• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Quy hoạch Hà Nội: Chín chắn hay Xốc nổi?

LTS: Những thông tin liên quan đến Đồ án quy hoạch chung Hà Nội luôn thu hút sự quan tâm hàng đầu của người dân. Những phát biểu mới nhất của lãnh đạo Hà Nội và Bộ Xây dựng liên quan để đồ án này đang được mọi người bàn tán.

Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của kiến trúc sư Hà Thủy liên quan đến chủ đề này để mọi người cũng suy ngẫm.


Quy hoạch và thang giá trị "trưởng thành"

Quy hoạch là một quá trình chuẩn bị quyết sách, trong đó ý thức nghiêm cẩn phải đưa lên hàng đầu, là một công việc tiết chế, nó kén chọn người tham gia, thông thường phải là những "người lớn" (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) - chúng ta có thể gọi là Người trưởng thành.

Nhưng thế nào là Người trưởng thành? Khái niệm này thường bị ngộ nhận.

Ở ta, trước kia có Lễ Thành đinh, xác nhận một thanh niên trưởng thành (khoảng 16-18 tuổi). Sự trưởng thành về mặt thể xác có hạn định, nhưng về mặt tinh thần, sự trưởng thành lại không phụ thuộc nhiều về tuổi tác. Trong lịch sử đã có nhiều "người lớn" về nhân cách từ rất sớm.

"Trải biến cố nhiều thì trí lự sâu/ Lo công việc xa thì thành công lạ" (Phú Chí Linh- Nguyến Trãi).

Thế nhưng, dường như trong mỗi con người luôn có một đứa trẻ (!). Đứa trẻ đó, thường có nhu cầu bằng mọi giá thực hiện những mong muốn của mình (bất chấp hậu quả có thế nào) và không ổn định, thất thường.

Chúng ta đã biết, Nero (sinh năm 37- mất năm 68) là Hoàng đế La Mã (tại vị: 13 tháng 10 năm 54 - 9 tháng 6 năm 68). Nhân vật chính trong tiểu thuyết nổi tiếng Quo Vadis (Henryk Sienkiewicz (1846 - 1916; Nobel văn học 1905). Nero trở thành hoàng đế ở tuổi 16, là hoàng đế trẻ nhất kể từ thời Augustus. Nero có hai hành vi "nổi tiếng": Một là giết mẹ (để củng cố quyền lực), hai là đốt cháy thành Roma (lấy cảm hứng làm thơ, với mong muốn được bất tử như Homer - tác giả của Iliad và Odyssey). Kết quả thúc đẩy sụp đổ của một triều đại với sự nổi giận của dân chúng.

Sự hanh thông có thể khiến cho một người dù đã trở thành hoàng đế vẫn hành động như một đứa trẻ với các hành vi, tham vọng không thể kiểm soát. Chỉ có sự trải nghiệm vị tha (vì người khác, cộng đồng, quốc gia, thế giới) chứ không phải trải nghiệm vị kỷ (vì mình, vì gia đình, phe nhóm của mình) xác định mức độ trưởng thành của một con người.

Trở lại với vấn đề của chúng ta, quy hoạch liên quan đến số đông (xã hội), đến vận mệnh của quốc gia, địa phương tùy theo quy mô và tầm ảnh hưởng. Vì vậy, giá trị của quy hoạch (là những giá trị tích hợp - Integrated values) không đề cao cảm xúc tức thời (của cá nhân hay nhóm) mà đề cao sự chín chắn, chuẩn mực trong kết quả và tiến trình thực hiện.

Quy hoạch thành phố luôn phải cân bằng cùng lúc các yếu tố: P (Politic - chính trị, chính sách), E (Economic - kinh tế); E (Environment - môi trường), S (Social - xã hội), và T (Technic - kỹ thuật). Có thể viết tắt là PEST. Sự cân bằng này làm cơ sở cho tính khả thi và phát triển bền vững.

Quy hoạch thủ đô của một quốc gia, ngoài việc đáp ứng yêu cầu nêu trên còn phải đạt được các mục tiêu sau: 1) Khẳng định vị thế hiến định trong vai trò đầu não. 2) Tạo hấp lực, khả năng quy tụ nhân tâm trong phạm vi quốc gia và quốc tế. 3) Nâng cao năng lực dung nạp của đô thị. 4) Bảo tồn, làm tăng giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên, xã hội, di sản văn hóa, lịch sử. 5) Củng cố và thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chúng ta hãy thử rọi chiếu thang giá trị "trưởng thành" nói trên cho quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (từ đây gọi tắt là Đồ án QH Hà Nội) mà thời gian gần đây đã khiến cho xã hội mất nhiều thời gian, giấy bút để phản biện hay ngợi ca. Ngõ hầu tìm ra lời giải theo các vấn đề: Tầm nhìn; lương tri; mục tiêu; nhiệm vụ; quy trình thực hiện; chuẩn bị cơ sở thực tiễn; chủ thuyết; trách nhiệm và tính hữu ích; lực lượng thực hiện; các giải pháp chuyên môn...

Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi sẽ lần lượt phân tích các nội dung nói trên:

Tầm nhìn của "người ta"...

Vào thời điểm này "Tầm nhìn" đang được nhắc đến nhiều, rất thời thượng. Trong số những từ ngữ bị lạm dụng có lẽ tầm nhìn thuộc nhóm bị lạm dụng nhiều nhất. Ai cũng có thể nói về tầm nhìn thiên niên kỷ, tầm nhìn thế kỷ, ở đâu đó...cũng chẳng biết thế nào!

Xét về mặt thị giác, tầm nhìn của mỗi người là khác nhau: Người viễn thì chỉ nhìn thấy xa mà không thấy gần. Người cận chỉ nhìn thấy gần mà không thấy xa. Người không cận, không viễn thì tầm nhìn lại phụ thuộc vào không khí. Vào hôm có sương mù, tầm nhìn có khi chỉ vài mét, hôm nào trời quang, mây tạnh thì "tầm nhìn xa trên 10km". Nói tầm nhìn xa trên 10km chỉ để an ủi bởi với khoảng cách này người ta chỉ có thể nhận biết bằng tri giác (tức hình ảnh trải nghiệm).

Vì vậy, xét cho cùng người nhìn xa nhất lại là người biết nhìn vào trong.

Thế nhưng, bên trong con người thường phức tạp, nó phụ thuộc vào tài năng, nhân cách, cùng với sự trải nghiệm cá nhân sâu sắc mức nào.

Có người chỉ ngồi một chỗ thấy tất cả như nhà vũ trụ học thiên tài người Anh Stephen Hawking. Có người đi khắp thế giới vẫn chỉ nhìn thấy bản thân mình với cái tôi bé mọn trong giới hạn của những lợi ích vị kỷ bao quanh.

Bởi vậy, sự tranh đua, thi thố về tầm nhìn cho to, cho rộng (nói theo kiểu Việt Nam là bệnh hoành tráng) chỉ là công việc, ham thích của con trẻ.

Washington DC, với diện tích 177 km2 từ thời lập quốc (1790) đến nay không thay đổi. Điều này được khẳng định trong Hiến pháp Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ. Washington DC không lớn nhưng không vì thế mà nước Mỹ mất đi vị thế toàn cầu. GDP vào năm 2008 là 375 tỷ USD. GDP bình quân 2,12 tỷ USD/km2.

Paris, với diện tích 105,4 km2. Hơn 200 nay, từ thời Cách mạng Cộng hòa (1789 - 1799) ranh giới thủ đô nước Pháp không hề mở rộng. GDP vào năm 2008 là 564 tỷ USD. GDP bình quân 5,35 tỷ USD/km2. Cũng thuộc nhóm thành phố ngàn năm tuổi như Paris, London, với diện tích 319 km2 cấu trúc lõi trung tâm luôn ổn định. Thủ đô của Anh quốc có GDP vào năm 2008  là 565 tỷ USD. GDP bình quân 1,77 tỷ USD/km2.

Tokyo, với diện tích 617 km2. GDP vào năm 2008 là 1.479 tỷ USD. GDP bình quân 2,4 tỷ USD/km2. New York, với diện tích 789 km2. GDP vào năm 2008 là 1.406 tỷ USD. GDP bình quân 1,8 tỷ USD/km2. Cả hai thành phố đều thuộc nhóm Megacity (siêu đô thị) với dân số đô thị Tokyo là  8.795.000 người và  New York là 8.310.000 người (gấp khoảng 2 lần số dân đô thị của Hà Nội tới năm 2030).

Sở dĩ tôi nhắc đến các thành phố này không chỉ bởi đây là những trung tâm, có thể nói là thủ đô của thế giới. Các thành phố này có chung một đặc điểm đó là sự ổn định về địa giới, tiết kiệm tài nguyên đất đai, năng lực dung nạp của đô thị rất cao (GDP đã nói lên điều đó). Không thành phố nào trên thế giới thơ mộng và quyền uy như Washington DC. Lãng mạn và tinh tế như Paris. Cổ kính và trong lành như London. Tiết chế và tiện nghi như Tokyo. Cuốn hút và năng động như New York.

Như đã nêu, Washington DC là sự kết hợp tài tình giữa chính trị và kinh tế, giữa niêm luật và rộng mở trong một giới hạn đô thị hiến định.

Paris thể hiện một đẳng cấp hàng đầu bằng việc tiết chế (sự quý do hiếm) trong việc duy trì không gian đô thị làm động lực cho phát triển vùng và làm tăng giá trị (bậc nhất) di sản đô thị. Khu vực dành cho trung tâm quyền lực nhà nước là một biểu tượng bất biến cả về không gian và thời gian.

London là một hình mẫu với việc phân bố mật độ không gian đô thị theo đẳng cấp, phát triển cân đối trên cơ sở cấu trúc đô thị hạt nhân trung tâm. Sinh thái đô thị cân bằng và đẳng hướng. Cũng như Paris, với lõi trung tâm uy quyền quốc gia hằng định (sự không thay đổi này còn mang ý nghĩa như là nghi thức, biểu tượng).

