Quy hoạch Hà Nội sẽ theo hướng có một Thủ đô đậm bản sắc riêng
Xin ông cho biết, sau khi mở rộng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội có hoạt động theo mô hình Kiến trúc sư trưởng Thành phố như trước đây không?
Thành phố đã có sự nghiên cứu và đến nay khẳng định, Sở Quy hoạch Kiến trúc vẫn giữ nguyên mô hình, nhiệm vụ, chức năng như hiện tại, thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc. Đã có một số ý kiến đề nghị thiết lập lại chế độ kiến trúc sư trưởng và các ý kiến này cũng đã được thể hiện trong một số văn bản. Tuy nhiên, về mặt chuyên môn, mô hình kiến trúc sư trưởng theo đề xuất mới có nội hàm hoàn toán khác với mô hình đã áp dụng trước đây. Kiến trúc sư trưởng theo đề xuất mới chỉ giữ vai trò tham mưu, tư vấn về mặt chuyên môn cho các cơ quan lãnh đạo của Thành phố, đặc biệt là chủ tịch UBND Thành phố, chứ không trực tiếp tham gia điều hành quản lý nhà nước.
Được biết, có 3 nhà tư vấn nước ngoài đã được Thành phố lựa chọn qua vòng loại để tham gia xây dựng quy hoạch chung cho Thủ đô. Ông có thể cho biết đó là những nhà tư vấn nào?
Gồm một nhà tư vấn của Hàn Quốc, một nhà tư vấn của Nhật Bản và một nhà tư vấn của Mỹ.
Trước khi Hà Nội mở rộng, ở một số địa phương thuộc các vùng sát nhập về Hà Nội đã có hiện tượng cấp đất vội vàng. Ông có biết điều này và có lo ngại không khi các vùng này đều chưa có quy hoạch?
Nếu nói là chưa có quy hoạch cho các vùng trên thì không đúng vì quy hoạch vùng Thủ đô không chỉ là quy hoạch riêng cho Hà Nội mà còn cho cả 7 tỉnh lân cận, tức là đã bao gồm cả những khu vực đó. Hiện tượng có một số dự án được duyệt một cách vội vã trong thời gian vừa qua thì tôi cũng đã thu nhận được thông tin qua nhiều kênh, kể cả qua báo chí và tình hình thực tế. Tôi cũng đồng ý rằng, những dự án được giải quyết quá gấp gáp và có phần vội vã thì đều không thích hợp. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể đánh giá hết được từng dự án cụ thể, nhưng nếu việc này diễn ra với quy mô lớn thì cần phải được cân nhắc và xem xét lại.
Vậy những dự án đã được cấp mà trái với quy hoạch sau này thì sẽ phải xử lý thế nào, thưa ông?
Trước hết, chúng tôi cần phải tổng hợp tình hình, sau đó tiến hành phân tích, đánh giá. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ báo cáo để xin ý kiến Thành ủy và UBND Thành phố vì những sự việc này đã có trong thực tế, đã trở thành quyết định thì không thể xử lý hấp tấp, mà cần phải được cân nhắc nhiều mặt và việc xử lý cũng không thuộc quyền riêng của một sở.
Khi chưa có quy hoạch, những dự án đã được cấp phép có được tiếp tục thực hiện như bình thường không, thưa ông?
Đó là một trong những nội dung của việc xử lý mà như tôi đã nói là phải có sự cân nhắc thận trọng và báo cáo lên lãnh đạo cấp trên để có định hướng xử lý. Còn theo Chỉ thị 260 của Chính phủ ban hành sau khi có nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội của Quốc hội thì tất cả các dự án, kể cả những dự án đã được cấp trước thời điểm có Chỉ thị 260, đều phải được tổng hợp, phân tích và đánh giá sự phù hợp, sau đó mới quyết định có được triển khai hay không.
Như vậy có nghĩa là các dự án này phải được tạm dừng để chờ kết quả đánh giá?
Hiện Bộ Xây dựng đang làm việc này. Theo tôi biết, các dự án nằm trong diện phải xem xét thì hiện cũng chưa được triển khai trong thực tế.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Tô Anh Tuấn - Ảnh: VnExpress
Các tiêu chí cho quy hoạch chung của Thủ đô của Hà Nội là gì, thưa ông?
Đầu bài về xây dựng quy hoạch chung của Thủ đô đã được công bố ngay khi Thành phố tiến hành mời chào các nhà tư vấn tham gia. Nhà tư vấn được lựa chọn sẽ là nhà tư vấn có kinh nghiệm, tiềm lực, năng lực, được thể hiện qua thực tế các dự án mà họ đã thực hiện cho các thành phố lớn có quy mô ngang với Thành phố Hà Nội. Ba đơn vị tư vấn được tuyển chọn qua vòng 1 đều là những đơn vị tư vấn có năng lực. Tuy nhiên, năng lực này phải được thể hiện thông qua các ý tưởng và các ý tưởng này lại phải khai thác được tối ưu các điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, xã hội của vùng đất Thủ đô, cũng như phản ảnh được các hướng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia. Chỉ khi xem xét ý tưởng bước đầu của các đơn vị trên thì ta mới có thể đánh giá được sự phù hợp của các ý tưởng đó với các tiêu chí quy hoạch của Thủ đô.
