Quy hoạch xây dựng Vùng Nam Nghệ An-Bắc Hà Tĩnh đến năm 2025
Vùng Nam Nghệ An Bắc Hà Tĩnh bao gồm các huyện thành thị phía Nam của tỉnh Nghệ An (thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương), các huyện thị phía Bắc của Hà Tĩnh (thị xã Hồng Lĩnh, các huyện: Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn). Ranh giới quy hoạch được xác định: Phía Bắc giáp các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô lương, Anh Sơn tỉnh Nghệ An; Phía Đông giáp biển Đông; Phía Tây giáp tỉnh Bô li Khăm Xay của Lào. Phía Nam giáp các huyện Can Lộc, Vũ Quang tỉnh Hà Tĩnh. Tổng diện tích tự nhiên của khu vực lập quy hoạch khoảng 3.648km2.Mục tiêu QH:Dự báo khả năng khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, lao động, cơ sở vật chất và kỹ thuật... để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ cảnh quan môi trường, phát triển bền vững. Định hướng tổ chức không gian đô thị, các không gian phát triển kinh tế đặc thù, hệ thống cơ sở hạ tầng liên vùng Nam Nghệ An Bắc Hà Tĩnh.Cụ thể hóa trên phạm vi lãnh thổ vùng các chương trình kế hoạch đầu tư các công trình quan trọng có ý nghĩa tạo vùng của các ngành.
Tính chất vùng:Là vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực Bắc Trung Bộ với các ngành kinh tế chủ đạo phát triển của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, có vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng của vùng và quốc gia. Là đầu mối giao thương hàng hóa và dịch vụ của vùng Bắc Trung Bộ, cửa ngõ kết nối với các thị trường quốc tế lân cận.Là vùng có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với các danh nhân văn hóa quốc gia và quốc tế, các cảnh quan thiên nhiên đặc sắc cần được bảo tồn tôn tạo và khai thác phục vụ du lịch nhân văn và phát triển kinh tế xã hội của vùng. Dự báo dân số toàn vùng năm 2015 khoảng 1.506.900 người, trong đó dân số đô thị là 602.700 người.Dự báo dân số toàn vùng năm 2025 khoảng 1.748.800 người, trong đó dân số đô thị là 1.049.500 người.Dự báo quy mô đất xây dựng đô thị và các khu chức năng ngoài đô thị đến năm 2015 khoảng 19.890ha, đến năm 2025 khoảng 30.203ha; Dự báo quy mô đất xây dựng các khu dân cư nông thôn đến năm 2015 khoảng 21.700 ha, đến năm 2025 khoảng 13.986 ha.
Không gian phát triển vùng được chia ra thành các phân vùng phát triển nhằm sử dụng hiệu quả các tiềm năng của địa phương và lợi thế kết nối với tổng thể phát triển chung của vùng Bắc Trung Bộ và nước bạn Lào. Hệ thống đô thị của vùng được lựa chọn phát triển theo dạng chuỗi, cấu trúc không gian vùng chủ yếu phát triển theo các trục giao thông chủ yếu như sau:
Trục phát triển theo hướng Bắc Nam:dọc theo Quốc lộ 1a với các đô thị chủ yếu như Nam Cấm, Quán Hành, thành phố Vinh, thị trấn Xuân An, thị xã Hồng Lĩnh. Trục phát triển theo hướng Đông Tây: dọc Quốc lộ 46 nối thành phố Vinh với Thanh Thủy mà hạt nhân là các đô thị Hưng Nguyên, Nam Đàn, Kim Liên, Chợ Cồn, Chợ Rộ... Một trục phát triển khác theo hướng Đông Tây dọc Quốc lộ 8 nối đô thị Hồng Lĩnh với Cửa khẩu Cầu Treo với các đô thị hạt nhân là Đức Thọ, Phố Châu, Tây Sơn, Đức Lâm, Nầm. Trục phát triển dọc biên giới phía Tây: dọc đường Hồ Chí Minh với các đô thị như Hạnh Lâm, Hoa Quân, Thanh Thủy, Thanh Mai, Phố Châu.