Tokyo là hình mẫu điển hình về năng lực dung nạp của đô thị. Một trung tâm chính trị giữa lòng thành phố, với Hoàng gia, Chính phủ, Tòa án và Nghị viện tập trung. Theo truyền thống Nhật Bản, khu đất dự trữ của Chính phủ được đặt kế bên cạnh, tòa nhà Chính phủ đã được xây mới trong khi vẫn giữ lại công trình cũ. Còn New York là hình mẫu về khả năng kết hợp quy hoạch đô thị nén với giải phóng đất đai, cân bằng môi trường sống tự nhiên, phát triển bền vững trong một giới hạn không gian định trước.

Chúng ta đều nhìn nhận nhãn quan quảng đại, tầm nhìn vô hạn định của những người khởi xướng những đồ án này. Với những định hướng phát triển bền vững trên cơ sở tiết kiệm, nâng cao hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, xã hội.

Thế nhưng, trong đồ án quy hoạch của họ không hề có một câu khẳng định tầm nhìn chiến lược, phải chăng sự khiêm nhường luôn đồng hành với tài năng thực chất.

...Và tầm nhìn chiến lược "của ta"

Ngược lại, với QH Hà Nội, cùng với cái gọi là "tầm nhìn chiến lược" đồ án đề xuất đến 2030 với đất đô thị 1.270km2; tức gấp 2 lần Tokyo và 1,6 lần New York, 4 lần London; 12 lần Paris, 7 lần Washington DC.

Trong khi, nước ta đất chật (thứ 65/193), người đông (thứ 12/193), tài nguyên khan hiếm, đi lên từ nghèo nàn và lạc hậu, vậy mà, chỉ với 20 năm đề xuất nhu cầu đất cho đô thị Hà Nội gấp hơn 7 lần so với 1000 năm (hiện trạng là 180,5km2).Vậy 100, 200, 1000 năm sau Hà Nội sẽ ra sao? Tương lai ở đâu trong đồ án này?

Vào năm 2030, dân số đô thị vào khoảng 4,5 triệu người (bằng khoảng ½ New York và Tokyo). GDP của Hà Nội năm 2030 theo đồ án đề xuất là 11.000 USD/người (chưa chắc đã đạt được). Nếu tính cho dân cư đô thị GDP toàn thành phố sẽ vào khoảng 50 tỷ USD, tức GDP bình quân là 0,0413 tỷ USD/km2. Như vậy, sau 20 năm, hiệu suất phát triển trên một đơn vị đất đai của Hà Nội vẫn thấp hơn so với các thành phố nêu trên tại thời điểm hiện nay từ 43 đến 129 lần.

Tư duy "xài gấp", tùy tiện "xin cho", "cấp phát" tài nguyên vì lợi ích trước mắt (đã trở thành căn bệnh phổ biến ở ta) đã và sẽ hàng ngày, hàng giờ làm suy giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia, hủy hoại nhân cách, nguy cơ biến tất cả thành hoang phế.

Các quy hoạch thủ đô "xứ người" nói trên với tiết chế trong sử dụng đất đai nhưng tầm nhìn xa rộng mở, dành cơ hội cho thế hệ sau, hoàn toàn đáp ứng được các thang giá trị "trưởng thành".

Ngược lại, với các nội dung mà đồ án QH Hà Nội đề xuất, đất thì rộng nhưng tầm nhìn lại hạn hẹp, áp chế tương lai. Thang giá trị "trưởng thành" không có mặt trong đồ án này, và không có gì gây chia rẽ trong cộng đồng chúng ta mạnh hơn sự hoang phí tài nguyên.

Tại sao cùng một quy mô dân số đô thị chúng ta lại phải sử dụng một quỹ đất gấp 4 lần các đô thị thủ đô tốt nhất thế giới nêu trên, trong khi hiệu quả sử dụng đất lại thấp hơn hàng chục, hàng trăm lần như vậy?

Chỉ khi ý thức nâng thành mục tiêu tiết chế nguồn lực để tạo nên sức mạnh quốc gia thì mới cần tới trí tuệ cộng đồng; Khi biết chắt chiu những thành quả của lớp người đi trước, có phẩm chất nghiêm cẩn mới có được nhãn quan quảng đại.

QH Thủ đô là một quá trình chuẩn bị quyết sách dài hạn, không phải là cơ hội tức thời. Đòi hỏi những người có liên quan phải có nhân cách "trưởng thành", cần cẩn trọng suy nghĩ trước sau một cách có trách nhiệm, bởi đây là công việc ảnh hưởng đến vận mệnh, sự tồn vong của đất nước.

Như lời Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong bài "Không được phép đưa Thủ đô làm nơi thí nghiệm": "Một mô hình đô thị không cần nhiều đất đai mà cần nhiều hơn những giá trị đạo đức, nhân văn, nhân tài và chất xám. Đấy mới chính là "hướng nhìn - tầm nhìn" của nghìn năm Thăng Long và của thời đại".

(Còn tiếp)

(Theo Tuanvietnamnet)

  • 0
  • By Admin
  • 17/09/2010
  • 17