• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Quy hoạch Hà Nội: Ai đã “giác ngộ”, Ai vẫn “u mê”?

Cái mới có chăng chỉ là thay tên đổi họ khu đất và con đường. Cái cũ chính là cấu trúc đô thị và sự hoang phí ngày càng gia tăng. Vì vậy, Hà Nội có nói về những cái cũ cũng không có gì lạ.

LTS: Những thông tin liên quan đến Đồ án quy hoạch chung Hà Nội luôn thu hút sự quan tâm hàng đầu của người dân. Những phát biểu mới nhất của lãnh đạo Hà Nội và Bộ Xây dựng liên quan đến đồ án này đang thu hút sự chú ý của công luận. Tôn trọng tính đa chiều của thông tin, Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của kiến trúc sư Phác Nguyên liên quan đến chủ đề này để mọi người cũng suy ngẫm.

Hôm 20/08/2010, báo Tiền Phong có bài: "Đồ án quy hoạch chung Thủ đô: Hà Nội phản đối dời đô lên Ba Vì". Thế nhưng, cũng trên tờ báo này hôm 21/08/2010 lại có tin "Bộ Xây dựng bảo lưu tuyến đường Hồ Tây - Ba Vì".

Tiếp theo hàng loạt các trang mạng khác đều đồng loạt đưa tin cùng nội dung. Chúng tôi, những người vẫn dõi theo đồ án này đi từ vui mừng đến thất vọng. Thật đúng là "Ngày vui ngắn chẳng tày gang".

Vui mừng vì:

"UBND TP Hà Nội cho rằng, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia luôn là chỉnh thể thống nhất, không tách rời. Trong đồ án cần khẳng định Ba Đình hiện tại cũng như lâu dài vẫn là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia. Về vấn đề Ba Vì sẽ là khu dự trữ để xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia, UBND TP Hà Nội cho rằng Ba Vì không đủ các điều kiện thuận lợi về khí hậu, lịch sử, truyền thống, khả năng tiếp cận với các loại hình giao thông; khả năng kết nối các vùng xung quanh, khả năng gắn với một đô thị hành chính. Đồng thời nếu xây dựng các cơ quan hành chính tại đó sẽ ảnh hưởng tới vùng sinh thái tự nhiên đặc biệt của Quốc gia và ảnh hưởng đến môi trường của Hà Nội". (VNR 500).

Và, "UBND TP phân tích khá chặt chẽ, hiện có 2 khu vực đáp ứng yêu cầu xây dựng trụ sở cơ quan bộ, ngành của Chính phủ là tây hồ Tây và khu vực kề cận Trung tâm Hội nghị quốc gia tại Mỹ Đình - Mễ Trì (Từ Liêm). Các khu vực này đủ điều kiện quỹ đất và các tiêu chí khác để xây dựng tổ hợp công trình hiện đại với các loại hình giao thông công cộng đặc biệt, đủ đáp ứng liên kết nơi làm việc của Chính phủ và trung tâm chính trị tại Ba Đình".

"Dẫn chứng con số đề xuất của đồ án "năm 2030, cần sử dụng 800-810 km2 trong tổng số 1.200 km2 đất đô thị", thành phố Hà Nội cho rằng, như vậy, trong vòng 20 năm tới, diện tích đất đô thị mở rộng lên tới 4,5 lần (hiện là 180 km2) và dân số tăng 2,5 lần. Từ phân tích này, UBND TP nhấn mạnh, "cần chứng minh, phân tích tính khả thi, phát triển bền vững, tiết kiệm đất và những tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội với tốc độ phát triển và quy mô đất đô thị quá lớn". (Lao động).

