Quyền đứng tên trên sổ đỏ
Ông có 3 người con trai, năm 1975 ông mất không để lại di chúc. Nhưng trước khi ông mất đã dặn dò từng con: phần khuôn viên nhà thờ 254m2 ông cho con cả và chồng tôi là con thứ, một mảnh 90m2 ông cho con út.
Sau khi ông chết các con cứ thế sử dụng không có ý kiến gì. Em chồng tôi đã bán đi mảnh 90m2 cho người khác. Do anh chồng tôi không có con nên đã làm giấy tặng cho gia đình tôi phần đất của anh trên thửa 254m2 và từ đó chồng tôi đã kê khai và đứng tên trên “sổ đỏ” toàn bộ thửa đất này. Chồng tôi mất, em trai chồng tôi thắc mắc về việc chồng tôi làm “sổ đỏ” mà không hỏi em và đòi đứng tên trên “sổ đỏ” của thửa đất 254m2. Xin hỏi em chồng tôi đòi hỏi có đúng không, tôi phải xử sự như thế nào?
Trả lời:
Bố chồng bà mất năm 1975 tuy không để lại di chúc nhưng trước lúc cụ mất đã chia nhà đất cho các con và các con đã sử dụng ổn định không có thắc mắc gì về quyền thừa kế. Đến nay thời hạn để khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đã hết theo quy định tại điều 645 BLDS, do đó ai sử dụng thửa đất nào sẽ có quyền đứng tên kê khai và được cấp giấy chứng nhận trên phần đất mình sử dụng.
Do đó anh chồng bà và chồng bà có quyền quyết định đối với thửa 254m2. Sau đó, anh chồng bà đã cho phần nhà đất của mình cho gia đình bà. Căn cứ vào đó, chồng bà đã kê khai và đứng tên quyền sử dụng đối với thửa đất 254m2 là đúng pháp luật. Em trai chồng bà không có quyền đòi được đứng tên quyền sử dụng trên thửa đất này và chồng bà cũng không phải hỏi ý kiến của em trai bà để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất này.
Như vậy, việc đòi hỏi đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất 254m2 của em trai bà là không đúng, còn bà phải xử sự như thế nào khi em chồng bà đòi hỏi sai là việc riêng của gia đình bà. Quyền quyết định có để cho em chồng bà đứng tên trong giấy chứng nhận hay không thuộc về gia đình bà.
Theo ANTD
- 257
- By Admin
- 31/10/2009
- 17