• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Quy hoạch tràn lan, tốn kém hàng nghìn tỉ đồng

Quy hoạch làm khổ dân

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, đến năm 2013, cả nước có 8.955 dự án quy hoạch thuộc mọi lĩnh vực ở cấp trung ương lẫn địa phương, với kinh phí lập hơn 6.720 tỷ đồng. Theo kế hoạch lập quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, tới năm 2020, cả nước sẽ có 19.285 QH được lập, với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng. Trong đó, quy hoạch riêng cho lĩnh vực xây dựng và đô thị chiếm 63%, QH tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chiếm 22%, QH sử dụng đất chiếm 15%...

Hàng nghìn tỷ đồng đã bỏ ra nhưng, theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, các QH này thiếu kết nối, không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn, chồng chéo gây tốn kém nguồn lực, giảm hiệu lực, hiệu quả của chính các QH. Tình trạng lập QH tràn lan, thiếu cơ sở khoa học, không xác định rõ đối tượng quản lý dẫn đến thiếu tính khả thi cũng được ghi nhận.

Điển hình như QH xây dựng vùng dọc theo Quốc lộ 1, vùng Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hòa, Nam Hà Tĩnh – Bắc Quảng Bình... không xác định được đối tượng, nguồn lực để triển khai. Chưa kể, mỗi tỉnh lại có QH riêng. Theo quy định, 6 vùng kinh tế trên cả nước phải có QH riêng. Mỗi tỉnh trong vùng cũng phải có QH theo hướng của QH chung. Nhưng thực tế, có vùng QH chưa được duyệt, địa phương đã duyệt xong QH riêng.

Để dẫn tới tình trạng lộn xộn kể trên, theo Bộ KH&ĐT, do việc ban hành văn bản pháp luật nhiều nhưng chưa hợp lý, thiếu thống nhất. Liên quan tới QH có tới 51 văn bản Luật và 7 Pháp lệnh của Quốc hội, 56 văn bản Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, còn 25 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của bộ ngành trung ương phải lập các QH phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu (chưa kể hệ thống các Thông tư, Quyết định của các bộ ngành, địa phương để điều chỉnh hoạt động QH).

Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Hà Nội) hình thành không theo nhu cầu người sử dụng, nay vẫn là bãi đất hoang.
Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Hà Nội) hình thành không theo nhu cầu
người sử dụng, nay vẫn là bãi đất hoang.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, đặc biệt là vấn đề chất lượng, tính định hướng, tầm nhìn xa của QH. Nhiều QH chỉ tồn tại được vài năm đã phải chỉnh sửa. “Có quá nhiều QH. Mỗi quận/huyện có tới 50 loại QH khác nhau, gây khó khăn cho quản lý”, ông Nghiêm nói.

Còn tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM, tình trạng QH treo đang khiến không ít người dân điêu đứng. Thậm chí, nơi đâu có các khu nhà xập xệ, người ta nghĩ ngay tới đó là nơi đã có dự án, đang chờ giải tỏa. Như tại Hà Nội, dọc các tuyến phố Đội Cấn, Đại La, Thanh Nhàn, Láng, quanh công viên Tuổi trẻ Thủ đô… là những khu nhà tạm bợ, xiêu vẹo. Do những khu dân cư này đều nằm trong diện QH. Tuy nhiên, đã hàng chục năm qua dự án vẫn chưa được triển khai, người dân phải sống tạm bợ và chờ đợi.

Biết lãng phí nhưng…

Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, tình trạng QH nhiều nhưng kém hiệu quả, chồng chéo, lãng phí, theo các chuyên gia, không chỉ xuất phát do tư duy, năng lực quản lý, còn nằm ở những quy định luật chồng chéo, thiếu thống nhất. Nhiều nội dung QH chỉ như bản báo cáo nghiên cứu khoa học.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, tình trạng lộn xộn, chồng chéo, lãng phí trong xây dựng QH do chiến lược và kế hoạch phát triển không đi liền với quy hoạch không gian.

Ông dẫn chứng, có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, nhưng không có quy hoạch lãnh thổ quốc gia để thực hiện chiến lược đó. “Chúng ta quá nhấn mạnh nhu cầu QH. Ai cũng làm QH, thậm chí có cả QH phát triển gia đình, phát triển chợ… dù không cần thiết, gây lãng phí. Chưa kể, QH gắn với tư duy nhiệm kỳ, ý chí lãnh đạo, ai cũng muốn “vẽ” ra những kế hoạch lớn, như sân bay, cảng biển để lấy thành tích, còn thực hiện được hay không cũng đã hết nhiệm kỳ, người sau lên lại chỉnh sửa”, ông Liêm nói.

Hiện nhiều QH xây dựng xong nhưng không biết ai thực hiện, không ai phải chịu trách nhiệm. Như QH ngành giáo dục và y tế cũng đề ra những mục tiêu rất hoành tráng như: trường học, bệnh viện đạt chuẩn quốc tế. Nhưng tính khả thi ở đâu, nguồn lực nào, cần bao nhiêu tiền, tiền từ đâu… thì không có lời giải. Chưa kể, QH đưa ra có làm được hay không cũng không ai kiểm tra, kiểm điểm. “QH cũng phải tiêu tiền, cũng phải “lại quả”. Các đơn vị tư vấn thế nào cũng phải “bôi trơn” đơn vị chủ trì QH. Tóm lại, chúng ta không có thể chế rõ ràng trong quản lý QH”, ông Liêm nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Đào Xuân Học, cho rằng, QH giữ vai trò quan trọng nhất trong định hướng phát triển, nhưng ta chưa quan tâm đúng mức. “Không nước nào như Việt Nam, QH thủy lợi nhưng đê không kết hợp với đường, cầu không kết hợp với cống. Nhiều nơi cầu và cống chỉ cách nhau chục mét, nhưng cầu riêng, cống riêng. Đấy là vô lý, lãng phí của cải xã hội khủng khiếp. Hiện quy định pháp luật về QH quá nhiều, gây rối rắm cho quản lý. Nếu có Luật QH chung sẽ rất tốt, để thống nhất về một mối quản lý”, ông Học nói.

  • 130
  • By Admin
  • 14/05/2014
  • 17