• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Quy hoạch Thủ đô và những vướng mắc cần giải quyết

Nội dung thảo luận của Ban chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU về "Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015" mới đây cho thấy, dù đem lại nhiều thành quả từ đầu năm đến nay, nhưng các lĩnh vực chủ chốt của chương trình đang tồn tại nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Nhà đầu tư quy hoạch Thủ đô đang... "chạy đi, chạy lại"

Đánh giá về kết quả thực hiện, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06 cho biết, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" đến nay, thành phố đã triển khai quyết liệt công tác quy hoạch. Một khối lượng lớn các loại quy hoạch đã được triển khai, nhiều quy hoạch được phê duyệt đã tạo điều kiện thu hút đầu tư, nhất là lĩnh vực hạ tầng đô thị.

Tuy nhiên, quy hoạch vẫn là lĩnh vực còn nhiều hạn chế. Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, số quy hoạch được phê duyệt còn chưa nhiều. Trong khi tiến độ hoàn thành các đồ án quy hoạch chậm, chất lượng quy hoạch chưa cao, việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết quá nhiều. Những hạn chế này ảnh hưởng xấu tới phát triển kinh tế - xã hội và môi trường đầu tư của thành phố.

quy hoạch thủ đô
Để thực hiện quy hoạch Thủ đô tốt hơn, Hà Nội đã huy động nguồn lực xây dựng nhiều
nhà ở cho công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội

Trong quá trình thực hiện các đồ án quy hoạch, sự phối hợp giữa các cơ quan thành phố còn yếu, thậm chí còn có tình trạng "chia cắt", "đá đi, đá lại" giữa các cơ quan lập và thẩm định quy hoạch. Theo Sở KH-ĐT, thành phố đã giao cho các nhà đầu tư lập quy hoạch 23 cụm chung cư cũ, nhưng đều không làm được. Việc cần làm hiện nay là phải rà soát lại để giao cho các cơ quan nhà nước thực hiện.

Phản ánh vướng mắc liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Phùng Thị Hồng Hà cho biết: "Quy hoạch chung thị trấn Kim Bài đã được thành phố phê duyệt từ hai tháng trước, nhưng đến nay huyện vẫn không nhận được bản vẽ quy hoạch để công bố cho người dân. Huyện không biết khi nào mới được bàn giao". Chủ tịch UBND thành phố đã dùng từ "trì trệ" để đánh giá về việc triển khai, cung cấp thông tin quy hoạch hiện nay. "Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố thấp chính là vì khâu giới thiệu địa điểm phức tạp, Sở QH-KT cứ để người ta chạy đi, chạy lại" - Chủ tịch UBND thành phố nói.

Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06 yêu cầu Sở QH-KT phải tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch, nhất là sự trì trệ trong việc cung cấp thông tin quy hoạch, giới thiệu địa điểm, không tái diễn việc trình văn bản xin ý kiến UBND thành phố đối với những việc nằm trong thẩm quyền của mình. Các ngành, các cấp liên quan tập trung nâng cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, hoàn thành dứt điểm quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thiết kế đô thị, đặc biệt là phải hoàn thành ngay cơ chế quản lý quy hoạch.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế quy hoạch Thủ đô

Trong điều kiện khó khăn, thành phố đã huy động nguồn lực không nhỏ phục vụ đầu tư xây dựng. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã xây dựng mới 3,2 triệu mét vuông sàn, tương đương với trên 25.000 căn hộ bao gồm nhà ở thương mại, nhà ở cho công nhân, nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội... 8/37 dự án trọng điểm đã được đưa vào sử dụng. Tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thoát nước tiếp tục được cải thiện. Thành phố đã ban hành quy chuẩn thiết kế, xây dựng hè đường; tiến hành bó dây, cắt dây viễn thông không còn sử dụng trên hàng chục tuyến phố... "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014" đã có tác động tích cực.

Bên cạnh kết quả đó, các thành viên Ban chỉ đạo cũng đã chỉ ra hàng loạt vướng mắc, nhất là về cơ chế thu hút đầu tư, cơ chế quản lý xây dựng, đô thị. Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Doãn Toản cho biết, với quy hoạch hiện tại, để thực hiện dự án cải tạo khu chung cư cũ Nguyễn Công Trứ, nhà đầu tư phải bù lỗ khoảng 1.800 đến 2.000 tỷ đồng. Để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện dự án, thành phố phải bố trí đối ứng hoàn trả cho chủ đầu tư số tiền đó, có thể là cấp đất làm một khu đô thị ở vị trí khác.

Cho rằng cơ chế như vậy khó khả thi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng nêu ý kiến: Nếu như vậy, thành phố nên bán đất khu đô thị và tự cải tạo khu chung cư cũ Nguyễn Công Trứ. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng, cần phải xây dựng cơ chế chung để làm cơ sở cải tạo trên 1.000 nhà chung cư cũ. Vì với cơ chế hiện nay, các nhà đầu tư chỉ chọn những vị trí đắc địa để đầu tư, còn những nhà chung cư cũ ở vị trí không thuận lợi sẽ không thể cải tạo. Về điều này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho biết, đây là lý do thành phố đang đề nghị Chính phủ cho phép tăng tầng trong các dự án cải tạo nhà chung cư cũ.

Ngoài cơ chế cải tạo chung cư cũ, việc chưa ban hành các cơ chế xã hội hóa lĩnh vực cấp nước, xã hội hóa loại hình nhà tái định cư cũng đang cản trở thu hút đầu tư. Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06 của Thành ủy yêu cầu, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng phải tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là cơ chế phân cấp. Sở KH-ĐT phải chủ động tạo ra cơ chế xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, không nên nghĩ tới việc dùng tiền ngân sách để đầu tư. Các ngành, các cấp phải tăng cường cải cách hành chính, không để thủ tục hành chính phức tạp cản trở thu hút đầu tư, xây dựng.

  • 198
  • By Admin
  • 04/09/2014
  • 17