• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Quỹ tiết kiệm nhà ở: Còn nhiều điều e ngại

Trong buổi hội thảo bàn về những tác động qua lại giữa thị trường bất động sản và thị trường tài chính Việt Nam do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tổ chức mới đây, Bộ Xây dựng cho biết Thủ tướng đã đồng ý với đề án lập quỹ tiết kiệm nhà ở theo mô hình tổ chức phi lợi nhuận với mức đóng góp tự nguyện 1% tiền lương hằng tháng của người lao động.

Như vậy theo tinh thần hoạt đông của quỹ thì sẽ không bắt buộc tất cả mọi người lao động phải tham gia, mà chỉ trích 1% lương từ những người có nhu cầu muốn mua nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp. Quỹ sẽ cho các thành viên vay và dành một phần cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội.

Những người tham gia quỹ sau này không có nhu cầu mua nhà sẽ được rút toàn bộ số tiền gốc lẫn lãi, với lãi suất 3% - 5% một năm.

Hiện vẫn còn phải chờ thêm thông tin chi tiết về quy chế họat đông của quỹ này, nhưng một số người hoạt động trong ngành địa ốc vẫn đang hoài nghi về tính khả thi của đề án.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng quỹ có tính chất tự nguyện nên khó có khả năng thu hút nhiều người tham gia, trong đó có những người không có nhu cầu mua nhà vì đã có nhà rồi. Như vậy chỉ còn lại số ít người muốn mua nhà ở xã hội mới quan tâm đến quỹ này.

Hơn nữa, việc đóng 1% tiền lương là quá thấp so với tình hình giá nhà thực tế hiện nay, kể cả các dự án nhà dành cho người thu nhập thấp.

Theo ông Đực, chỉ cần làm phép tính đơn giản cũng thấy một người có mức lương 5 triệu đồng/tháng. Nếu trích 1% người này sẽ đóng vào quỹ mỗi tháng 50.000 đồng, tức khoảng 600.000 đồng một năm. Nếu tham gia quỹ trong vòng 10 năm người này mới chỉ góp được 6 triệu đồng.

Với số tiền góp trong 10 năm chưa mua nổi nửa mét vuông căn hộ được cho là nhà-giá-thấp hiện nay, và giả thiết phải đóng đủ 30% giá trị căn nhà thì bao giờ người này mới đủ điều kiện để mua nhà.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, cho biết theo kinh nghiệm của các nước khác thì người tham gia quỹ phải xếp hàng từ 12 – 15 năm mới tới lượt mua một căn hộ. Chẳng hạn như Singapore người mua nhà ở xã hội cũng phải xếp hàng 12 năm.

Ông Châu cho rằng quỹ tiết kiệm nhà ở không thể dùng khoản tiền của người dân đóng góp vào mà phải có thêm nguồn lực của nhà nước. Ngoài ra, quỹ cũng phải hoạt động tốt có thể thu hút thêm các nguồn quỹ từ các tổ chức phi chính phủ khác mới đủ.

Bên cạnh việc huy đông vốn, công tác quản lý vận hành quỹ sao cho minh bạch, công bằng cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm.

Ông Châu cho rằng quỹ phải có tính chất địa phương hóa, không nên điều chuyển trên phạm vi toàn quốc vì có những thành phố sẽ chiếm tỷ trọng đóng góp nhiều và có những địa phương mức đóng góp vào quỹ ít hơn.

Hơn nữa, quỹ tiết kiệm nhà ở hình thành nhằm tạo cầu nối giúp người người nghèo, những người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà. Do vậy chương trình phát triển nhà ở xã hội cũng phải được phát triển song song với sự phát triển của quỹ này.

Nghĩa là phải có những dự án nhà ở thực sự vận hành theo quỹ tiết kiệm nhà ờ này, và nhà nước phải có hỗ trợ ban đầu để quỹ có thể thành hiện thực trong 2 - 3 năm nữa. Thực tế cho thấy chương trình nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp chưa thực sự thu hút các doanh nghiệp phát triển địa ốc tham gia.

Ông Châu nhận định quỹ tiết kiệm nhà ở tại các nước được người dân đồng tình ủng hộ, do vậy để phát triển ở Việt Nam thì cơ chế vận hành phải minh bạch và phải có nguyên tắc để lấy được lòng tin của người tham gia.

(Theo TBKTSG)

  • 130
  • By Admin
  • 25/08/2011
  • 17