Quy hoạch để an dân hay "chuốc lấy" nguy cơ?
LTS: Những thông tin liên quan đến Đồ án quy hoạch chung Hà Nội luôn thu hút sự quan tâm hàng đầu của người dân. Những phát biểu mới nhất của lãnh đạo Hà Nội và Bộ Xây dựng liên quan để đồ án này đang được mọi người bàn tán.Tuần Việt Nam tiếp tục giới thiệu góc nhìn của kiến trúc sư Hà Thủy liên quan đến chủ đề này với tiêu đề "Lương tri" để mọi người cũng suy ngẫm.
Tầm nhìn hay Nhãn quan theo nghĩa sâu sắc luôn bao hàm sự giác ngộ (về tâm thức) và sự thông tuệ (về tri thức).
Cái chi phối Nhãn quan là Lương tri; Lương tri chính là ánh sáng (huệ quang) mở đường cho sự giác ngộ, khai tâm, khai trí.
Khi có lương tri, người ta sẽ nhìn thấy cái mà những người nhẫn tâm không thể nhìn thấy được; Khi có lương tri, việc đang khó sẽ lại trở thành dễ.
Chúng ta đều đã biết, có rất nhiều điều cần phải bàn tới trong Quy hoạch Hà Nội, song tựu trung có lẽ có ba vấn đề mà công luận quan tâm, những vấn đề mang tính cốt lõi của đồ án đó là chuyện "Dời đô"; Chuyện quy hoạch sử dụng đất và chuyện "Trục Thăng Long" (nay là tuyến đường Hồ Tây - Ba Vì); Cả ba vấn đề này đối với quốc dân đều được coi là hiểm họa, nguy cơ; Vì sao vậy?
Nguy cơ "dời đô"
Trong lịch sử của nước ta, ý tưởng dời đô thường xảy ra khi có minh quân (vua hiền) hoặc nghịch thần (bề tôi phản nghịch); Ai minh quân, ai nghịch thần, lịch sử cũng đã, sẽ dần phân định rõ.
Thăng Long - Hà Nội đã được Đức Lý Thái Tổ (năm 1010) và Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1945) chọn làm thủ đô của dân tộc Việt Nam; Trong đó Ba Đình là Trung tâm chính trị, nơi làm việc của chính phủ và các cơ quan trung ương.
Đây là vấn đề thiêng liêng, vì lịch sử nước ta đã cho thấy, những triều đại lựa chọn định đô ngoài khu vực Hoàng thành Thăng Long đều có vận số ngắn ngủi, nhân tâm ly tán, xã hội tao loạn và "dân tộc thành vong quốc nô, đất nước thành nhược tiểu quốc".
Bởi vậy, khi Bộ Xây dựng đề xuất chuyển Trung tâm Hành chính quốc gia lên Ba Vì đã tạo ra một làn sóng phản đối sâu rộng trong dân chúng và trong Quốc hội.
Để trấn an dư luận, Bộ Xây dựng đã công khai khẳng định không có chuyện "dời đô"; Khu đất vẫn được giữ nguyên và đổi tên thành Khu dự trữ (!!?).
Tuy nhiên, cách giải quyết này không những không làm yên lòng dân mà còn tăng thêm mối nghi ngại bởi sự mập mờ trong giải pháp.
"Lý giải về việc xây dựng trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung tại 4 quận nội thành Hà Nội cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa) có diện tích nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu hiện nay về sử dụng và hạ tầng giao thông đô thị"; (http://vnexpress.net); Đây chính là lý do cơ bản để có được khu đất 1000ha tại Ba Vì.
Thế nhưng, sau khi tự lên tiếng bác bỏ ý tưởng này thì không thấy Bộ Xây dựng cân đối nhu cầu (1000ha) dự trữ đất cho Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia ở đâu cả. Điều này, có ba giả thuyết:
Một là: Bộ Xây dựng ngụy tạo nhu cầu, hoặc tính toán một cách hoang phí cho Trung tâm Hành chính quốc gia, nay không còn nữa cũng không sao (!!?);
Hai là: Bộ Xây dựng (quên) chưa hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch về yêu cầu hoàn thiện và mở rộng Trung tâm Chính trị Ba Đình cho tương xứng với thủ đô Hà Nội trong thời kỳ mới;
Ba là: Bộ Xây dựng vẫn ngầm giữ nguyên ý đồ "dời đô", chỉ thay tên chức năng nhằm đánh lạc hướng dư luận (?).
