Quy hoạch Tp.HCM: Phát triển đô thị ra bốn hướng
Mô hình Khu công nghệ cao quận 9, Tp.HCM
Chương trình phát triển nhà ở của Tp.HCM, từ năm 2010 các khu phố cũ trung tâm sẽ được chỉnh trang và xây mới, chuyển đổi mô hình từ nhà thấp sang nhà cao tầng hiện đại; giảm dân số, giảm mật độ xây dựng, tăng tầng cao công trình, tăng công viên cây xanh... Cụ thể một số khu dân cư, chung cư ở quận 1, 3 sẽ sớm được quy hoạch thành các khu chung cư cao tầng hiện đại có chức năng hỗn hợp. Những khu dân cư này, người dân đang sống trong điều kiện hết sức khó khăn, nhà cửa xuống cấp trầm trọng cần phải di dời và xây mới.Đối với các khu vực khác gồm các quận: 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân sẽ tập trung phát triển các khu đô thị mới có quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạn chế phát triển các dự án quy mô nhỏ và không phát triển các dự án phân lô hộ lẻ.
Hướng Nam với trọng tâm là khu Nam Sài Gòn với diện tích 3.000ha (Huyện Bình Tân, Huyện Bình Chánh, quận 7, 8). Phát triển các loại hình nhà ở cao cấp hiện đại hoàn chỉnh thuộc khu Nam Sài Gòn và một số dự án khu dân cư mới ở quận 7.Hướng tây bắc, trọng tâm là khu đô thị tây bắc – Củ Chi với quy mô 6.000ha và một số khu dân cư quận 12, Bình Tân, Bình Chánh gắn với các khu công nghiệp tập trung như Sing – Việt (Bình Chánh) khoảng 300ha.
Khu vực ngoại thành gồm năm huyện ngoại thành: Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ tập trung phát triển các thị trấn, khu dân cư nông thôn và các đô thị vệ tinh, hạn chế phát triển tràn lan, giữ lại quỹ đất dự trữ, công viên rừng cây xanh lớn của thành phố như Cần Giờ; phát triển nhà ở thấp tầng và khu nghỉ dưỡng.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, Tp.HCM |
Theo Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải, đô thị Tp.HCM đang quá tải, người Pháp quy hoạch Sài Gòn chỉ cho 400.000 người, hiện nay tăng hơn 10 lần. Năm 2010, dân số Tp.HCM khoảng 7,2 triệu người thường trú; trong đó sống trong các khu đô thị khoảng 6,32 triệu người. Và đến năm 2015, dân số khoảng 8,2 triệu người; trong đó dân số sống trong các khu đô thị khoảng 7,5 triệu người.
Vai trò quy hoạch của thành phố không theo kịp sự bùng phát các khu đô thị, dẫn đến tình trạng những khu đô thị chắp vá, manh mún thiếu tính hệ thống đi kèm như điện, nước, giao thông, các cơ sở trường học... Đặc biệt là không quy hoạch cốt nền hoàn chỉnh dẫn đến thảm hoạ ngập lụt toàn thành phố trong nhiều năm qua chưa giải quyết nổi.
Bản điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Tp.HCM đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2010 xác định rất rõ mô hình phát triển của TP: tập trung-đa cực. Trong đó, khu vực trung tâm là khu vực nội thành hiện hữu với bán kính 15km và 4 cực phát triển theo hướng Đông, Nam, Tây-Bắc, Tây-Nam.
(Theo PL&XH)
- 123
- By Admin
- 16/10/2010
- 17