Quy hoạch Thủ đô không bó hẹp trong địa giới hành chính
Theo ông Thảo, hàng loạt các vấn đề yếu kém của đô thị đã nảy sinh liên quan đến công tác quy hoạch như: Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị ngày càng gia tăng, quản lý đô thị còn nhiều bất cập, một số dự án chưa hợp lý về quy hoạch, tình trạng ô nhiễm môi trường... rất cần được khắc phục đó là nhiệm vụ nặng nề của Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội (QHXDHN). “Thủ đô Hà Nội đã mở rộng, với diện tích tăng gấp hơn 3 lần, dân số tăng gấp 2 lần (từ 3.145.000 người lên 6.232.940 người) đây cũng là thuận lợi đồng thời là thách thức đối với những người làm công tác quy hoạch. Để Thủ đô Hà Nội đáp ứng yêu cầu là “trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước” - ông Thảo nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ThS.KTS Lã Thị Kim Ngân, tân Viện Trưởng Viện QHXDHN, cho rằng: Công tác quy hoạch (QH) hiện rất cần phải có sự đổi mới về tư duy, phương pháp luận, trình tự lập QH cũng như cách tiếp cận các thành phần cùng tham gia lập QH đô thị. Một việc nữa chúng ta cần quan tâm hơn nữa là công tác thực thi các đồ án QH và quản lý trật tự đô thị. “Chúng tôi mong muốn các đồ án QH đô thị sẽ thực sự đi vào cuộc sống và tiếp cận được với nền kinh tế thị trường, đặc biệt là Thủ đô sẽ tạo được những nguồn lực thực hiện QH và phát triển đô thị” - bà Ngân nói.
Về những vấn đề mà người dân và nhà đầu tư thắc mắc về quy hoạch thì họ có thể tìm đến Viện hay không, bà Ngân trả lời: “Trong phạm vi các đồ án mà Viện QHXD tham gia, chúng tôi sẽ trả lời những thắc mắc của nhà đầu tư và người dân cũng như các tổ chức phát triển đô thị trong quá trình phát triển Thủ đô và trong phạm vi các dự án mà Viện thực hiện”.
Phát biểu với đội ngũ những người làm quy hoạch của Viện QHXDHN trong ngày ra mắt cuối tuần qua Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính nhấn mạnh: Quy hoạch Thủ đô không thể bó hẹp trong địa giới hành chính mà phải liên hệ với các tỉnh thành xung quanh, với vùng Hà Nội và rộng hơn là với cả nước cũng như quốc tế. Viện cần đẩy mạnh quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị, đặc biệt là 2 viện thuộc 2 vùng trọng điểm miền Trung và miền Nam (Viện QHXD TP.HCM và Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn Đà Nẵng). “Viện QHXDHN phải phấn đấu trở thành Viện đầu ngành và kết nối với các viện khác - Thứ trưởng Chính chỉ đạo - Viện phải mở rộng hướng phát triển ra địa bàn 7 tỉnh xung quanh Hà Nội và phải có tầm nhìn bao quát vùng chứ không chỉ bó hẹp trong địa giới hành chính Thủ đô”.
Với tổng số hơn 80 cán bộ (trong đó 8 người có trình độ trên đại học 61 người có trình độ đại học, 7 người tốt nghiệp trung cấp sơ cấp và 4 nhân viên), là đơn vị đầu ngành thuộc lĩnh vực Quy hoạch - Kiến trúc, ngoài công tác quản lý nhà nước, Viện đã tham gia thiết kế nhiều đồ án quy hoạch xây dựng, lập quy hoạch chi tiết 8/14 quận, huyện của TP Hà Nội, trong đó nhiều đồ án quy hoạch chi tiết được đánh giá cao như: quy hoạch chi tiết Q.Long Biên tỷ lệ 1/2000; Quy hoạch chi tiết Q.Hoàng Mai tỷ lệ 1/2000, Quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Tây Hồ Tây tỷ lệ 1/2000 và 1/500...
- 199
- By Admin
- 11/03/2009
- 17