thể hiện sự đồng tình với chủ trương của Chính phủ và TP Hà Nội về bảo tồn khu phố cổ và hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong khu trung tâm TP. Tuy vậy, các DN đều lo lắng, băn khoăn về việc tạm dừng quá đột ngột trong khi nhiều dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Mặt khác, có những dự án còn nhằm thực hiện các chủ trương lớn di dời các nhà máy ra khỏi khu vực trung tâm thành phố, tham gia đấu thầu theo yêu cầu của TP cải tạo công trình công cộng.DN đã đầu tư nhiều tiền vào dự án
Giám đốc Ban QLDA 31 Láng Hạ (Tổng công ty đường sắt VN) Nguyễn Thanh Huyền trình bày: Dự án 31 Láng Hạ là để thực hiện chủ trương của TP di chuyển các cơ sở sản xuất ra ngoài khu vực trung tâm và phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng (GPMB) tại 107 Trần Hưng Đạo, các hộ dân có đường sắt trên cao chạy qua. “Để GPMB, chúng tôi đã lập riêng một tiểu dự án để di chuyển Xí nghiệp cao su đường sắt sang bên Đông Anh với chi phí trên 100 tỉ đồng. Dự án của chúng tôi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, phê duyệt tổng mặt bằng và phương án thiết kế. Nhưng chúng tôi đã phải dừng việc triển khai theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội. Vì vậy chúng tôi đề nghị VCCI xem xét, kiến nghị lên Thủ tướng cho phép chúng tôi và các DN khác có vướng mắc tương tự được phép tiếp tục triển khai dự án”.
Cũng tại cuộc họp trên, các DN cho rằng, việc dừng lại thủ tục cuối cùng (cấp phép xây dựng) đã gây khó khăn cho DN, vì để có đủ điều kiện cấp phép xây dựng, các DN phải hoàn thiện một loạt các thủ tục có liên quan với thời gian thực hiện khoảng 3 - 4 năm (cá biệt có những DN mất từ 6-8 năm). Bà Vũ Thị Liên, Phó TGĐ Công ty CP may Thăng Long (chủ dự án chung cư cao tầng - trung tâm thương mại 250 Minh Khai) cho biết: “Để triển khai dự án này, DN chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức và tài chính đầu tư từ năm 2006, đã làm xong phần thiết kế cơ sở và triển khai thiết kế thi công thì nay phải dừng lại, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ, hiệu quả của dự án. Chi phí đầu tư mà DN bỏ ra đến thời điểm này là 40 tỉ đồng để chuẩn bị cơ sở di dời, giải quyết chế độ cho người lao động, lập dự án thiết kế, hoàn tất thủ tục hành chính. Đặc biệt, DN đã phải vay phát hành trái phiếu huy động vốn để đầu tư là 250 tỉ đồng với lãi suất huy động 17%/năm. Nếu dự án bị chậm tiến độ ngày nào thì DN phải gánh chịu lãi suất tiền vay ngày đó, ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh, tiền lãi hằng tháng DN phải trả là 5 tỉ đồng”.
Không nên dừng cải tạo các chung cư cũ
Đáng lưu ý, trong số nhiều công trình cao tầng vừa bị tạm dừng xây dựng trong nội đô, có nhiều dự án cải tạo các chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm đã đầu tư kinh phí lập dự án, lập quy hoạch, điều tra, khảo sát, thỏa thuận với dân cư, GPMB, có dự án đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đã triển khai xây dựng và thực hiện việc huy động vốn của các thành phần kinh tế và cá nhân tham gia mua nhà. Nên nếu TP dừng lại, không cho phép triển khai thực hiện sẽ gây lãng phí, thiệt hại không nhỏ về tài chính và phát sinh phức tạp xã hội, và nếu dừng xây các chung cư cao tầng này thì người dân cũ ở đó biết ở đâu, về đâu?
Đề cập tới vấn đề trên, ông Phí Thái Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội cho biết: TP đang từng bước xây dựng lại trên một nền quy hoạch mới, nhiều vùng trong nội đô (4 quận nội thành cũ) đã cũ nát, xuống cấp, lụp xụp quá rồi như các khu chung cư cũ xây dựng cách đây 30-40 năm, đã hết thời hạn sử dụng và đang xuống cấp trầm trọng cả về kết cấu kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của hàng chục vạn người dân ở các khu chung cư này. Để cải tạo, xây mới các chung cư cũ, các chủ đầu tư không cách nào khác là phải xây cao tầng lên để một mặt cải thiện diện tích ở cho ngay chính người dân sở tại muốn có những căn hộ rộng rãi hơn, hiện đại hơn, mặt khác cũng phải tạo ra một quỹ sàn để có thể bù đắp theo kiểu “lấy công làm lãi” cho các DN thì họ mới có vốn đầu tư xây dựng mới các chung cư này. Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội, có một số dự án cải tạo chung cư cũ nát, xuống cấp trầm trọng có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào đã được triển khai, đã tạm di dời dân ra khỏi để tiến hành xây các tòa nhà chung cư cao tầng như ở các khu chung cư Giảng Võ, Thành Công. Nay người dân ở các chung cư này thắc mắc đến bao giờ thành phố trả lại nhà cho họ trở về nơi ở cũ?
Ngày 3.7, ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VCCI đã ký văn bản gửi UBND TP Hà Nội, đánh giá cao đề xuất của TP Hà Nội với Thủ tướng nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc xây dựng các công trình cao tầng nội đô. VCCI cho rằng các dự án xây dựng nhà cao tầng trong 4 quận nội thành đã bị tạm ngừng hơn 6 tháng kể từ 31.12.2009, đã gây những thiệt hại không nhỏ cho các DN. Vì vậy VCCI đề nghị UBND TP Hà Nội sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương giải quyết dứt điểm theo nguyên tắc: quyết định sớm các khu vực không được phép xây dựng nhà cao tầng và khu vực cho phép xây dựng để công khai cho nhân dân và DN biết. Đối với các dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, phù hợp với quy hoạch chung thì cho phép triển khai sớm; trường hợp dự án nằm trong khu vực không được phép xây dựng nhà cao tầng thì UBND TP Hà Nội nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp. |
Theo Thanh Niên
- 0
- By Admin
- 06/07/2010
- 17