Quy hoạch vùng Thủ đô: Một tổng thể hoàn chỉnh tạo sức bật lớn
Tuy nhiên, từ ngày 1-8, thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây hợp nhất; đồng thời một tổ chuyên gia gồm tư vấn nước ngoài và trong nước sẽ nghiên cứu đồ án quy hoạch chung cho Thủ đô Hà Nội mới. Vậy 2 đồ án này có liên quan thế nào với nhau? Liệu Hà Nội mở rộng địa giới hành chính có làm thay đổi quy hoạch Vùng Thủ đô cũng như các quy hoạch khác?Việc mở rộng địa giới hành chính sẽ giúp Hà Nội ngày càng phát triển mạnh, xứng đáng là trái tim của cả nước. Ảnh: Viết Thành.
Quy hoạch Vùng giúp Hà Nội phát triển mạnh hơn
Định hướng chính phát triển Vùng Thủ đô đã xác định nghiên cứu mở rộng ranh giới hành chính Thủ đô Hà Nội để tạo quỹ đất phát triển những công trình trọng điểm quốc gia, gồm: Trung tâm hành chính quốc gia, khu đô thị mới, trung tâm dịch vụ du lịch, nghiên cứu đào tạo và lĩnh vực công nghệ cao, nhằm chuyển các khu công nghiệp, công trình gây ô nhiễm ra khỏi Hà Nội.
Mặt khác, Vùng Thủ đô phát triển theo hướng vùng đô thị đa cực tập trung. Không gian được phân thành 2 phân vùng chính là vùng đô thị hạt nhân - phụ cận và vùng phát triển đối trọng. Trong đó, vùng hạt nhân là Thủ đô Hà Nội mở rộng. Khu vực phụ cận sẽ nằm trong phạm vi bán kính 25-30 km có chức năng hỗ trợ phát triển và mở rộng đô thị trung tâm. Vai trò của khu vực này là tạo vành đai xanh cung cấp sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm cho Thủ đô, đồng thời phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và dịch vụ du lịch văn hóa, sinh thái...
Công nghiệp, trong ý tưởng xây dựng quy hoạch Hà Nội, sẽ hướng ra biển, kết nối với trục quốc lộ đi phía Nam, hoặc từ Hà Nội đi Hải Phòng. Trong khi quy hoạch Vùng cũng xác định khu vực trọng điểm công nghiệp của Vùng Thủ đô Hà Nội chủ yếu tập trung ở phía Đông, từ vùng đô thị trung tâm nối ra Hải Phòng và Quảng Ninh, gắn với hình thành các khu đô thị vệ tinh. Do đó, việc hình thành một Hà Nội, đô thị hạt nhân của Vùng mạnh sẽ tạo động lực phát triển cho khu vực đối trọng, với trung tâm tỉnh lỵ (Bắc Ninh, Hải Dương, Phủ Lý...) là các hạt nhân.
Theo ông Ngô Trung Hải Phó Viện trưởng, Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), sau khi Hà Nội được mở rộng sẽ phải điều chỉnh quy hoạch Vùng và những quy hoạch khác. Chẳng hạn, về địa giới hành chính, quy hoạch Vùng từ 1 thành phố, 7 tỉnh nay còn 1 thành phố 6 tỉnh. Tuy nhiên, sẽ không có sự khác biệt lớn, bởi tư tưởng cơ bản của quy hoạch Vùng phù hợp với ý tưởng cũng như định hướng mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.
Quy hoạch chung Hà Nội (cũ): ý tưởng tốt vẫn được tôn trọng
Trả lời câu hỏi, liệu quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội (cũ) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998 sẽ phải gác lại không? Ông Ngô Trung Hải cho biết, sẽ có sự lồng ghép giữa các quy hoạch cũ và quy hoạch mới, nhưng khu vực lõi vẫn được tôn trọng, những ý tưởng tốt vẫn được giữ. Chẳng hạn, theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được phê duyệt năm 1998, trung tâm văn hóa-thương mại-tài chính Tây Hồ Tây cần được phát triển nhanh. Toàn bộ khu đô thị mới Bắc Thăng Long cũng phải được xây dựng ngay. Vấn đề là sẽ xem xét, rà soát lại các cụm công nghiệp không phù hợp và chuyển xuống phía Nam theo ý tưởng của quy hoạch mới.
Về đồ án quy hoạch thành phố 2 bên sông Hồng, ông Hải đánh giá, đây là đồ án được nghiên cứu công phu với nhiều đề xuất tốt, nhưng cũng có đề xuất phải xem lại, nhất là việc đặt các khu đô thị lớn ven sông. Có thể đặt ở đấy rất đẹp, nhưng quỹ đất an toàn bên trong cũng còn nhiều, tại sao lại dồn ra ngoài, phải di chuyển số lượng lớn dân cư như thế? Quy hoạch 2 bên sông vẫn được xem xét, nhưng sẽ đặt trong việc nghiên cứu quy hoạch Hà Nội chứ không tách riêng.
Liên quan đến các dự án đang được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính khẳng định, những dự án đã làm hoặc đã được cấp phép, đang triển khai thì vẫn tiếp tục thực hiện. Trường hợp đặc biệt có khả năng ảnh hưởng đến quy hoạch Hà Nội mở rộng mới đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng lại. Tuy nhiên, sau khi Bộ Xây dựng rà soát, cơ bản chưa có dự án nào đang triển khai mà bị dừng. Những dự án phải dừng đều đang nằm trên giấy, chưa triển khai.
Vùng Thủ đô Hà Nội, phạm vi bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận; trải rộng trên diện tích khoảng 13.436 km2, bán kính ảnh hưởng 100 - 150 km. Dân số toàn vùng vào năm 2050 khoảng 18-18,2 triệu người, trong đó, dân số đô thị tăng nhanh, từ 4,1 đến 4,5 triệu người (năm 2010) lên 8,1-9,2 triệu người (năm 2020) và 14,4-15,4 triệu người (năm 2050). Năm 2050, bình quân diện tích đất đô thị là 115 m2/người.
Theo Hà Nội Mới
- 231
- By Admin
- 01/08/2008
- 17