Quy hoạch hai bên sông Hồng: Còn nhiều lo ngại
Các KTS quan ngại khu nhà cao tầng sẽ ngăn cách hồ Tây với sông Hồng
và khu đô thị mới sẽ quay lại với đô thị Hà Nội hiện hữu
Khu đô thị mới quay lưng lại với đô thị hiện hữu?
Theo ý tưởng quy hoạch, khu vực nằm giữa hồ Tây và sông Hồng sẽ là một trung tâm đô thị, thương mại. Ở đây sẽ mọc lên hàng loạt các công trình cao tầng đậm đặc. Đây chính là điều khiến các KTS Việt Nam lo ngại.
KTS Doãn Minh Khôi (ĐH Xây dựng Hà Nội) nhận định: Đây là khu đất đẹp nhất Hà Nội, dự án muốn khai thác tối đa. Tuy nhiên, đặc trưng của Hà Nội là mặt nước, cây xanh, nếu đặt các nhà cao tầng ở đây sẽ hình thành sự ngăn cách giữa hồ và sông, làm ảnh hưởng đến Hà Nội trung tâm, làm biến dạng hình thái đô thị. Vậy nên cần xem xét lại, giảm độ cao và mật độ.
Cũng đề cập đến việc liên kết hai phần đô thị cũ - mới, KTS Phó Đắc Tùng (Chủ nhiệm bộ môn đô thị Lâm nghiệp, ĐH Lâm nghiệp) có chung sự quan ngại: Nếu vẽ lát cắt của khu vực này công trình gần sông xây thấp, sau đó cao dần lên về phía hồ Tây sẽ có một khu đô thị mới quay lưng lại với đô thị hiện hữu.
Lo ngại Hà Nội có một khu vực ách tắc mới
Đây cũng là một nội dung được các KTS bàn nhiều. KTS Tô Toàn đặt câu hỏi: Về vấn đề kỹ thuật hạ tầng, xây dựng công trình cao tầng như thế có nên không?
Mục tiêu đầu tiên: Thoát lũ và đảm bảo an toàn Việc chỉnh trị sông Hồng, đồ án đặt mục tiêu bảo đảm an toàn lên hàng đầu. Vì vậy, bên cạnh những đoạn đề xuất thu hẹp dòng chảy để tạo quỹ đất, có 2 đoạn bắt buộc phải mở rộng như đoạn cầu Long Biên, mặt cắt đề xuất khoảng 1,3km, (mở về phía bờ Bắc) hay đoạn thượng lưu cầu Thăng Long, mặt cắt lên tới 1,5km. Có khoảng 2.462ha đất để có thể đưa vào khai thác đô thị. Trong đó 700ha đoạn sông Đuống thuộc tỉnh Hưng Yên. Trong 1.700ha còn lại có 200ha là công viên đô thị, chính là phần đảo nổi ngoài bãi Tứ Liên. Phần còn lại chia 8 khu vực có khả năng phát triển đô thị. Đây chính là thời điểm thích hợp nghiên cứu đồ án này, bởi hiện số dân đã xấp xỉ 20 vạn người, nếu để lâu chắc chắn sẽ tăng nhanh nữa. Mặt khác, toàn bộ công trình phát triển tự phát ngoài đê đang thu hẹp dòng chảy của sông Hồng, không bảo đảm an toàn thoát lũ, gây ra thảm họa môi trường thực sự. (Quý Nhân)
KTS Trần Văn Khơm (ĐH Xây dựng Hà Nội) đồng tình: Không nên nghiên cứu hình thành những khu đô thị như hiện nay vì như thế rất phức tạp và gây áp lực cho Hà Nội, trung tâm hồ Tây. Dự án nên tập trung chỉnh trị dòng sông và xây dựng khu công viên sinh thái hai bên bờ. Nếu làm được như vậy, công viên sinh thái này sẽ trở thành độc nhất vô nhị trên thế giới.
KTS Phó Đắc Tùng thì thẳng thắn đặt câu hỏi: Hà Nội có cần tới 8 trung tâm đô thị nằm rải trên hơn 40km chiều dài hai bên bờ sông hay không? Hai bên sông cho hai đường cao tốc chạy sẽ tạo ấn tượng về sự ngăn cách mà lịch sử của Hà Nội trước đó luôn gắn bó với sông Hồng.
Bàn để làm
Trong khi KTS Nguyễn Thúc Hoàng cho rằng các ý kiến nêu ra trong cuộc toạ đàm đều đúng nhưng là bàn chuyện “trên trời” bởi hiện tại, đây là nghiên cứu cơ bản, mới là những đề xuất, ý tưởng quy hoạch, chưa phải là đồ án quy hoạch sẽ trình và được duyệt, thì KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam lại khẳng định: “Không ai bỏ số tiền lớn như vậy để xem, chơi mà đây là vấn đề cấp bách cần làm, cần bàn với nhau để làm được”. Theo ông Vạn, cần phải nhìn dự án rộng hơn nữa, nhìn sông Hồng trong mối quan hệ với toàn TP từ đó xem xét việc phân khu chức năng, quy mô đầu tư đúng hơn. “Chúng ta vẫn nghiên cứu quy hoạch theo ranh giới là không hợp lý. Nếu nhìn rộng ra thì giải pháp sẽ khác. Tại sao chỉ tính sử dụng đất đai trong dự án này? Sao không tính đến khai thác quỹ đất khác để hỗ trợ, để cân bằng hiệu quả của dự án?” - ông Vạn tỏ ra thực tế. Để giải toả tâm lý “khó làm” mà các KTS đề cập, ông Vạn nói: Nếu thấy việc này là quan trọng thì quyết làm. Làm chắc chắn có khó khăn, phức tạp nhất là trong quản lý xã hội, vậy thì TP phải quyết tâm trong chỉ đạo, đầu tư, xây dựng chính sách.
Theo Báo Xây dựng
- 196
- By Admin
- 13/08/2008
- 17