Quy hoạch vùng Tp.HCM: Trung tâm kinh tế lớn của khu vực và châu Á
Căn cứ vào đó, phạm vi lập quy hoạch vùng Tp.HCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Tp.HCM và 7 tỉnh xung quanh gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, với tổng diện tích khoảng 30.404km2. Dân số hiện trạng toàn vùng năm 2013 khoảng 18,023 triệu người.
Kết nối các vùng kinh tế lớn
Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phát triển vùng Tp.HCM trở thành một trung tâm kinh tế lớn của khu vực và châu Á, có cơ cấu kinh tế hiện đại, phát triển năng động, bền vững trên cơ sở phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết các động lực, cơ hội phát triển, đảm bảo an ninh quốc phòng. Mặt khác, điều chỉnh quy hoạch còn tạo động lực phát triển cho các khu vực lân cận về kinh tế văn hóa và xã hội, trong đó Tp.HCM là đô thị hạt nhân, trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng, với kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại ngang tầm với các đô thị hiện đại trong khu vực...
Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tập trung phân tích các điều kiện tự nhiên, đặc biệt đánh giá về vị trí địa kinh tế, chính trị của vùng trong khu vực và thế giới, về tài nguyên tự nhiên và nhân văn cũng như các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng... đến định hướng không gian vùng.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch sẽ đánh giá quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM đã được phê duyệt năm 2008, các quy hoạch ngành liên quan và công tác thực hiện quy hoạch. Trong đó đặc biệt chú ý đến những ưu điểm và hạn chế của đồ án đặt trong bối cảnh phát triển mới của quốc gia, quốc tế, các chương trình, dự án, chiến lược phát triển ngành đã và đang được triển khai trong vùng, nhất là các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đánh giá quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, các quy hoạch ngành của vùng Tp.HCM và các tỉnh trong vùng.
Bên cạnh đó, điều chỉnh quy hoạch sẽ chú trọng đánh giá chính sách phát triển vùng, cơ chế quản lý và liên kết vùng, công tác triển khai các dự án quy hoạch, các dự án đầu tư có tính chất liên kết vùng, khung hạ tầng giao thông và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, phân tích bối cảnh phát triển mới của quốc gia, quốc tế cũng như đánh giá vai trò, vị thế và các mối quan hệ vùng, các tiềm năng và động lực phát triển của vùng Tp.HCM, đồng thời đề xuất quan điểm phát triển, tầm nhìn đến năm 2050 và các mục tiêu chiến lược phát triển vùng.
Điều chỉnh cấu trúc không gian vùng đáp ứng yêu cầu kết nối với các vùng kinh tế lớn trên thế giới và kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia như vùng ĐBSCL, vùng Duyên hải Nam Trung bộ, vùng Tây Nguyên trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đặc biệt kết nối giữa vùng đô thị trung tâm với các cực phát triển đối trọng trong vùng.
Điều chỉnh phân bố các vùng chức năng
Một trong những nội dung quan trọng của nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là đưa ra những đề xuất điều chỉnh phân bố các vùng chức năng, vùng phát triển kinh tế và đô thị... nhằm đáp ứng yêu cầu liên kết vùng và phát huy tiềm năng lợi thế riêng của các tỉnh trong vùng, tích hợp với phân vùng phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Điều chỉnh định hướng phân bố hệ thống đô thị, với Tp.HCM là đô thị hạt nhân tạo động lực phát triển của toàn vùng, cần xác định tính chất quy mô, chức năng các đô thị và phân loại đô thị cũng như hệ thống các vùng đô thị đối trọng, hệ thống đô thị theo các tuyến hành lang kinh tế đô thị hướng tâm, hệ thống các đô thị chuyên ngành. Đồng thời, định hướng phát triển không gian nông thôn phù hợp với đặc điểm tự nhiên, văn hóa truyền thống và điều kiện sản xuất và theo mô hình xây dựng nông thôn mới.
Điều chỉnh phân bố các vùng công nghiệp công nghệ cao, các vùng công nghiệp chuyên sâu, các vùng công nghiệp tập trung đa ngành gắn với các vùng đô thị trung tâm và các vùng đô thị đối trọng, các trục hành lang kinh tế đô thị và các đầu mối hạ tầng kỹ thuật của vùng, khai thác hiệu quả các lợi thế vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực.
Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 yêu cầu phân tích mô hình phát triển giao thông và xác định khung giao thông vùng cũng như phân tích về địa hình, các tai biến địa chất, cảnh báo các vùng cấm và hạn chế xây dựng, điều chỉnh định hướng phân bố các vùng du lịch sinh thái rừng cảnh quan, cũng như định hướng phân bố hệ thống hạ tầng xã hội và dịch vụ... Cùng với đó là đề xuất điều chỉnh các giải pháp về phòng chống và xử lý tai biến địa chất, ngập lụt đối với vùng ngập lũ và vùng chịu ảnh hưởng nước biển dâng, đảm bảo thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dự kiến đến năm 2020, dân số trong vùng khoảng 20 - 22 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60 - 65%. Đến năm 2030, dân số trong vùng khoảng 23 - 25 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 65 - 75%. Dự kiến quy mô đất đai xây dựng đô thị đến năm 2020 khoảng 180 - 210 nghìn héc-ta; đến năm 2030 khoảng 220 - 240 nghìn héc-ta. Dự kiến quy mô đất đai công nghiệp tập trung đến năm 2020 khoảng 30 - 40 nghìn héc-ta; đến năm 2030 khoảng 40 - 50 nghìn héc-ta. |
- 201
- By Admin
- 17/06/2014
- 17