Quy hoạch vùng cần một thủ lĩnh
Quy hoạch “đầu to”
Đặt trong mối quan hệ của lý thuyết đô thị cực lớn (megacity), vùng đô thị Tp.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu - Bình Dương - Bình Phước - Tây Ninh - Tiền Giang - Long An đã được hình thành với hơn 10 triệu dân. Tuy về quy mô dân số, vùng Tp.HCM tương đương với đại đô thị ở châu Á, nhưng vùng đô thị này vẫn dãm chân tại chỗ nhiều năm qua vì những vấn đề tự thân như tắc đường, ngập lụt, xung đột đô thị - nông thôn, tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng lại tự phát…
KTS. Nguyễn Hữu Thái đánh giá, do chủ yếu phát triển riêng theo ranh giới hành chính, mạnh ai nấy làm nên các địa phương trong vùng đang tồn tại nhiều bất cập. Những xung đột đang nảy sinh ngay trong chính đô thị lõi Tp.HCM, cụ thể là quy hoạch vùng kinh tế phát triển theo hướng Tây - Tây Bắc, nhưng thực tế TP lại phát triển mạnh sang hướng Nam - Đông Nam, theo đường thoát nước của Tp.HCM.
Vấn đề giải quyết nạn kẹt xe khiến quy hoạch vùng Tp.HCM vẫn đang loay hoay. Ảnh: Cao Thăng |
Điều đáng bàn ở đây là liệu có phải quy hoạch đô thị chưa căn cứ trên nền kinh tế - xã hội, vốn là động lực chính để nuôi dưỡng đô thị mà lại hướng tới những nơi còn quỹ đất?
Mặc dù đã có ban chỉ đạo nhưng vùng Hà Nội và vùng Tp.HCM vẫn chất chồng bao nhiêu vấn đề, vậy những nơi chưa có ban chỉ đạo sẽ còn ì ạch đến mức nào. Nhu cầu cần một nhạc trưởng trong quy hoạch đang cần kíp hơn bao giờ hết. Ông Lưu Đức Hải |
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, GS. Nguyễn Tố Lăng, cho rằng nếu bản thân trong vùng không có sự kết nối chức năng giữa các khu vực, cơ sở hạ tầng liên vùng, hợp tác giữa các tỉnh và các TP… thì việc hình thành một mô hình đô thị lớn đúng nghĩa vẫn là điều rất xa vời.
GS. Lăng lấy ví dụ, cách quy hoạch của Tp.HCM là hết sức nghịch lý vì kế hoạch xây dựng đôi khi có trước kế hoạch tổng thể về kinh tế - xã hội. Hiện tượng này cũng xuất hiện tương tự ở Hà Nội. Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia, ông Ngô Trung Hải, cho biết các tỉnh trong vùng vẫn phát triển theo định hướng riêng và các kế hoạch chia sẻ giữa các vùng liên tỉnh còn rất mờ nhạt khiến quy hoạch thiếu chặt chẽ.
Quy hoạch vùng Hà Nội tuy tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng lại thiếu bền vững. Sức lan tỏa của khu kinh tế hạt nhân còn yếu kém khiến cho quy hoạch sẽ bị “đầu to” khi chỉ tập trung vào Hà Nội mà không phát triển theo hướng lan tỏa ra các vùng vệ tinh.
Mô hình hội đồng vùng?
Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng, ông Lưu Đức Hải cho biết, Việt Nam đã phân ra 10 vùng đô thị hóa, 6 vùng kinh tế, tuy nhiên vùng đô thị hóa lại đan xen trong vùng kinh tế; trong vùng đô thị hóa lại bao chứa rất nhiều đô thị, các vùng đệm… Thế nên việc quản lý, phát triển các vùng này không phải là chuyện đơn giản.
Hiện nay, mới chỉ có Hà Nội và Tp.HCM là có ban chỉ đạo, vậy ở các vùng khác nếu khi đã có quy hoạch, rót ngân sách xuống ai sẽ quản lý nguồn ngân sách này? Điều này sẽ dẫn đến mỗi tỉnh sẽ có một cách làm không đồng nhất với nhau. Để giải quyết vấn đề này, ở nhiều nước đã áp dụng mô hình hội đồng vùng.
GS. Nguyễn Tố Lăng cũng đồng tình cho rằng để có được sự liên kết giữa các vùng cần phải đảm bảo được 4 yếu tố: chuyên biệt hóa từng khu vực để phát triển, thí dụ Hà Nội phát triển những ngành gì, Bắc Ninh phát triển ngành gì; phải có quyền lực đủ mạnh để quản lý, liên kết, phân chia trách nhiệm một cách rõ ràng; có sự phân biệt giữa vùng lớn và khu vực trung tâm; thể chế hóa các quy định pháp luật để quản lý thống nhất các vùng.
Ở một khía cạnh khác, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, ông Trần Ngọc Chính, nếu muốn phát triển đồng đều trong vùng thì việc phải làm là đưa chất lượng sống của vùng lõi đô thị hướng ra vùng ven.
- 222
- By Admin
- 10/11/2014
- 17