"Theo phân tích của lãnh đạo TP Hà Nội, trục đường nối Hồ Tây - Ba Vì (trục Thăng Long-PV) là hệ quả gắn liền với việc quyết định vị trí Trung tâm hành chính Quốc gia, ảnh hưởng lớn tới những lĩnh vực kinh tế - xã hội và phát triển đô thị bền vững. Vì vậy, khi đã khẳng định không xây dựng Trung tâm hành chính Quốc gia mới tại Ba Vì thì việc xây dựng trục này không có ý nghĩa về công năng và về kinh tế - chính trị - xã hội". (Vnmedia)

Chúng tôi thấy rằng Nhân dân và Lãnh đạo Thủ đô Hà Nội rất có trách nhiệm và tôn trọng chân lý. Một thái độ thực sự cầu thị và rất có dũng khí (có lẽ đây là lần đầu tiên một địa phương "dám cãi" một cách công khai với Bộ Xây dựng về quy hoạch). Chắc rằng, đây không phải ý kiến của một vài cá nhân mà là ý chí của tập thể lãnh đạo TP Hà Nội. Những ý kiến này, giờ đây không chỉ thể hiện mong muốn của toàn thể nhân dân thủ đô mà còn là ý nguyện của nhân dân cả nước.

Nhưng cũng thất vọng vì:

Trong các bài đăng phỏng vấn ông Thứ trưởng Bộ Xây dựng chứa đựng những thông tin mà bất kể ai quan tâm đều nhận thấy: các nội dung, ý kiến mà công luận, các đại biểu quốc hội, các tổ chức chuyên môn, nghề nghiệp góp ý cho đồ án quy hoạch Hà Nội trong thời gian qua đã không được Bộ Xây dựng tiếp thu nghiêm túc:

Thứ nhất, Trục Thăng Long vẫn giữ nguyên cấu trúc và quy mô, chỉ thay tên gọi thành tuyến đường Hồ Tây- Ba Vì;

Thứ hai, Trung tâm Hành chính quốc gia (1.000 ha cũng chỉ đổi tên), khu vực này giờ chuyển thành Khu đất dự trữ (!!?);

(Ai cũng dễ dàng nhận thấy chừng nào hai yếu tố nói trên cùng song song tồn tại thì ý đồ "dời đô" vẫn còn lẩn quất, ẩn họa đâu đây; Chỉ cần đổi tên lại là xong; Như vậy, để ngăn chặn ý đồ "dời đô" cần hủy bỏ triệt để ý tưởng khu dự trữ cho Trung tâm Hành chính quốc gia tại Ba Vì và tuyến đường Hồ Tây - Ba Vì);

Thứ ba, "ông Nguyễn Đình Toàn cho rằng, một số góp ý của Hà Nội đối với đồ án quy hoạch chung là không phù hợp, bởi sản phẩm mới nhất của đồ án đã được điều chỉnh sau khi xin ý kiến Quốc hội" (VNR 500).

Chúng tôi cảm thấy chưa đúng, bởi lẽ các góp ý, kiến nghị của thành phố Hà Nội đều xuất phát từ tinh thần cầu thị và đáng được tôn trọng, tiếp thu từ ý kiến của công luận, các tổ chức chuyên môn và các đại biểu Quốc hội. Xin nhắc lại, các nội dung tồn tại của đồ án tập trung trong 7 vấn đề sau:

1)      Sự phi lý trong đề xuất khái niệm, lựa chọn vị trí Trung tâm Hành chính quốc gia tại Ba Vì (dù có đổi tên thành Khu dự trữ vẫn không sửa được sai lầm trong tư duy về cấu trúc đô thị thủ đô);

2)      Chưa có quy hoạch hoàn thiện và mở rộng Trung tâm Chính trị - hành chính (Ba Đình và phụ cận) cũng như các trung tâm khác của Thủ đô;

3)      Quy hoạch tràn lan, dàn trải; Hoang phí tài nguyên (điển hình là sử dụng đất nông nghiệp, đất trồng lúa);

4)      Thiếu các luận cứ khoa học thực hiện quy hoạch (xác định quy mô đô thị, quy hoạch phát triển);

5)      Thiếu các giải pháp khả thi, giải quyết các vấn nạn của đô thị (tắc đường, ngập nước, ô nhiễm môi trường - Bởi đồ án đã không nêu được các nguyên nhân cốt lõi gây ra các vấn nạn (căn bệnh) này của đô thị Việt Nam mà chính Quy hoạch chung Hà Nội hiện cũng đang mắc phải);

6)      Sự phi lý (không chỉ ở tên gọi) của Trục Thăng Long (tuyến đường Hồ Tây - Ba Vì);

7)      Thiếu cơ sở về nguồn lực thực tế (nguy cơ làm suy giảm sức mạnh quốc gia do triển khai mở rộng thiếu tính thực tiễn, hoang tưởng về quy mô đô thị);

Các nội dung này, trong thời gian qua đã được đông đảo người dân, giới trí thức, các cơ quan chuyên môn phân tích rất kỹ lưỡng. Chúng tôi xin không nhắc lại. Nhưng, điều mà Bộ Xây dựng nói đã tiếp thu ý kiến Quốc hội nằm ở chỗ nào khi các vấn đề nêu trên vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.

