Quy hoạch Hồ Gươm và phụ cận: Nên làm, dù ai đó có thua thiệt...
Từ ngày 16-18/1 tới, hội đồng giám khảo sẽ họp và các tác giả ý tưởng sẽ trình bày và trả lời chất vấn trực tiếp của hội đồng. Ông Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định, các thành viên hội đồng sẽ lắng nghe qua đó phát hiện ra những đề xuất sáng tạo, chứ không có chuyện "anh nào giống ý tưởng của tôi, tôi chọn".
Các đồ án ít nhất phải đáp ứng 4 tiêu chí cơ bản. Một là: Cách đối xử với khu vực hồ như thế nào, cách tôn trọng cảnh quan, công trình văn hóa lịch sử ra sao. Hai là: Khai thác và sử dụng không gian đó có thích ứng với cuộc sống hiện đại hay không; vì sao giữ hoặc (bỏ) những công trình mà đơn vị thiết kế cho là phù hợp. Ba là: Biết sử dụng không gian đó cho du lịch. Bốn là: Thiết kế giao thông động và giao thông tĩnh.
Cả 9 phương án quy hoạch, thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận đều có những ý tưởng độc đáo, thú vị để tôn thêm giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ vốn có được nâng lên tầm cao mới, xứng với tầm vóc là trái tim của Thủ đô. Nhằm đáp ứng với yêu cầu sinh hoạt văn hóa, nghỉ ngơi, lễ hội và phát triển du lịch cũng như bảo tồn di sản văn hóa - kiến trúc vốn có từ lâu đời, phần lớn các phương án đều mở rộng không gian từ Nhà thờ Lớn đâm thẳng ra Hồ Gươm, gắn với cây đa cổ nhất, đẹp nhất Hà Nội, tạo thành dải cây xanh kéo dài ở phía Tây hồ, tạo sự thông thoáng chung cho khu dân cư phố cổ. Một khu đất nữa cũng được tác động nhiều, đó là khu Điện lực EVN ở phía đông của hồ. Với lô đất này hầu như phương án nào cũng tác động đến, không ít thì nhiều.
Quan điểm của ông Vạn cũng như nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc đều cho rằng, không thể bỏ phí không gian xung quanh Hồ Gươm, song cũng tuyệt đối không thể đối xử thô bạo với không gian đó. Trước hết, phải xác định đây là khu vực có giá trị vô cùng lớn đối với Hà Nội, cả về văn hóa, lịch sử, kiến trúc hay khai thác cảnh quan. Hiếm có đô thị nào trên thế giới có vật báu như vậy. Chính vì thế, để bảo vệ, bảo tồn và phát huy được các giá trị nói trên cho cộng đồng, phải chọn ra được những ý tưởng quy hoạch tốt nhất, những giải pháp khả thi nhất, cũng như đảm bảo khả năng khai thác chặt chẽ nhất. Đặc biệt, phải đảm bảo để không một ai còn xâm hại hay làm mai một được cảnh quan của Hồ Gươm cũng như gây lãng phí quỹ đất ở khu vực này. Không ít người vẫn quan niệm là cơ quan nào quan trọng sẽ được bố trí ở những vị trí đẹp. Song trong quản lý đô thị ngày nay, quan niệm đó đã lỗi thời. Vị trí đẹp nhất phải được dành cho cộng đồng.
"Hồ Gươm là vốn quý, nếu bỏ trống thì quá vô lý. Thử tưởng tượng ban đêm quanh hồ tối đen, không ánh đèn thì còn ra sao. Vấn đề là khai thác thế nào, sử dụng ra sao cho phù hợp với nhu cầu của cộng đồng, đặt lợi ích cộng đồng lên vị trí cao nhất. Đặc biệt, tuyệt đối không được can thiệp thô bạo vào không gian Hồ Gươm" - ông Vạn nói. Sau triển lãm cho nhân dân, chuyên gia góp ý, hội đồng sẽ họp để chất vấn, xem xét các ý tưởng quy hoạch, chọn ra được ý tưởng tốt nhất. Từ đồ án này, thành phố sẽ xem xét phê duyệt quy hoạch Hồ Gươm và phụ cận. Trong đó, sẽ làm rõ việc phải ứng xử với không gian Hồ Gươm ra sao để thích ứng với tình hình hiện tại.
Liên quan đến vấn đề khá nhậy cảm, đó là xem xét lại những dự án, công trình vi phạm trước đây, ông Vạn cho biết: Đúng là bờ hồ hiện đang bị "bao vây" bởi các công trình. Các ý tưởng mới đều muốn mở ra không gian mới thoáng đãng, rộng rãi hơn. Ít có cuộc cải cách nào mà không gây ra đau đớn. Có thể có ai đó sẽ có chút thua thiệt song nếu đem lại lợi ích tối đa cho số đông thì đó cũng là việc nên làm.
Theo KTĐT
- 0
- By Admin
- 14/01/2009
- 17