Quy hoạch sử dụng đất lúa cho từng vùng trên cả nước
Đó là: Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ (TDMNBB), Bắc Trung Bộ, Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH), Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB), Tây Nguyên, Đông Nam bộ (ĐNB) và Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Được xem là 2 vùng lúa lớn nhất cả nước, ĐBSCL và ĐBSH chiếm đến 67% diện tích gieo trồng và 70% sản lượng lúa cả nước, trong đó: Vùng ĐBSCL chiếm 52% diện tích gieo trồng và 53% sản lượng; ĐBSH chiếm 15% diện tích gieo trồng và 17% sản lượng lúa cả nước.
Đối với Vùng ĐBSCL, kể cả trước mắt và lâu dài, sản xuất lúa ở đây vẫn là nơi có lợi thế nhất trong cả nước, là vùng quyết định tới an ninh lương thực quốc gia và sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tiềm năng tăng năng suất của vùng này vẫn còn lớn. Dự kiến đến năm 2020, diện tích đất lúa của vùng là 1.755 ngàn ha, diện tích gieo trồng lúa đạt trên 3.600 ngàn ha, năng suất phấn đấu đạt bình quân gần 60 tạ/ha, sản lượng dự kiến đạt gần 21.400 ngàn tấn thóc. Đến năm 2030, diện tích đất lúa toàn vùng dự kiến là 1.740 ngàn ha, phấn đấu đạt năng suất bình quân 62 tạ/ha, sản lượng lúa đạt trên 22.190 ngàn tấn thóc.
Vùng ĐBSH cũng là trọng điểm sản xuất lúa gạo của cả nước, Bộ NNPTN cho rằng, cần tiếp tục hoàn chỉnh thủy lợi để duy trì diện tích gieo trồng lúa, tăng năng suất để giữ tăng sản lượng lúa. Dự kiến quy hoạch sản xuất lúa toàn vùng đến năm 2020, diện tích đất lúa là 560 ngàn ha, diện tích gieo trồng lúa đạt 1.050 ngàn ha, phấn đấu đạt năng suất bình quân gần 68 tạ/ha, sản lượng dự kiến đạt trên 7.100 ngàn tấn thóc. Đến năm 2030, diện tích đất lúa của vùng dự kiến là 540 ngàn ha, phấn đấu đạt năng suất bình quân 71 tạ/ha, sản lượng dự kiến đạt trên 7.300 ngàn tấn thóc.
Đối với vùng Bắc Trung Bộ, đến năm 2030, diện tích đất lúa của vùng dự kiến là 350 ngàn ha, năng suất bình quân 61 tạ/ha, sản lượng dự kiến đạt trên 3.780 ngàn tấn thóc.
Dự thảo cũng đề xuất phương án nhằm tăng diện tích gieo trồng lúa ở Vùng TDMNBB. Đó là, ở những vùng thiếu nước, cần hỗ trợ nông dân cải tạo đất nương rẫy thành ruộng bậc thang trồng lúa nước để giúp đồng bào định canh định cư, ổn định cuộc sống, ngăn chặn phá rừng làm nương rẫy; đầu tư thủy lợi vừa và nhỏ để đưa diện tích lúa 1 vụ lên 2 vụ. Đối với vùng DHNTB, một mặt quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ trên đất cát ven biển và đất đồi, mặt khác đầu tư thủy lợi và chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ để né tránh thiên tai, tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất. Riêng đối với vùng ĐNB, vấn đề quan trọng là phải ngăn chặn và xử lý tốt vấn đề môi trường công nghiệp, đô thị, không để đất đai nông nghiệp nói chung, đất lúa nói riêng bị ô nhiễm.
Mục tiêu cụ thể của việc quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ NNPTNT dự kiến, duy trì diện tích đất canh tác đến năm 2010 là 4,05 triệu ha, đến năm 2015 là 3,85 triệu ha và năm 2020 là 3,7 triệu ha. Từ năm 2030 giữ ổn định lâu dài là 3,6 triệu ha, trong đó đất chuyên lúa nước là 3,2 triệu ha.
Theo Chinhphu.vn
- 158
- By Admin
- 14/05/2009
- 17