Việc này, ai cũng có thể thấy, như các cụ nói "giấu voi ruộng rạ" sao đang?
Nếu có lương tri, cái khó của Bộ Xây dựng sẽ được giải quyết dễ dàng, theo như gợi ý của các đại biểu quốc hội, các nhà chuyên môn, công luận và gần đây nhất là của UBND thành phố Hà Nội; Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam:
Đó là, trả lại cho Tản Viên Sơn Thánh vùng đất mà phía dưới đã, đang là vùng hoạt động của dung nham núi lửa, vùng đất chỉ dành cho cây Trinh Nữ Ông và người của thế giới bên kia; Vùng đất cần phải bảo tồn hệ sinh thái, tín ngưỡng theo tâm nguyện của nhân dân; Vùng đất không phù hợp về vị thế, phong thủy, thổ nhưỡng cho xây dựng đô thị.
Đó là, chọn Khu Tây Hồ Tây làm khu dự trữ và mở rộng cho Trung tâm Chính trị Ba Đình, Khu Mỹ Đình sẽ là nơi làm việc của các Bộ, Ngành trung ương; Giải pháp này sẽ đạt được tất cả các chuẩn mực quốc gia, quốc tế về khoảng cách, khả năng liên kết, phối hợp hoạt động, về vị thế, vị trí, bảo tồn cấu trúc đô thị truyền thống.
Chuyện nghi ngại về dời đô sẽ kết thúc, khi đó lòng dân sẽ yên và chúng ta sẽ có một thủ đô với Trung tâm chính trị ổn định và "thượng đô kinh sư mãi muôn đời".
Nguy cơ từ khủng hoảng quy hoạch sử dụng đất
Với quỹ đất đô thị do quy hoạch đề xuất là 1.270 km2; từ nay đến năm 2030 Hà Nội sẽ phải thu hồi 1.089,5 km2 đất, chủ yếu là đất nông nghiệp, đất lúa.
Chúng tôi chưa bàn đến về phương pháp tính quy mô đất xây dựng đô thị với 2 lần giả định; Giả định thứ nhất là quy mô dân số (theo chúng tôi là quá thấp và sẽ vỡ kế hoạch trong tương lai gần), giả định thứ 2 là định mức diện tích đất/đầu người (theo chúng tôi là không thực tế); Xin khẳng định trên thế giới không có phương pháp quy hoạch nào tính quy mô đô thị như thế (trừ giai đoạn đầu của chính quyền xô viết cách đây 2/3 thế kỷ, khi đó đất đai chỉ có nhà nước và kinh tế tập thể quản lý, người cầm quyền sẽ được tùy ý định đoạt); Người nước ngoài (bao gồm cả liên danh tư vấn và các tổ chức phản biện) đều sẽ không hiểu điều này.
Tại bài trước, chúng tôi đã phân tích về sự phi lý khi cùng một quy mô dân số đô thị, chúng ta lại phải sử dụng một quỹ đất gấp 4 lần các đô thị thủ đô tốt nhất thế giới, trong khi hiệu quả sử dụng đất lại thấp hơn hàng chục, hàng trăm lần.
Có rất nhiều phi lý, ở đây chúng tôi sẽ không tranh luận về phương pháp bởi dù bằng phương pháp nào thì cũng phải dựa vào kết quả thực tế để chứng thực sự đúng đắn; Nổi lên các nguy cơ từ quy hoạch đất đai, bao gồm:
Một là: Quy hoạch không căn cứ vào quỹ đất thực tế có thể huy động vào xây dựng đô thị, thể hiện sự hợp hiến, hợp pháp của cách tính theo Luật đất đai, Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có các điều khoản về bảo tồn đất nông nghiệp, đất lúa, các vùng phải bảo tồn khác, các khu vực phải bảo vệ, vùng thoát lũ v.v.
Hai là: Quy hoạch không thể hiện sự cân đối kế hoạch thu hồi đất, đô thị hóa, kèm theo các kế hoạch chuyển đổi thành phần dân cư, lao động phù hợp, có tính khả thi (tạm tính trên1ha = 15lao động, 30 nhân khẩu); với 108.950ha đất bị đô thị hóa, tối thiểu sẽ có trên 1.600.000 lao động mất việc làm; trên 3.200.000 nhân khẩu bị tác động trực tiếp; trong 20 năm, mỗi năm Hà Nội phải có thêm tối thiểu 82.000 việc làm; Cơ sở phát triển đô thị như thế nào có thể đáp ứng nhu cầu này? Đây là một nguy cơ lớn, có thể dẫn đến biến động xã hội phức tạp, khôn lường.
