• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Quy hoạch chung Hà Nội: Cần áp dụng phương pháp nghiên cứu đồng bộ

Khu chung cư Mỹ Đình. Ảnh: Trung Kiên.


Không nên “trói” tư vấn


Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội Đỗ Viết Chiến cho rằng, khi đã mời tư vấn nước ngoài tham gia nghiên cứu lập đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội ngay từ đầu thì cơ quan quản lý chỉ nên giao “đầu bài”, để tư vấn đưa ra ý tưởng, chứ không nên “trói” tư vấn vào các ý tưởng đã được lập sẵn.

Vì khi nghiên cứu, hơn ai hết, tư vấn sẽ thấy yêu cầu cần giữ gì phát triển chỗ nào thì phù hợp... Tương tự, kiến trúc sư (KTS) Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng không nên “trói” tư vấn về thời gian nghiên cứu, hoàn thành đồ án.

Là người từng tham gia nghiên cứu quy hoạch Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998, ông Nghiêm nói: Lúc đó, quy mô Hà Nội còn nhỏ mà thời gian nghiên cứu quy hoạch mất vài năm, còn bây giờ Thủ đô đã được mở rộng lớn gấp mấy lần, vào loại lớn nhất thế giới, nếu buộc phải hoàn thành đồ án quy hoạch vào năm 2010, e rằng tư vấn sẽ không đủ thời gian nghiên cứu đầy đủ.

Đại diện cho tư vấn nước ngoài (gồm Công ty Perkin Eastman - Mỹ, Công ty Jina và Posco E&C - Hàn Quốc) ông Do Yeon Kim cũng đồng tình với đánh giá nếu nhiệm vụ quá chi tiết sẽ hạn chế sự sáng tạo của tư vấn để đưa ra phương án quy hoạch tốt nhất cho Hà Nội.

Nhưng, không thể thiếu định hướng

Theo các nhà chuyên môn, mặc dù không nên “trói” tư vấn, song “đề bài” phải làm rõ các cơ sở khoa học cũng như những định hướng phát triển để nghiên cứu. KTS Nguyễn Hồng Thục nói, kinh nghiệm của tư vấn nước ngoài là rất quý nhưng nếu như quy hoạch mà xa lạ thì lại khó đi vào cuộc sống.

Ông Do Yeon Kim cũng thừa nhận, tư vấn dù có nghiên cứu về văn hóa, con người Hà Nội nhưng như vậy vẫn còn giới hạn nên sẵn sàng lắng nghe và mong có được sự hợp tác của các chuyên gia trong nước.

Điều mà các nhà chuyên môn băn khoăn là hiện nay còn thiếu nhiều cơ sở khoa học để đưa ra “đầu bài”. Tại hội thảo lấy ý kiến cho nhiệm vụ quy hoạch chung Hà Nội, ông Đỗ Viết Chiến đặt câu hỏi: Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội làm nền tảng và dẫn hướng cho tổ chức không gian đã có chưa? Phạm vi phát triển thành phố trung tâm đến đâu? Quy mô dân số ra sao?

Theo ông Chiến, để tư vấn có thể xác định được ranh giới không gian, rất cần có luận cứ khoa học về quy mô dân số, đất đai cho tư vấn nghiên cứu. Trong khi đó, những gì được đưa ra mới chỉ dừng ở thống kê hiện trạng mà chưa có tiêu chí phát triển.

Ngay như thông tin giữa các quy hoạch (chẳng hạn việc xác định đường Vành đai IV giữa quy hoạch Vùng Thủ đô và quy hoạch giao thông Hà Nội) vẫn còn “vênh” nhau, sẽ là những khó khăn khi nghiên cứu đồ án quy hoạch chung Hà Nội.

KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng lưu ý Nghị quyết 15 và Pháp lệnh Thủ đô vốn là “đầu bài” cho quy hoạch Hà Nội đến năm 2010, nhưng nay Hà Nội đã mở rộng với diện tích, quy mô khác hẳn nên cần phải có “đầu bài” mới.

KTS Đào Ngọc Thức, người đã tham gia đồ án quy hoạch chung Hà Nội phê duyệt năm 1998 cho rằng, xu thế, khuynh hướng làm quy hoạch hiện nay là “tổng thể, đa ngành”, nhưng quy hoạch của ta chưa thực hiện được, quản lý ngành và quản lý lãnh thổ chưa gặp nhau.

Đồng tình với ý kiến này, đại diện Bộ Công thương cho rằng dự thảo nhiệm vụ quy hoạch chung Hà Nội không có dòng nào, chữ nào về hạ tầng thương mại. Nếu thiếu kho tàng, bến bãi thì không thể phát triển được thương mại. Hà Nội cần có không gian riêng cho thương mại, không thể kinh doanh kiểu “hàng xén” trong một đô thị hiện đại.

Thực tế, việc sáp nhập thêm tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) chính là một đặc thù cơ bản khi thiết kế quy hoạch.

So với trước đây, diện tích thành phố đã tăng gấp ba lần, kéo theo nhiều sự biến động về kinh tế, xã hội, văn hóa… trong khi chính Hà Nội đang gặp phải nhiều vấn đề như sự phát triển quá tải, thiếu kiểm soát; quá trình xây dựng còn thiếu quy hoạch tổng thể lớn; thiếu các chiến lược và chính sách kiểm soát...

Vì vậy, các nhà chuyên môn đề nghị nên áp dụng phương pháp nghiên cứu đồng bộ từ lập đồ án quy hoạch đến việc thực hiện và quản lý quy hoạch, một phương pháp đang được nhiều nước trên thế giới thực hiện hiệu quả.
Theo Hà Nội Mới
  • 185
  • By Admin
  • 12/11/2008
  • 17