Quy trách nhiệm cho "người thứ ba" trong kinh doanh BĐS
Như việc khách hàng mua căn hộ của Công ty Gia Phú Land lập hẳn một khẩu hiệu: "Chung tay đòi chủ đầu tư tuân thủ hợp đồng" khi phát hiện doanh nghiệp này bán một căn hộ thuộc dự án Gia Phú (Q. Thủ Đức) nhiều lần cho những khách hàng khác nhau và không giải quyết thích đáng.
Những tưởng chuyện này chỉ xảy ra với các giao dịch nhà lẻ, tự phát nhưng thực tế, tại dự án chung cư Gia Phú, có trường hợp một căn hộ nhưng đến... ba chủ sở hữu! Khách hàng dù đã trải qua cơn chao đảo của thời kỳ bong bóng 2006 - 2007 nhưng khi mua căn hộ, phần đông cũng chỉ quan tâm đến vấn đề tài chính, vị trí dự án, tỷ suất sinh lợi mà quên đi những yếu tố sẽ tác động trực tiếp đến an toàn cho người sử dụng (chất lượng xây dựng, vật liệu xây dựng công trình) và quyền sở hữu thực sự của mình (tính pháp lý của dự án). Thậm chí, nhiều trường hợp mua không đọc kỹ hợp đồng, đến lúc nguy cấp thì gặp cảnh "bút sa gà chết".
Nhưng, cũng cần phải nói thêm rằng, thị trường BĐS đang dần định hướng chuyên nghiệp hơn với các quy định về giao dịch BĐS phải qua sàn để thuận tiện trong việc quản lý. Vai trò của đơn vị tư vấn, môi giới BĐS đã được đề cập đến trong Luật Kinh doanh BĐS, những người làm môi giới đều phải có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề..., song lại thiếu chế tài đối với bên môi giới.
Đó là lý do mà tại các giao dịch có vấn đề, chỉ là tranh chấp tay đôi giữa chủ đầu tư và khách hàng; còn bên môi giới sau khi bán được hàng lại vô can. Vì vậy, trong Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi cũng nên xem xét nghiêm túc "chuyện tình tay ba" giữa: chủ đầu tư - đơn vị môi giới và khách hàng.
Ngoài ra, về phía cơ quan quản lý, đặc biệt là ở phường, quận..., bên cạnh việc công khai về quy hoạch thì nên chăng công khai thông tin về tình hình pháp lý của các dự án nhà ở trên địa bàn, tình trạng "sức khỏe" của doanh nghiệp... để khách hàng không phải ngậm ngùi ăn trái đắng; đồng thời giảm thiểu được những cuộc tranh chấp giữa bên mua và bên bán.
- 120
- By Admin
- 20/06/2014
- 17