Ba là: Quy hoạch không có đánh giá (sát thực) hiện trạng sử dụng đất, các điều kiện tự nhiên để xác định giới hạn không gian, quỹ đất xây dựng đô thị theo các nguyên tắc nêu trên (thuận lợi cả về pháp lý, tự nhiên và xã hội); Vì vậy, việc chọn vị trí, quy mô đất đô thị sẽ sai lệch, không thể làm căn cứ để thực hiện; Điều này sẽ gây ra những hỗn loạn trong quản lý, triển khai các giai đoạn sau.
Bốn là: Quy hoạch đề xuất một kế hoạch chuyển đổi quỹ đất nông nghiệp sang đất đô thị quá lớn (ước tính bằng 55% của cả nước trong 8 năm); Việc này sẽ đe dọa an ninh lương thực quốc gia, nêu tấm gương xấu về ý thức chấp hành luật pháp của Hà Nội và các cơ quan trung ương.
Năm là: Thực tế suốt năm 2009, Hà Nội mới chỉ quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất ở đô thị vẻn vẹn được 143 ha, đạt 16% kế hoạch năm; đất chuyên dùng cũng được có 707 ha, đạt 20% kế hoạch năm. Nếu với tốc độ thu hồi đất đai như hiện nay (càng về sau sẽ càng chậm lại, vì các điều kiện kinh tế, xã hội) cần 108.950ha/143ha = 762 năm (tức khoảng gần 4/5 thiên niên kỷ); Nếu tăng khả năng thu hồi đất lên 1000ha/năm cũng cần hơn một thế kỷ mới xong (!!?) (nguồn: vnmedia.vn); Nếu giữ nguyên đề xuất quy mô đất đô thị, chúng tôi tin, đây là nguyên nhân cốt lõi để biến đồ án Quy hoạch Hà Nội thành bất khả thi; Chính lực cản này (có thể sẽ là bất khả kháng - vì đất xây dựng đô thị không thể cưỡng chế mà phải thỏa thuận, thuyết phục), có nguy cơ biến đồ án thành quy hoạch treo khổng lồ.
Sáu là: Để có một đô thị hiện đại như mong muốn (loại trung bình) tương tự như thành phố Putrajaya của Malaysia cần 1,3 tỷ USD/km2, từ nay đến năm 2030 Hà Nội cần khoảng 1.421 tỷ USD; Tức mỗi năm cần khoảng 71 tỷ USD ; Để có đô thị hiện đại như khu La Défense tại Paris cần 62,5 tỷ USD/km2, từ nay đến năm 2030 Hà Nội cần khoảng 68.093 tỷ USD ; Tức mỗi năm cần khoảng 3.404 tỷ USD; Đây quả là những con số biết cười; Nguồn tài chính nào sẽ đảm bảo cho sự hiện đại của thủ đô với quy mô đất đô thị như đề xuất? Và, cùng với quy hoạch dàn trải, bao nhiêu khu đô thị sẽ bị bỏ hoang?
Bảy là: Quỹ đất quá lớn sẽ thu hút các nguồn lực thay vì đầu tư sản xuất kinh doanh, các nhà đầu tư lại tập trung vào bất động sản. Điều này sẽ làm triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh, tăng chi phí đầu tư lên; Một sự gia tăng cho vay tín dụng vào những lĩnh vực phi sản xuất sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế và chặn đứng việc cấp tín dụng cho phát triển khu vực khác; Bong bóng bất động sản sẽ phá vỡ toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng; Điều này sẽ hủy hoại, làm suy yếu năng lực cạnh tranh, phát triển của quốc gia; Nên nhớ, nguồn lực xã hội (không phân biệt sở hữu) dù huy động cách gì cũng chỉ là hữu hạn (trong khung tỷ trọng GDP, kiều hối, FDI).
