• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Quy hoạch Hà Nội: Chỉ cần mạng lại mảnh vải vá

Vá hay làm mới?

Để làm được việc này, cái cần phải làm nhất của những người làm quy hoạch là bắt bệnh quy hoạch đô thị hiện tại rồi tìm hướng khắc phục trên chính những bất cập ấy.

Theo nhận định của nhiều người, Hà Nội bây giờ đang bị mắc kẹt với giao thông và sự ngộp thở tại các khu đô thị. Việc xây dựng tràn lan các dự án đang mỗi ngày làm tăng thêm áp lực dân cư và giao thông cho Hà Nội. Chưa giải quyết được bài toán đô thị, thì mọi khúc mắc như tắc đường, ngập đường... cũng chưa thể có phương án khả thi để xử lý.

Vậy, cần phải gỡ từ đâu?

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, Hà Nội đã có một bước lầm trong quy hoạch khi đồng ý cho xây quá nhiều khu nhà cao tầng trong nội đô. Ông cũng bày tỏ sự lo ngại về việc dường như Hà Nội đang quá "dễ dãi" cho việc điều chỉnh số tầng, hoặc kiến trúc xây dựng của các dự án.

Ở nhiều nước trên thế giới, đôi khi để có được quy hoạch thủ đô chuẩn, người ta phải thí điểm xây những khu đô thị đệm, và có thể phá bỏ hoàn toàn nếu nó hết vai trò lịch sử và không phù hợp với phát triển chung.

Tháng 12/2009, khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội dừng không cấp phép xây dựng những toà nhà cao quá 9 tầng trong nội đô, gặp tôi, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết, đây là việc làm hoàn toàn đúng đắn và hợp với quy hoạch kiến trúc. Các nước trên thế giới họ đều thực hiện như thế. Tháng 7/2010, sau nhiều công văn đề nghị của Hà Nội về việc "cởi trói" cho các dự án nhà cao tầng tại 4 quận nội đô, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cho phép 60 dự án trên tổng số 223 dự án bị dừng của Hà Nội tại thời điểm đó được cấp phép xây dựng trước ngày 9/12/2009 được tiếp tục triển khai.

Việc cho phép này làm những người quan tâm đến quy hoạch kiến trúc của Hà Nội thêm phần lo lắng cho Hà Nội. 60 dự án trên 9 tầng được triển khai, sẽ làm tăng thêm áp lực về dân số, giao thông cho Hà Nội.

Nhưng, đây chưa phải là những dự án cuối cùng sẽ được thực hiện tại khu vực nội đô cũng như trên địa bàn Hà Nội. Bởi, bên cạnh rất nhiều dự án đang được triển khai, Hà Nội sẽ cõng thêm trên mình 800 dự án nữa nếu Quy hoạch thủ đô được thông qua. Vấn đề là, 800 dự án này không hề được xây dựng theo cùng một kiến trúc và không tập trung thành những khu đô thị hoàn chỉnh.

Anh Nguyễn Văn Toàn, một chuyên gia về kiến trúc quy hoạch cho biết, thay vì tìm một mảnh vải mới để vẽ ra một đồ án Quy hoạch kiến trúc năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, ngành chức năng nên tìm cách để quy hoạch lại kiến trúc đô thị trên chính mảnh vải vá này. Anh Toàn cho biết, chúng ta phải tận dung tối đa để dựng quy hoạch thủ đô. Với sự khập khiễng của quy hoạch thủ đô hiện tại thì "mảnh vải vá" vẫn còn rất nhiều giá trị. Cụ thể, quy hoạch khu phố Pháp vẫn rất ổn. Phần cần quan tâm nhất hiện nay là bên ngoài vành đai 2, vành đai 3 cần phải xây dựng các khu đô thị đệm.

Một nguyên tắc bất di bất dịch rằng, quy hoạch kiến trúc của thủ đô không phải là một sớm, một chiều mà xong. Đây là công việc của nhiều thế hệ cùng làm. Chính vì vậy, trước khi ra được một đồ án chuẩn về quy hoạch thủ đô, chúng ta cần xây dựng những khu đô thị với hạ tầng chuẩn. Khi hình thành được những khu đô thị chuẩn như thế, người ta sẽ ngại di chuyển vào nội đô để sinh sống và quyết mua bằng được một bất động sản.