Thứ tư, thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho rằng: "Văn bản của TP Hà Nội vẫn dựa trên những hồ sơ, tên gọi cũ, chưa được cập nhật những sản phẩm mới mà tư vấn - thiết kế đã làm".

Về điều này, có 3 giả thuyết:

1)      Có thể ông Toàn chưa đọc kỹ văn bản của UBND TP Hà Nội, theo các tài liệu đăng tải trên các báo thì trong văn bản của UBND TP Hà Nội đều gọi đúng tên cũ và tên sửa đổi (xem ở trên);

2)      Cách thức tổ chức, quản lý thực hiện của Bộ Xây dựng có vấn đề, bởi trong Ban chỉ đạo, Hội đồng thẩm định nhà nước và Nhóm tư vấn quy hoạch luôn có thành phần của Hà Nội (phải chăng Bộ Xây dựng không cộng tác với Hà Nội?);

3)      Vì Bộ Xây dựng khăng khăng bảo lưu ý tưởng phi lý này (ý tưởng Dời đô = Khu dự trữ (TTHCQG) + Tuyến đường Hồ Tây - Ba Vì (TTL). Dù có đổi tên nhưng bản chất vẫn thế) khiến TP Hà Nội không còn cách nào khác là phải làm kiến nghị gửi Chính phủ.

Theo cảm nhận của người trong nghề, chúng tôi thấy có lẽ đồ án quy hoạch sau khi sửa vẫn chỉ là "bình mới, rượu cũ". Cái mới có chăng chỉ là thay tên đổi họ khu đất và con đường. Cái cũ chính là cấu trúc đô thị và sự hoang phí ngày càng gia tăng. Vì vậy, Hà Nội có nói về những cái cũ cũng không có gì lạ.

Thứ năm, đối với trục đường nối Hồ Tây - Ba Vì (Trục Thăng Long cũ) ông Toàn có nói "Dù không có Trung tâm hành chính mới tại Ba Vì thì tuyến đường này vẫn rất cần thiết. Tuyến đường này có 3 chức năng. Thứ nhất là giao thông, giải thoát cho giao thông phía tây thủ đô. Thứ hai là vấn đề kỹ thuật. Bên dưới tuyến đường là các đường ống dẫn nước từ sông Đà về nội đô để cấp nước sạch cho thành phố, hệ thống nước thải, cáp điện ngầm cũng chôn dưới tuyến đường này. Thứ ba là tuyến này tạo các điểm nhấn là các trung tâm vui chơi, giải trí, văn hóa. Tuyến Hồ Tây - Ba Vì (có đoạn Vân Canh- Vành đai 4 lớn nhất rộng 350 m, dài 3,5 km) để xây dựng các công trình văn hóa, giải trí phục vụ nhân dân thủ đô". (Tiền Phong).

Đây là những kiến thức rất cơ bản, bởi với chức năng trung tâm vui chơi giải trí, văn hóa (thường dành cho không gian đi bộ) sẽ luôn mâu thuẫn với chức năng giao thông. Vả lại, nếu là chức năng giao thông thì phải được tính toán ngay từ đầu, tại sao đến phút chót mới nghĩ ra, bởi đây là nhiệm vụ cơ bản của các nhà kỹ thuật đô thị (cần xem lại năng lực hành nghề của cơ quan tư vấn hoặc có sự ngụy tạo sản phẩm của các nhà tư vấn quốc tế không?). Thứ nữa, hệ thống cấp nước từ Sông Đà đã, đang được thi công lắp đặt tại Đại Lộ Thăng Long (tuyến Láng - Hòa Lạc cũ), nước thải hay cáp điện thì tuyến đường nào cũng có.