Tám là: Thành phố cần phải phát triển với tốc độ phù hợp để có khả năng tự cân bằng; mỗi một thế hệ chỉ nên tác động trong một giới hạn, không nên nhân danh tầm nhìn để đề ra những kế hoạch quá xa, quá rộng một cách ôm đồm, áp đặt làm thay cho tương lai (nhất là đất đai) như đồ án đã đề xuất (các cụ gọi là tham hết phần con cháu); Những quy hoạch không theo định hướng mở sẽ luôn thất bại. (Chúng ta đã có những kế hoạch mở rộng thủ đô Hà Nội lên tận Vĩnh Yên, Xuân Hòa, Xuân Mai, sau đó các quy hoạch chung khác của thủ đô cũng đã lần lượt bị phá sản bởi tư duy kế hoạch hóa tập trung mà đồ án hiện nay cũng vẫn còn bị ảnh hưởng).
Chín là: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân (hay quốc gia), khi có kế hoạch chuyển đổi một lượng đất khổng lồ như vậy, ảnh hưởng đến toàn thể xã hội (không chỉ giới hạn trong phạm vi Hà Nội mà còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia), cần phải có một quy trình ra quyết định có tính dân chủ; Cần có trưng cầu dân ý hay tối thiểu phải được quốc hội thông qua, quyết định; Có thể đây chính là lỗ hổng của luật pháp khi quốc hội (đại diện cho nhân dân) lại không có quyền tối hậu về quy hoạch sử dụng đất (nguồn lực chính, lớn nhất của quốc gia).
Nếu có lương tri, quy hoạch sử dụng đất sẽ khác; Giải pháp cho vấn đề này đã được Hội kiến trúc sư Việt Nam nêu khá rõ: "Việc lập bản đồ đánh giá tổng hợp đất đai, làm cơ sở để kiểm kê phân hạng quỹ đất theo mức độ thuận lợi, xác định khả năng dung nạp dân số và chọn đất là một nội dung chính rất quan trọng của đồ án quy hoạch xây dựng vùng và quy hoạch chung xây dựng đô thị"; Quy hoạch sử dụng đất cần chỉ ra các giới hạn có tính nguyên tắc trên cơ sở tuân thủ luật pháp, bảo tồn các di sản tự nhiên, đô thị, nông thôn và đặc biệt là đất trồng lúa, đât nông nghiệp canh tác có hiệu quả.
Nếu có lương tri, Quỹ đất đô thị hợp lý cho Quy hoạch Hà Nội sẽ chỉ cần dự trù (đã bao gồm quỹ đất dự trữ cho đô thị) tương đương với Tokyo, khoảng 600km2 (mặc dù với con số này theo tính toán của chúng tôi đã là quá sức, để thực hiện được phải có quyết tâm, sự đồng thuận, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, quốc dân đồng bào trong và ngoài nước); Với dân số đô thị đến năm 2030 khoảng 4,5 triệu người (xấp xỉ 1/2 Tokyo) là hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững, ổn định lâu dài.
Tokyo có tổng diện tích 2.188km2, diện tích đất đô thị là 617km2 ; Theo ngày 01 tháng 10 năm 2009, dân số của Tokyo được ước tính là 12.989.000, trong đó dân số nội thành 8.802.000 người; (nguồn: http://www.metro.tokyo.jp).
Nếu có lương tri, cần cố định không gian đô thị và yêu cầu các nhà tư vấn quy hoạch phải có giải pháp nâng cao năng lực dung nạp, tiện nghi của đô thị, làm tăng hiệu quả sử dụng đất (trong đó có các nội dung, mục tiêu của đô thị đã đặt ra).
Khi đưa ra một kế hoạch sử dụng đất được tiết chế như vậy (giảm khoảng 670km2), sẽ có tối thiểu khoảng 850 tỷ USD sẽ được giải phóng (cho kế hoạch đến 2030), nguy cơ khủng hoảng kinh tế, gánh nặng các vấn đề xã hội cũng giảm theo; Quỹ đất nông nghiệp sẽ không bị mất đi, để dành cơ hội cho các thế hệ sau tự quyết định;
Nếu có lương tri, quy hoạch sử dụng đất sẽ khác; Quỹ đất đô thị hợp lý cho Quy hoạch Hà Nội sẽ chỉ cần dự trù tương đương với Tokyo, khoảng 600km2; với dân số đô thị đến năm 2030 khoảng 4,5 triệu người (1/2 Tokyo) là hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững, ổn định lâu dài; Cần cố định không gian đô thị và yêu cầu các nhà tư vấn quy hoạch phải có giải pháp nâng cao năng lực dung nạp của đô thị, làm tăng hiệu quả sử dụng đất; Sự hoang phí sẽ không còn!
(Theo TuanVNN)
- 0
- By Admin
- 20/09/2010
- 17