Khi đã có những khu đô thị chuẩn, người dân sẽ tự di chuyển để sinh sống vì phù hợp với nhu cầu, khi ấy, có thể quy hoạch lại dần dần từng khu vực một. Theo anh Hải, một kiến trúc sư, chúng ta chỉ cần hình dung về tổng thể quy hoạch chung thủ đô, quy hoạch chi tiết của từng khu vực một. Thậm chí, chúng ta cũng có thể thử làm quy hoạch tại một vùng, nếu phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, ta có thể nhân rộng quy hoạch ra vùng rộng lớn hơn. Còn không, thậm chí có thể san phẳng. Nhiều nước trên thế giới cũng đã làm như vậy, anh Hải nói.

Quy hoạch: Thích thì điều chỉnh ngay

Một anh bạn tôi, người hay theo dõi về quy hoạch kiến trúc của Hà Nội phải thốt lên rằng, bây giờ điều chỉnh quy hoạch dễ dàng quá. Có rất nhiều dự án, ở nhiều nơi mà anh biết nguyên thuỷ không hề được đưa vào dạng quy hoạch để làm dự án. Nhưng, không biết bằng cách nào đó, chỉ một thời gian ngắn sau, đã được nghe về một dự án chuẩn bị ra đời trên khu vực đó.

Điều này, thậm chí được cả lãnh đạo của một phường thuộc quận Ba Đình thừa nhận. Liên quan đến việc lấn chiếm hơn 1000 m2 đất công để xây dựng khu nhà ở công vụ và nhà ở thấp tầng tại 130 Đốc Ngữ, phường Vĩnh Phúc, Ba Đình, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, dù trong quy hoạch 1/2000 tại UBND phường không hề có phương án sẽ làm đường trên hơn 1000 m2 đất công, nhưng nếu thích thì điều chỉnh quy hoạch được ngay. Bằng chứng sống động của việc điều chỉnh được ngay này là, khu nhà thấp tầng tại dự án 130 Đốc Ngữ ban đầu chỉ là những ngôi nhà 3 tầng, nhưng sau đó lại được điều chỉnh xây thành 5 tầng.

Chính bởi việc điều chỉnh quy hoạch dễ dàng khiến cho kiến trúc của Hà Nội như thế này.

Trong một buổi trò chuyện với phóng viên VnMedia, một Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cũng cho biết, ở một số dự án, việc điều chỉnh quy hoạch nâng tầng là bình thường.

Chính bởi việc dễ dãi trong điều chỉnh quy hoạch này đã biến kiến trúc đô thị của Hà Nội như một "mảnh vải vá". Như vậy, nếu những người làm quy hoạch chưa bỏ được tư duy "xin, cho" trong quy hoạch thì có dựng ra một đồ án Quy hoạch thủ đô mới cũng không làm cho Hà Nội chuẩn hơn về quy hoạch.

Vấn đề là, những người làm quy hoạch hiện nay dường như quên mất kiến thức quy hoạch cơ bản. Theo đồ án mới, người ta dựng lên trục phía Tây và "dồn" các chủ đầu tư vào trục này để xây dựng đô thị. Nhưng, có một cách làm khác hay hơn, phù hợp hơn và phục vụ được mục đích phát triển kinh tế chung của thủ đô hơn lại không được chú ý. Nếu bám dọc hai bên sông Hồng từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy để xây dựng đô thị, thì 50 năm nữa, chúng ta cũng chưa làm hết.

Thực hiện được việc này, Hà Nội sẽ có những khu hiện đại không khác gì nhiều nước trên thế giới, với khu đô thị hiện đại, tận dụng được ưu thế của dòng sông Hồng, anh Vĩnh, một kiến trúc sư chia sẻ.

Đến thời điểm này, đồ án Quy hoạch chung Thủ đô vẫn còn đang lấy ý kiến. Chưa ai biết được sẽ có những điều chỉnh gì trong đồ án này. Nhưng, nhiều khi mảnh vải mới quá lại không tốt, bởi người ta không hiểu giá trị đích thực của quy hoạch kiến trúc, lại "vẽ hươu, vẽ vượn" vào. Như vậy, liệu có thực sự phù hợp với mục đích sử dụng của đại đa số người?

(Theo VnMedia)

  • 0
  • By Admin
  • 14/10/2010
  • 17