Quy hoạch Tp.HCM: Cần tránh trở thành siêu đô thị
Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế miền Nam, về vấn đề này.Để TP phát triển bài bản và bền vững, theo tôi cần phải tuân thủ theo năm bước cơ bản sau: Trước hết, TP cần có một triết lý phát triển rõ ràng, theo đó sẽ xây dựng một TP công nghệ cao, một trung tâm thương mại-dịch vụ, một “hòn ngọc phương Đông” hay đô thị sông nước?… Thứ hai, phải có một chiến lược để thực hiện triết lý (ý tưởng) đó, bao gồm nguồn lực, lộ trình, phương thức đầu tư… Bước thứ ba là xây dựng quy hoạch tổng thể quy định giới hạn không gian đô thị, dân số, mật độ cư trú, trên cơ sở đó để quy hoạch các khu chức năng rõ ràng. Bước thứ tư sẽ quy hoạch chi tiết các khu chức năng đó, đến bước cuối cùng mới tiến hành thiết kế và xây dựng.
Một góc khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Ảnh: HTD |
Không thể “tư nhân hóa” quy hoạch tổng thể
Năm bước cơ bản nêu trên nếu bị đảo ngược một khâu nào đó cũng sẽ dẫn đến sự phá vỡ cả quy trình. Điều này thể hiện rất rõ tại TP.HCM khi khâu quy hoạch chi tiết (cấp quận) đi trước, khâu quy hoạch tổng thể đi sau nên không hình thành được các khu chức năng hợp lý. Các khâu từ triết lý (ý tưởng), chiến lược phát triển đến quy hoạch tổng thể đều thuộc chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của chính quyền TP. Tuy nhiên, do còn phải tuân theo chỉ đạo quy hoạch cả nước của Chính phủ nên các bước này chỉ có thể “xã hội hóa” bằng cách lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia thuộc nhiều ngành khoa học, đồng thời trưng cầu ý kiến nhân dân TP. Chính quyền TP có nhiệm vụ phải lựa chọn giải pháp tối ưu nhất và chịu trách nhiệm.Như đã nói, cả ba khâu vừa nêu không thể “tư nhân hóa” vì mục tiêu của các nhà đầu tư là thu lợi nhuận nhanh. Họ không phải chịu trách nhiệm về chiến lược phát triển lâu dài và không được biết các yêu cầu quy hoạch có liên quan đến quốc phòng, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, dân tộc… Còn từ khâu quy hoạch chi tiết đến thiết kế và xây dựng có thể mở rộng theo cơ chế đấu thầu và có hội đồng TP lựa chọn.
Những vấn đề nêu trên là lý luận cơ bản, trong khi Tp.HCM đã có lịch sử hình thành hơn 300 năm nên không thể “quy hoạch lại từ đầu” mà phải kế thừa những gì đã có, cải tạo và phát triển theo những mục tiêu mới. Tuy nhiên, từ sau ngày giải phóng đến nay, TP gần như không có quy hoạch tổng thể các mặt đời sống kinh tế, xã hội đô thị mà chỉ là các bản quy hoạch của các quận, huyện được ghép lại nên rất nhiều chỗ “vênh và thiếu”. Đây là điều không tránh khỏi vì quận, huyện nào cũng phải quy hoạch theo sự chỉ đạo là “phát triển nhanh và toàn diện” nên các hạng mục thường giống nhau. Khi ghép lại thành tấm bản đồ quy hoạch lớn toàn TP mới lộ ra những chỗ thừa và chỗ thiếu.
Cần tránh trở thành “siêu đô thị”
Rõ ràng, việc sửa chữa những sai sót trong quy hoạch vừa qua là vấn đề rất nan giải và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Vấn đề đặt ra cho TP của chúng ta ngày nay không thể là “quy hoạch lại” theo bài bản mà là ngăn chặn thật nhanh quá trình đô thị hóa tự phát đang lan ra các vùng nông thôn ngoại thành. TP nên xác định giới hạn rõ ràng phần không gian đô thị và nông thôn, tỉ lệ hai vùng bao nhiêu là phù hợp? Xác định giới hạn dân số và mật độ cư trú tương ứng với không gian từng vùng. Trên cơ sở đó tiến hành quy hoạch tổng thể trên ba mặt: Một là chỉnh trang, điều chỉnh để hình thành những khu chức năng rõ hơn; hai là quy hoạch phát triển những khu mới để hình thành các trung tâm mới nhằm giảm áp lực cho các trung tâm cũ; ba là quy hoạch kết nối các trung tâm cũ và mới.Xu hướng phát triển đô thị ngày nay trên thế giới là tránh trở thành “siêu đô thị”. vì dân số và mật độ cư trú quá cao sẽ dẫn đến sự “quá tải” về nhiều mặt như giao thông, ô nhiễm rác thải, phòng dịch và chữa bệnh, phòng chống tệ nạn và tội phạm… Do vậy, nếu TP muốn hướng đến con số 10 triệu dân thì phải tính không gian cần mở rộng bao nhiêu để đủ sức chứa, đã có các biện pháp kinh tế, kỹ thuật đủ sức khắc phục các hiện tượng quá tải chưa?… Đó là hàng loạt các vấn đề cần phải tiến hành nghiên cứu đa ngành. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp trả lời các câu hỏi về những gì có thể làm được và những gì không thể hoặc không nên làm trong quá trình phát triển đô thị.
TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN
(Theo PLTPHCM)
- 138
- By Admin
- 23/02/2011
- 17