Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô: Nên đưa ra nhiều kịch bản phát triển
![]() |
Ảnh: Duy Tường |
Về phạm vi nghiên cứu quy hoạch, TP Hà Nội cho rằng, theo nguyên tắc mở rộng địa giới hành chính để giải quyết tốt nhất các vấn đề cơ bản về phát triển kinh tế và giảm tải cho thành phố trung tâm. Phạm vi nghiên cứu rộng hơn, tổng quát hơn đã được Quy hoạch Vùng Thủ đô nghiên cứu, trong đó, thành phố Hà Nội bao gồm cả phần diện tích đã mở rộng và một số tỉnh lân cận được xác định khá rõ nét về các chức năng và nhiệm vụ cho từng khu vực, từng đô thị trên cơ sở xem xét có mang tính chiến lược cho cả Vùng Thủ đô trong tương lai xa, với tầm nhìn đến năm 2050.
Vì vậy phạm vi nghiên cứu Quy hoạch chung lần này nên giới hạn trong không gian hành chính của Thủ đô hiện nay và có tính đến một số đô thị nằm kề sát như Phúc Yên, Xuân Hòa - Vĩnh Phúc, Từ Sơn - Bắc Ninh, Văn Giang, Như Quỳnh - Hưng Yên… vì những đô thị này tuy không nằm trong địa giới hành chính của thành phố Hà Nội nhưng có mối quan hệ tương hỗ và có ảnh hưởng trực tiếp đến không gian chung của Hà Nội. Cụ thể hóa thêm một bước Quy hoạch Vùng Thủ đô, xác định quy mô dân số và đất đai cho đô thị trung tâmvà các đô thị xung quanh cũng như hệ thống các công trình hạ tầng diện rộng như: nghĩa trang tập trung, khu chôn lấp và xử lý chất thải rắn, nước thải, cung cấp nước sạch… Vành đai xanh sinh thái kết nối với các khu vực bảo tồn thiên nhiên và các công trình di tích lịch sử, văn hóa, du lịch, nghỉ dưỡng xung quanh thành phố trung tâm, đảm bảo cho thành phố trung tâm phát triển ổn định, bền vững.
Đồ án lần này nên tập trung nghiên cứu vào thành phố trung tâm với tầm vóc mới. Đồng thời xác định rõ các vùng chức năng chính của thủ đô như hành chính, quan hệ quốc tế, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch, nghỉ dưỡng… gắn với làng nghề, điểm dân cư nông thôn và vùng phát triển nông nghiệp ổn định. Trên cơ sở định hướng của Quy hoạch Vùng Thủ đô đã duyệt, quy hoạch chung lần này cần làm rõ các nội dung cơ bản về động lực phát triển, hướng phát triển, tính chất đô thị, mô hình tổ chức không gian, quy mô dân số, đất đai, tiêu chuẩn đất đô thị, vành đai đầu mối giao thông (đối nội, đối ngoại). Chọn hướng phát triển chủ yếu xác định vành đai xanh cho thành phố trung tâm, phân bổ cơ sở sản xuất, hệ thống các trường đào tạo, các trung tâm y tế lớn, khai thác các lợi thế tự nhiên, trục cảnh quan sông Hồng. Xác định các khu vực đặc thù và khu vực làng nghề để kiểm soát phát triển, các khu cây xanh nghỉ dưỡng, xác định các hệ thống và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật (khu xử lý rác thải, nước thải, nghĩa trang, cấp nước sạch…) theo hướng xã hội hóa.
Tổ chức thực hiện là vấn đề được nhiều chuyên gia đặc biệt quan tâm. Theo quan điểm của TP Hà Nội, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa tư vấn chính, tư vấn phụ, giữa Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành Trung ương, để việc nghiên cứu đáp ứng được yêu cầu của Nhà nước, có hiệu quả. Đối với tư vấn chính, ngay từ khi lập nhiệm vụ quy hoạch cũng nên giao cho chuyên gia tư vấn nước ngoài nghiên cứu đề xuất và đưa ra nhiều mô hình, nhiều khả năng, nhiều kịch bản phát triển để chúng ta xem xét lựa chọn những gì là phù hợp. Trên cơ sở đó sẽ triển khai nghiên cứu sâu hơn trong giai đoạn lập đồ án sau này. Đối với chuyên gia phía Việt Nam, xác định rõ trách nhiệm cung cấp tư liệu, tài liệu, số liệu đầy đủ, độ tin cậy cao làm cơ sở phục vụ nghiên cứu quy hoạch tốt nhất.
Theo KTĐT
- 0
- By Admin
- 05/12/2008
- 17