• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội: Cần cái nhìn mới

Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội: Cần cái nhìn mới
 

 

An toàn trước lũ - mục tiêu hàng đầu

 

Theo ông Đỗ Viết Chiến, riêng việc chỉnh trị sông Hồng, đồ án đặt mục tiêu bảo đảm an toàn lên hàng đầu. Vì vậy, bên cạnh những đoạn đề xuất thu hẹp dòng chảy để tạo quỹ đất, có nhiều đoạn bắt buộc phải mở rộng như đoạn cầu Long Biên, mặt cắt đề xuất khoảng 1,2km, (mở về phía quận Long Biên) hay thượng lưu cầu Thăng Long, mặt cắt lên tới 1,5km. Ngoài nghiên cứu của chuyên gia Hàn Quốc, phía Việt Nam cũng mời chuyên gia thủy lợi trong nước tham gia, cũng như áp dụng nhiều phương pháp mà các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng nghiên cứu về dòng chảy, hành lang thoát lũ. Và đáp án cuối cùng các bên đưa ra cơ bản là phù hợp, thống nhất.

 

Khi có hành lang thoát lũ, chuyên gia sẽ đề xuất xây dựng tuyến đê mới. Việc di dời dân sẽ căn cứ trên cơ sở pháp luật chứ không phải trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia, nên chắc chắn số lượng hộ phải di dời phải tính toán lại. Trong Luật Đê điều quy định rất rõ 2 đối tượng phải di dời nên dù có hay không có dự án thì rất nhiều người dân cũng phải thực hiện di dời ra  khỏi hành lang thoát lũ. Đối tượng còn lại, sẽ lập quy hoạch chi tiết, sau đó quyết định phần nào di dời, phần nào giữ lại.

 

Ông Chiến cho biết, có khoảng 2.462ha đất để có thể đưa vào khai thác đô thị. Trong đó 700ha đoạn sông Đuống thuộc tỉnh Hưng Yên, còn 1700ha trong đó có 200ha là công viên đô thị, chính là phần đảo nổi ngoài bãi Tứ Liên. Phần còn lại chia 8 khu vực có khả năng phát triển đô thị. Đây chính là thời điểm thích hợp nghiên cứu đồ án này, bởi hiện số dân đã xấp xỉ 20 vạn người, nếu để lâu chắc chắn sẽ tăng nhanh nữa. Mặt khác, toàn bộ công trình phát triển tự phát ngoài đê đang thu hẹp dòng chảy của sông Hồng, không bảo đảm an toàn thoát lũ, gây ra thảm họa môi trường thực sự - ông Chiến nói.

 

Không nên “quay lưng” với khu vực đô thị cũ

 

Công phu, bài bản, chuyên nghiệp, hiểu luật - là nhận xét chung của nhiều chuyên gia khi đánh giá về Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Nhưng cũng lại có một dòng ý kiến khá trùng lặp về việc thiếu vắng sự gắn kết, cân nhắc về mối liên hệ với không gian của khu vực đô thị cũ cận kề với khu vực nghiên cứu quy hoạch.

 

Ông Phó Đức Tùng, Giảng viên Trường đại học Lâm Nghiệp có những ý kiến đóng góp rất đáng để suy nghĩ. Một trong những trọng tâm của dự án này là tạo ra một không gian cảnh quan, biến nó thành một dải thiên nhiên. Về mặt ý tưởng hoàn toàn đồng ý, nhưng về mặt giải pháp thì lại thiếu một bàn tay tài hoa, bởi vì trong suốt một dải sông Hồng, có cả một “siêu thị” giải pháp, trong đó có cả những giải pháp đã từng được biết là cải tạo thiên nhiên, cải tạo sinh thái. Trên thế giới có cái gì cũng bày ra hết nhưng lại chưa tìm được “hồn” của con sông và của cả tổng thể - ông Tùng nói. Trên một tổng thể sẽ thấy khoanh ra rất nhiều “bong bóng”, chỗ này công năng này, chỗ kia công năng kia. Cần một giải pháp tổng thể cho cả một dải sông với một chủ đề duy nhất. Hà Nội có cần tới 8 trung tâm đô thị nằm rải trên hơn 40km chiều dài hai bên bờ sông hay không (?). Hai bên sông cho hai đường cao tốc chạy, nó sẽ tạo ấn tượng về sự ngăn cách, mà cả lịch sử của Hà Nội gắn bó với sông Hồng. Về vấn đề liên kết đô thị, các công trình ở phía sông đều thấp rồi xa sông sẽ cao dần lên. Nhưng nếu như thế này thì sẽ là một đô thị mới hoàn toàn lạ lẫm, quay lưng lại đô thị cũ.

