Quy hoạch chung Thủ đô cần rất nhiều sự nỗ lực của nhiều phía
Tuy nhiên để Đồ án Quy hoạch này đi vào những việc làm cụ thể, còn cần rất nhiều sự nỗ lực của nhiều phía.Đặc biệt là việc rà soát xử lý các dự án nằm trong vùng "hạn chế" xây dựng, vốn để hiện thực hóa Quy hoạch… Phóng viên Pháp luật& Xã hội ghi lại các ý kiến của một số chuyên gia
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn chỉ đạo trực tiếp trong suốt quá trình xây dựng đồ án:
Một trong những nội dung của đồ án được dư luận quan tâm là trục Hồ Tây - Ba Vì. Trục Hồ Tây - Ba vì có điểm đầu là đường Hoàng Quốc Việt và điểm cuối là quốc lộ 21. Quy mô mặt cắt thay đổi suốt dọc đường đi. Có chỗ mặt cắt là 100m, có chỗ 70m phụ thuộc vào địa hình và cảnh quan từng khu vực. Hiện nay, theo tôi biết thì chưa có dự án nào dọc hai bên trục Hồ Tây - Ba Vì. Khi có trục đó thì chỉ có lợi cho Hà Nội nói chung, chứ chưa chắc đã có lợi cho các dự án hai bên vì mở đường đến đâu thì chưa ai biết được.Hơn nữa, việc quyết trục Hồ Tây - Ba Vì không chỉ riêng Chính phủ quyết mà đã được đưa ra họp bàn tại rất nhiều hội nghị, sau đó mới đi đến quyết định xây dựng trục này là cần thiết cho giao thông Hà Nội và phát triển kinh tế cho khu vực phía Tây. Trước hết đó là một trục giao thông không phải chỉ để đi đến vùng chân núi Ba Vì. Khi vẽ ra một con đường là để phục vụ giao thông, đi lại chứ không cứ là để khai thác quỹ đất. Trục Hồ Tây - Ba Vì còn mang ý tưởng tạo ra một trục cảnh quan, tạo điểm nhấn cho đô thị (đoạn đường đôi thẳng trong bản vẽ quy hoạch). Tôi cũng nói thêm rằng, trong quy hoạch phân khu tới đây cũng không vẽ chi tiết mặt cắt chung trục Hồ Tây - Ba Vì mà chỉ định hướng cho trục. Chúng ta cũng không ấn định thời gian cụ thể triển khai trục này.
Sa bàn thể hiện sự phát triển của Hà Nội trong tương lai |
Ông Park Kyong Soo, Đại diện pháp lý, Phó tổng Giám đốc Cty Posco E&C- một trong ba liên danh tư vấn PPJ:
Từ khi nhen nhóm ý tưởng dự án này, chúng tôi là một trong 12 nhóm nhà tư vấn nước ngoài cùng đề xuất một mô hình không gian Hà Nội với 40% là diện tích phát triển và 60% là diện tích bảo tồn. Hiện tại, đến kết quả ngày hôm nay là 30% là diện tích phát triển và 70% là diện tích bảo tồn. Và trong đó ý tưởng quan trọng nhất là hành lang xanh vẫn được gìn giữ để bảo tồn giá trị thiên nhiên của Hà Nội.Quy hoạch chung này đã đưa ra một định hướng lớn cho sự phát triển của Hà Nội sau này, gồm 70% diện tích bảo tồn và 30% diện tích phát triển, tập trung vào việc ưu tiên cho diện tích 30%, tránh hiện tượng phát triển không theo định hướng, đầu tư dàn trải.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội:
Cái khó của Hà Nội hiện nay là Luật Thủ đô chưa được Quốc Hội thông qua do vậy Hà Nội chưa có được cơ chế đặc thù trong việc huy động nguồn vốn. Hơn nữa, chúng ta lại chưa có Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Trong bối cảnh hàng loạt dự án chiếm đất lúa xuất hiện tại vùng ven thời gian qua do phát triển đô thị quá nóng đã khiến quỹ đất ngày càng cạn kiệt. Vì thế không còn cách nào khác, việc điều chỉnh theo quy hoạch, thu hồi các dự án không đủ điều kiện để lấy lại quỹ đất này là điều phải tính đến. Các dự án này chiếm 65.000 ha đất - gần 70% đất phát triển đô thị của 20 năm sau, nên rõ ràng phải rà soát lại theo tiêu chí mà Hà Nội đã đưa ra. Tuy nhiên bây giờ chúng ta mới công bố quy hoạch chung. Sau đó mới triển khai quy hoạch 1/2000. Từ đó mới xem xét, rà soát lại lần nữa gần 800 đồ án, dự án.Đây rõ ràng là công việc cực kỳ khó khăn, tác động đến thị trường BĐS cũng như tốc độ phát triển kinh tế xã hội. Để làm được cụ thể thì còn mệt lắm. Tiếp sau Quy hoạch chung này chúng ta phải hoàn thiện cơ sở pháp lý về quy hoạch, đó là điều lệ, quy chế quản lý của toàn TP, của từng khu vực. Ở đây đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhiều ngành khoa học nếu không sẽ vấp váp, khó tháo gỡ và dẫn đến thất bại.
(Theo PLXH)
- 0
- By Admin
- 02/08/2011
- 17