Đã có những cảnh báo rằng, chúng ta không nên xây dựng Hà Nội theo bất cứ một mô hình thủ đô nào đã có mà phải xây dựng Hà Nội có bản sắc riêng. Để làm được điều này, theo ông, chúng ta nên đưa ra tiêu chí gì cho các nhà tư vấn?
Một trong những tiêu chí để chúng ta lựa chọn các ý tưởng chính là sự độc đáo của các ý tưởng đó, nghĩa là Hà Nội không thể giống với các đô thị hiện có. Bản sắc Hà Nội đương nhiên phải gắn với lịch sử, văn hóa, điều kiện tự nhiên, con người. Ý tưởng nào khai thác được tối đa các đặc điểm này, đồng thời kết hợp được tốt nhất các kinh nghiệm quốc tế, trình độ, công nghệ quản lý và phát triển đô thị của thế giới thì sẽ được lựa chọn.
Dự án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng có nằm trong quy hoạch chung của Thủ đô không, thưa ông?
Sông Hồng là một bộ phận quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Dự án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng sẽ là một bộ phận cấu thành quan trọng trong quy hoạch chung của Hà Nội. Dự án này sẽ được tiếp nhận, kế thừa, có phân tích, chọn lọc trong điều kiện mới.
Trước đây, quy hoạch hai bên bờ Sông Hồng chỉ giới hạn ở độ dài 40km chảy qua Hà Nội. Giờ Thủ đô được mở rộng thì chúng ta có phải điều chỉnh lại nội hàm của quy hoạch này không?
Sau khi được mở rộng, phạm vi sông Hồng của Hà Nội sẽ không chỉ giới hạn ở 40km đó. Nhiệm vụ nghiên cứu, khai thác sông Hồng đặt ra cho Hà Nội sẽ lớn hơn trước. Tuy nhiên, nhiệm vụ ấy, yêu cầu ấy không nhất thiết đặt hoàn toàn vào dự án sông Hồng. Chúng ta có thể thiết lập thêm các dự án khác. Dự án sông Hồng cũ là ta phối hợp với Seoul (Hàn Quốc) thực hiện nên phải tuân theo những thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên. Còn nếu mở rộng dự án thì cần phải bàn bạc lại. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề sông Hồng với Hà Nội sau khi mở rộng là nhiệm vụ thực tế phải thực hiện, nếu không bằng dự án đã hợp tác với Seoul thì sẽ bằng các dự án khác.
Xin ông cho biết thời điểm hoàn thiện quy hoạch chung Thủ đô?
Đến năm 2010, đúng dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng ta sẽ công bố quy hoạch chung của Hà Nội. Như vậy, giai đoạn nghiên cứu cơ bản cho quy hoạch này sẽ hoàn thành vào năm 2010. Hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì việc nghiên cứu quy hoạch vùng Thủ đô, nhưng Hà Nội cũng phải đóng vai trò tích cực và quan trọng. Lực lượng cán bộ của Hà Tây (cũ) sau khi sáp nhập cũng sẽ được huy động tham gia vào công việc này vì họ nắm rất vững địa bàn mới mở rộng của Hà Nội, mà đây lại chính là điểm yếu của Hà Nội cũ.
Vậy từ nay cho đến khi có quy hoạch chuẩn thì việc quản lý quy hoạch và cấp phép cho các dự án sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Khi chúng ta chưa xác định được ý tưởng chung cho quy hoạch Hà Nội thì chúng ta vẫn thực hiện theo khung quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chúng ta không thể chờ quy hoạch xong rồi mới thực hiện, mà phát triển và quy hoạch luôn đi liền với nhau, nghiên cứu quy hoạch đến đâu thì ứng dụng và cho phép triển khai đến đó đối với những ý tưởng đã chín muồi và đã được phân tích, đánh giá tốt. Mặt khác, sự phát triển trong thực tế cũng lại ảnh hưởng và tác động ngược trở lại quy hoạch.
Ông có cho rằng nhiều nhà đầu tư trong giai đoạn này sẽ gặp rủi ro cao?
Rủi ro thì có thể có nhưng chưa thể khẳng định là nhiều. Nếu gọi là rủi ro ở khía cạnh đầu tư thì có thể xảy ra.
Vậy ông có cảnh báo gì với các nhà đầu tư?
Với tình hình như thế thì các nhà đầu tư nên thận trọng.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hanoimoi
- 214
- By Admin
- 02/08/2008
- 17