 

GS Trần Hùng, Viện phó Viện Nghiên cứu kiến trúc - Hội Kiến trúc sư VN, cho rằng, sông Hồng là trục không gian đi qua thành phố nhưng bờ phía bắc và bờ phía nam hoàn toàn khác nhau về quá trình phát triển, lịch sử. Do đó tư duy phát triển hai bờ sông là hoàn toàn khác nhau. Phía nam là đô thị cũ, hạt nhân lịch sử của kinh đô Thăng Long. Nhưng theo đồ án thì tư duy khai thác hai bên bờ lại giống nhau. Nếu coi không gian của đô thị cũ như một ngôi nhà, phía sông Hồng như là sân nhà, không nên xây dựng nhà cao tầng ở phía nam sông Hồng. Ông Hùng lưu ý, khi làm quy hoạch cần nhớ đến khu hạn chế phát triển với tâm là Hồ Gươm. Phía nam cần được khai thác chủ yếu theo hướng lịch sử, văn hóa, hạn chế xây dựng công trình cao tầng, hiện đại. Trước khi đến sông Hồng không nên có công trình cao chắn lại. Quy hoạch sông Hồng, đòi hỏi sự tinh tế, cân nhắc về văn hóa - lịch sử - môi trường nhiều hơn nữa nhằm tạo bản sắc riêng gắn với đô thị cũ.

 

Sự quan hệ của quy hoạch này với khu vực Hồ Tây cũng rất được quan tâm. KTS Trần Đức Hợp, giảng viên trường ĐH Kiến trúc cho rằng, vùng nhậy cảm nhất là khu vực gần Hồ Tây. Theo đồ án có rất nhiều nhà cao tầng ở khu vực này, cần tính toán độ cao vừa phải. GS Trần Hùng cũng nhận định, không gian sông Hồng và hồ Tây cần được nhìn nhận theo một thể thống nhất, không nên ngăn cách. “Cần nhìn nhận cho rõ sông Hồng là gì với Hà Nội. Sự ngăn cách giữa đô thị với bờ sông, không cẩn thận sẽ thành bức tường chắn” - KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN nói.

 

Cần cái nhìn mới

 

Cơ hội để quy hoạch lại hai bên bờ tả, hữu sông Hồng đang được mở ra khi tuyến thoát lũ được phê duyệt và sự ra đời của Luật Đê điều. Tuy nhiên, một cơ hội lớn nữa không thể không tính đến, đó là việc địa giới hành chính thành phố được mở rộng. Địa giới mới, quy mô của một thủ đô lớn có diện tích đứng thứ 17 trên thế giới, chắc chắn sẽ tác động đến cách làm, điều kiện làm những đồ án quy hoạch mới. Sức ép do thiếu đất đai để phát triển đô thị không còn là bài toán khó cho các nhà quy hoạch. Liên quan đến việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô, ông Chiến cho biết, dự án này vẫn nghiên cứu song song với đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội, tất nhiên là có sự lồng ghép bảo đảm phù hợp. Còn việc có kéo dài vượt khỏi phạm vi nghiên cứu 40 km (đoạn qua Hà Nội cũ) hay không, chúng tôi sẽ trao đổi với tư vấn nước ngoài và báo cáo UBND thành phố.

 

TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc có cái nhìn sắc sảo của người đã nhiều năm lăn lộn với công tác quy hoạch Hà Nội. Ông băn khoăn, liệu khu vực hai bên bờ sông có trở thành một đô thị thân thiện, có bằng được các đô thị hiện nay của Hà Nội đang kêu “oai oái” vì thiếu cây xanh, khi mà dự kiến dân số của khu vực này lên tới 40 vạn người (?).

Ý kiến của KTS Trần Văn Khơm, nguyên Chủ nhiệm khoa Kiến trúc Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng gợi mở một hướng đi trong điều kiện mới - địa giới của thành phố đã được mở rộng. Ông Khơm cho rằng, việc xây dựng thành phố ven sông Hồng không còn tính thời sự vì Hà Nội đã mở rộng. Nên nghiên cứu sông Hồng và hai bên sông thành một khu vực công  viên sinh thái, bền vững bậc nhất thế giới. Ông Khơm cho rằng, khó có thành phố nào có được “ưu đãi” này. Khai thác khu vực mới sáp nhập để phát triển đô thị là giải pháp tốt hơn.

 

Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc cho biết, các ý kiến đóng góp sẽ được Tổ công tác Hà Nội - Xơ Un tổng hợp, bổ sung để hoàn thiện đồ án trước khi báo cáo xin ý kiến bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ. 

Theo KTĐT

  • 0
  • By Admin
  • 11/08/2008
  • 17