Quy hoạch Hà Nội mới: Phát triển Hà Tây (cũ) theo hướng nào?
Quy hoạch Hà Nội mở rộng - một thách thức không nhỏ với lãnh đạo thành phố. |
- Thời tôi là Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội (HN) cũng là lúc địa giới HN mở rộng đến Ba Vì, ý định khi đó phát triển công nghiệp trên Ba Vì, đến giờ tôi vẫn thấy là hợp lý. Ba Vì là vùng bán sơn địa, đất đai không có giá trị nông nghiệp cao, nhưng lại có nền móng vững chắc để chịu được các kết cấu của các công trình xây dựng lớn. Việc quy hoạch phân vùng phải thực hiện ngay, nếu không sẽ là quá muộn.
Hiện nay, Hà Tây đã có xu hướng phát triển khu công nghiệp, đô thị lấn đất nông nghiệp. Hà Tây cũng định mở rộng hành lang phía nam, ý định này tôi thấy không tốt vì đó là vùng đồng bằng, đất nông nghiệp tốt, dân đông. Nếu lấy đất ở đó phát triển công nghiệp thì sẽ phải đối mặt với một loạt vấn đề như mất đất nông nghiệp phì nhiêu, đền bù, tái định cư, v.v... Trong khi đó, vùng Hoà Bình thì đất đai không màu mỡ, dân không đông lắm, lại khá an toàn khi xảy ra lũ lụt.
Muốn phát triển khu vực nào thì việc đầu tiên phải nghĩ đến là kết nối vùng đó với trung tâm HN và các vùng khác như thế nào. Ví dụ, với trung tâm HN thì chỉ riêng đường Láng - Hoà Lạc đã được chưa, hay con đường này chỉ đáp ứng được trước mắt. Còn các tuyến khác, ví dụ như đường Nhổn, Hoài Đức, Đan Phượng... cần phải sớm có đường cao tốc và tốt nhất là đường cao tốc trên cao. Kinh nghiệm ở các thành phố đồng bằng ở Trung Quốc đã cho thấy, để đảm bảo giao thông thông suốt thì phải có đường cao tốc trên cao. Chúng ta cũng cần thêm một số cầu về hướng Việt Trì, Vĩnh Yên vì đây là những khu công nghiệp và tốc độ đô thị hoá sẽ rất mạnh.
Ba Vì tuy không phải vùng đất đai màu mỡ, nhưng lại là nơi có giá trị du lịch, sinh thái. Nếu phát triển công nghiệp ở đây có hợp lý không, thưa ông? Và có nhất thiết phải phát triển công nghiệp ở thủ đô?
- Không phải là nhất thiết, nhưng nếu có điều kiện thì nên làm, ta cũng muốn phát triển dịch vụ, ta đang có dân đông, cần công ăn việc làm. Có điều, công nghiệp cụ thể là ngành gì thì phải cân nhắc. Công nghiệp hoá chất, điện tử tinh vi chẳng hạn, quy mô đất đai không nhiều lắm, nhưng giá trị kinh tế cao.
Ba Vì là vùng rất rộng lớn, ví dụ công nghiệp có thể phát triển ở phía đông con đường VN - Cuba. Không phải cứ phát triển công nghiệp thì không đi đôi được với du lịch. Nhiều thành phố trên thế giới - ví dụ như Bắc Kinh - công nghiệp phát triển rất mạnh mẽ, nhưng du lịch cũng phát triển rất tốt.
HN mở rộng, chắc chắn sẽ có thêm nhiều đường phố mới. Nhưng nhìn vào thực tế, có thể thấy đường phố mới cũng chưa khắc phục được những nhược điểm cũ khi chưa có quy hoạch. Tại sao vậy, thưa ông?
- Đúng là nhiều đường mới của HN như Văn Cao, Trần Duy Hưng,... vẫn rất xấu. Ở đường Ô Chợ Dừa, có những nhà bị bứng đi chỉ còn một vài mét, nhưng vẫn quyết bám trụ vì không muốn bán cho những người ở sau, nên vẫn còn nhà méo, nhà siêu mỏng.
Đáng lẽ phải giải phóng mặt bằng đồng bộ, như lấy ít nhất 50m mỗi bên đường, rồi chia lô bán đất đó để lấy tiền bù lại tiền làm đường, các nhà xây mới ở đó phải theo quy hoạch, có phong cách xây dựng nhất định, như vậy sẽ đẹp hơn. Giải phóng diện tích mặt bằng lớn hơn thì lãnh đạo sẽ mệt hơn, đòi hỏi lãnh đạo phải có kiến thức, có ý chí thì mới thực hiện được.
Xin cảm ơn ông!
Theo Lao Động
- 0
- By Admin
- 13/08/2008
- 17