Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm quy hoạch phù hợp với các điều kiện địa hình, địa chất công trình, địa chất thuỷ văn và khả năng khai thác quỹ đất; đáp ứng nhu cầu an táng trước mắt và lâu dài của nhân dân Thủ đô; xây dựng đồng bộ nghĩa trang và nhà tang lễ, nhằm khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai; sử dụng hình thức táng phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt, văn hóa truyền thống, ưu tiên sử dụng hình thức táng mới, văn minh, hiện đại tiết kiệm đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội)
Mở rộng, xây mới một số nghĩa trang
Theo quy hoạch, dự báo đến năm 2050, quỹ đất dành cho xây dựng nghĩa trang thành phố sẽ là 1247 ha. Trong đó, tại khu vực đô thị là 1103 ha và 144 ha dành cho khu vực nông thôn.
Đối với nghĩa trang tập trung cấp quốc gia, sẽ cải tạo, nâng cấp, mở rộng nghĩa trang Mai Dịch 1 thành công viên nghĩa trang với quy mô hiện có là 5,5 ha lên 5,8 ha đến năm 2015; sử dụng hình thức táng một lần. Đồng thời, sẽ xây mới nghĩa trang cấp quốc gia tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, quy mô khoảng từ 100 - 150 ha; sử dụng hình thức táng tổng hợp. Hai nghĩa trang này phục vụ nhu cầu an táng lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Đối với nghĩa trang tập trung liên tỉnh, sẽ đóng cửa nghĩa trang Yên Kỳ 1, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì. Đồng thời, mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ 2, huyện Ba Vì, sử dụng hình thức táng tổng hợp, phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân khu vực đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng và các tỉnh lân cận (Hòa Bình, Phú Thọ).
Đối với nghĩa trang tập trung cấp thành phố, đóng cửa các nghĩa trang: Sài Đồng (quận Long Biên), Văn Điển (huyện Thanh Trì) và cải tạo thành công viên nghĩa trang trước năm 2015 (riêng nghĩa trang Văn Điển chỉ phục vụ hỏa táng).
Mở rộng nghĩa trang tập trung Vĩnh Hằng (huyện Ba Vì) với quy mô hiện có là 37 ha lên 87 ha đến năm 2020, sử dụng hình thức hung táng, cát táng, táng 1 lần và hỏa táng, phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân và quy tập mộ di chuyển trong khu vực phát triển đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng.
Quy hoạch, cải tạo mở rộng nghĩa trang Thanh Tước (huyện Mê Linh) thành công viên nghĩa trang với quy mô hiện có là 7 ha mở rộng lên 23 ha đến năm 2030; sử dụng hình thức cát táng; phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân khu đô thị huyện Mê Linh.
Bên cạnh đó, sẽ xây dựng mới các nghĩa trang: Minh Phú và Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn); Xuân Nộn (huyện Đông Anh); Trung Màu (huyện Gia Lâm); Trần Phú (huyện Chương Mỹ); Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên).
Xây dựng mới nhà tang lễ quốc gia
Về quy hoạch mạng lưới nhà tang lễ, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội sẽ có 44 nhà tang lễ. Trong đó, sẽ cải tạo, nâng cấp 11 nhà tang lễ hiện có (nhà tang lễ thành phố và nhà tang lễ trong bệnh viện) nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường; tiếp tục xây dựng 07 nhà tang lễ thuộc các dự án đang triển khai; dự kiến xây dựng mới 26 nhà tang lễ (trong đó 1 nhà tang lễ quốc gia).
Đồng thời, tiến hành quy hoạch các cơ sở hỏa táng với tổng số 9 cơ sở trong đó: Tiếp tục sử dụng cơ sở hỏa táng hiện có tại Nghĩa trang Văn Điển phục vụ nhu cầu hỏa táng cho khu vực đô thị trung tâm Thành phố Hà Nội và xây dựng 8 cơ sở hỏa táng mới.
- 176
- By Admin
- 14/04/2014
- 17