Với định hướng phát triển chủ đạo như trên, toàn bộ hệ thống đô thị sẽ được phát triển theo các vùng kinh tế cơ bản như sau: Vùng đồng bằng ven biển: bao gồm các huyện thị sau: thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên, huyện Nam Đàn thuộc tỉnh Nghệ An và thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân, huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh.
Đây là khu vực có vị trí địa lý và địa chính quan trọng phục vụ phát triển kinh tế biển. Tại khu vực này chủ yếu phát triển các ngành kinh tế như công nghiệp vật liệu và sản xuất hàng tiêu dùng, mở rộng nâng công suất các cảng biển hiện có, khai thác các tài nguyên về du lịch biển và du lịch tâm linh, hình thành các vùng ngư nghiệp, khai thác và chế biến thủy hải sản...
Hệ thống đô thị bao gồm:thành phố Vinh, các đô thị Nam Cấm, Quán Hành, Xuân An, Hồng Lĩnh... phát triển dọc đường Quốc lộ 1a; các đô thị Cửa Lò, Xuân Thành, Cương Gián... phát triển dọc theo đường ven biển.
Vùng trung du miền núi: bao gồm các huyện Thanh Chương thuộc tỉnh Nghệ An, huyện Hương Sơn thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Trọng tâm của vùng là khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo và hệ thống các đô thị phát triển dọc đường Hồ Chí Minh và các trục quốc lộ theo hướng Đông Tây (các đô thị Thanh Thủy, Phố Châu, Chợ Cồn, Chợ Rộ, Tây Sơn...). Khu vực này sẽ lấy công nghiệp khai khoáng, dịch vụ thương mại du lịch làm động lực phát triển. Chú trọng phát triển kinh tế nông lâm theo hướng hiệu quả bền vững gắn liền với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông thôn trên địa bàn.Ổn định và cải thiện điều kiện sống của các nhóm dân cư nông thôn tại khu vực này theo các tiêu chí nông thôn mới.
Về định hướng phát triển hệ thống đô thị và dân cư nông thôn:Hệ thống đô thị Nam Nghệ An, thành phố Vinh là đô thị loại I trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, trung tâm hành chính kinh tế văn hóa xã hội của tỉnh Nghệ An; thị xã Cửa Lò là đô thị loại III, là đô thị du lịch biển dự kiến sẽ phát triển theo hướng sáp nhập vào với thành phố Vinh; huyện Nghi Lộc sẽ gồm các đô thị loại V là Quán Hành, Chợ Thượng, Mai Trang, trong đó Quán Hành là trung tâm hành chính của huyện; huyện Hưng Nguyên sẽ gồm các đô thị loại V là Hưng Nguyên, Hưng Phúc, Hưng Xá, trong đó Hưng Nguyên là trung tâm hành chính của huyện; huyện Nam Đàn gồm các đô thị sau: Nam Đàn là đô thị loại IV (trung tâm hành chính huyện), các đô thị loại V là Nam Trung và Nam Giang; huyện Thanh Chương gồm các đô thị sau: đô thị loại IV là Thanh Thủy, các đô thị loại V là Dùng, Chợ Chùa, Rộ, trong đó thị trấn Dùng là trung tâm hành chính huyện.
Hệ thống đô thị Bắc Hà Tĩnh:thị xã Hồng Lĩnh là đô thị loại IV sẽ được nâng cấp để đạt chuẩn đô thị loại III vào năm 2015; huyện Nghi Xuân gồm các đô thị loại V là Nghi Xuân, Xuân An, Xuân Thành, Cương Gián, trong đó thị trấn Nghi Xuân là trung tâm hành chính huyện; huyện Đức Thọ gồm các đô thị là: đô thị loại IV Đức Thọ (trung tâm hành chính của huyện), các đô thị loại V là: Lạc Thiện, Tam Đồng, Đức Đồng; huyện Hương Sơn gồm các đô thị là: đô thị loại IV Phố Châu (trung tâm hành chính của huyện), các đô thị loại V là Nầm, Tây Sơn, Nước Sốt.
Định hướng tổ chức hệ thống điểm dân cư nông thôn:Hệ thống các điểm dân cư nông thôn được bố trí trên cơ sở các định hướng về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế toàn vùng cũng như hiện trạng phân bố dân cư. Địa điểm xây dựng các điểm dân cư nông thôn phải thuận tiện trong kết nối giao thông với các tuyến đường liên xã liên vùng, phù hợp tập quán sinh hoạt và sản xuất, đáp ứng yêu cầu sinh sống và sản xuất của người dân theo đúng các Tiêu chí nông thôn mới được quy định tại Quyết định: 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Định hướng hệ thống dịch vụ thương mại – y tế vùng:Xây dựng tại thành phố Vinh một bệnh viện đa khoa vùng có diện tích 12 ha với 1000 giường. Các bệnh viện về nhi và sản phục vụ cho khu vực Bắc miền Trung có tổng diện tích 16 ha với 1500 giường. Ngoài ra còn bố trí tại Vinh bệnh viện y học cổ truyền và bệnh viện giao thông có tổng diện tích 10 ha với 800 giường. Hệ thống các trung tâm dịch vụ thương mại cấp vùng được đặt tại thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và thị xã Hồng Lĩnh. Tại các thị trấn thuộc các huyện chủ yếu bố trí các công trình phục vụ nhu cầu cho dân cư trong huyện.
Định hướng các công trình Văn hóa- TDTT cấp vùng:Xây dựng một trung tâm huấn luyện và thi đấu quy mô diện tích 117,2 ha với quy mô đào tạo, nhân lực 1.200 người; bố trí về phía Đông Bắc Thành phố Vinh trên trục đại lộ Vinh-Cửa Lò.
Định hướng hệ thống đào tạo vùng:Xây dựng và phát triển trung tâm đào tạo khoa học, dạy nghề cho khu vực Bắc miền Trung tại thành phố Vinh. Toàn vùng sẽ có 8 trường đại học và cao đẳng đặt tại khu vực Vinh, Nghi Lộc, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh; với quy mô diện tích 129 ha và 5,95 vạn sinh viên và hệ thống các trường dạy nghề bố trí tại các trung tâm huyện với quy mô diện tích 15 ha và 0,5 vạn sinh viên.
Tổ chức không gian công nghiệp vùng:Vùng công nghiệp Nam Nghệ An Bắc Hà Tĩnh sẽ ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp như chế biến thực phẩm, dệt may, gia công cơ khí, sản xuất hàng gia dụng cao cấp, lắp ráp và sản xuất các linh kiện điện tử và sản phẩm công nghệ cao... Các loại hình công nghiệp này chủ yếu được đầu tư tại các khu công nghiệp tập trung lớn như Nam Cấm. Bắc Vinh, Hồng Lĩnh, Gia Lách, Đại Kim... và một số khu công nghiệp quy mô nhỏ khác. Tổng diện tích xây dựng công nghiệp vùng đạt khoảng 2.586 ha.
Định hướng phát triển du lịch:Không gian du lịch được bố trí trên cơ sở khai thác tiềm năng tài nguyên sẵn có, chú trọng bảo vệ môi trường, cảnh quan. Cụ thể sẽ có các không gian du lịch chủ yếu như sau. Vùng du lịch biển đảo gắn với các khu vực ven biển (Nghi Lộc, Cửa Lò, Xuân Thành...)với các loại hình du lịch từ đơn giản đến cao cấp, du lịch mạo hiểm. Vùng du lịch sinh thái cung cấp các sản phẩm du lịch gắn liền với hệ thống các hồ và sông lớn (sông Lam, sông La, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, các hồ như Rào Băng, Đá Bạc, Khe Gỗ...), các vùng rừng sinh thái suối nước khoáng tại Hương Sơn, Thanh Chương. Các khu vực phát triển du lịch văn hóa tâm linh như di tích và các địa danh lịch sử gắn với các danh nhân văn hóa tại các địa phương như: thành phố Vinh, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn...
(Theo Báo Xây dựng)
- 168
- By Admin
- 19/08/2011
- 17