Việc lý giải "Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm tuyến đường tương tự như tuyến này" xem ra không thuyết phục. Xin dẫn chứng, đại lộ Champs - Elysées (Pháp) thẳng nhưng không dài. Đường Trường An (Trung Quốc) dài nhưng không "thẳng tắp" như đã có lần ông Toàn khẳng định. Hàn Quốc có tiếng là kỷ luật và thủ đô của họ lại chật chội. Nhật Bản là một dân tộc tiết kiệm, không "vén tay áo xô, đốt nhà tang giấy". Vậy nên, trên toàn thế giới không đâu có một tuyến đường phi lý cả về mặt kỹ thuật và văn hóa như vậy. Bảo vệ cho sự tồn tại của tuyến đường này chỉ là ngụy lý và hoang phí bởi 1000 ha đất và vốn đầu tư >10.000 tỷ đồng không phải chuyện chơi.

Hà Nội hoàn toàn sáng suốt khi khẳng định tuyến đường này chỉ có lý khi tồn tại theo quy hoạch cũ (tức khi còn Trung tâm Hành chính quốc gia được đặt tại Ba Vì).

Thứ sáu, quỹ đất dự trữ trong quy hoạch đô thị (quy hoạch chung cho các thành phố khác với các khu đô thị). Các quỹ đất dự trữ cho trung tâm không thể đưa ra ngoài mà phải được trù liệu nội tại, liền kề (bán kính <6~8km) để đảm bảo sự ổn định cấu trúc thành phố. Khi đưa trung tâm ra ngoài tức tạo ra một đô thị, thành phố khác (Vì vậy không thể có chuyện có khu đất dự trữ cho Trung tâm chính trị - hành chính Ba Đình lại nằm ở Ba Vì (cách tới 40km) - Ai cũng hiểu ngầm ý "dời đô" khi tư vấn đề xuất ý tưởng này - dù có bao biện, lý giải thế nào).

Việc Hà Nội đề xuất: "hiện có 2 khu vực đáp ứng yêu cầu xây dựng trụ sở cơ quan bộ, ngành của Chính phủ là Tây Hồ Tây và khu vực kề cận Trung tâm Hội nghị quốc gia tại Mỹ Đình - Mễ Trì (Từ Liêm)" là hoàn toàn nhất quán (trong các quy hoạch trước đây cũng đã có lựa chọn như vây).

Đáng tiếc rằng Bộ Xây dựng chưa nhận ra điều này(?).

Thứ bảy, ông Toàn nói tiếp "Hiện Hà Nội đang mời các nhà đầu tư làm các tuyến đường vành đai 4 và 3,5. Nhà đầu tư sẵn sàng làm theo phương thức BT, đổi đất lấy hạ tầng. Nhà nước không mất đồng nào cả. Vấn đề là đầu tư đúng hướng và thực hiện đúng quy hoạch. Chúng ta có thể phân kỳ để làm trục này, bước đầu chỉ làm 2-4 làn, còn lại trồng cây ở giữa để giữ đất".

Lập luận như vậy xem ra không phù hợp thời cuộc hiện nay. Việc đổi đất lấy hạ tầng chỉ phù hợp với giai đoạn đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Với nhu cầu vốn cho hạ tầng ước tính 90 tỷ USD mà nghĩ đến giải pháp này là ngây thơ. Tổng mức đầu tư cho thành phố trong vòng 20 năm theo nhu cầu đất của quy hoạch đề ra tương ứng không thể thấp hơn 1000 tỷ USD. Với GDP (chỉ được tính trên thặng dư <10% tức < 10 tỷ USD) của Việt Nam, tính cả lượng kiều hối. FDI cũng không thể biến ý tưởng này thành hiện thực bởi Việt Nam không chỉ có Hà Nội.

Việc đề xuất một quỹ đất quá lớn sẽ tạo ra sự hoang phí, nạn đầu cơ, tham nhũng, làm suy yếu nguồn lực của đất nước. Hình thành bong bóng bất động sản nhanh chóng và chúng ta sẽ khánh kiệt. Đô thị sẽ bị bỏ hoang (hiện nay đã xảy ra). Trong khi, người nông dân mất ruộng, an ninh lương thực bị đe dọa không chỉ ở thủ đô mà sẽ trên phạm vi cả nước vì quy hoạch Hà Nội đã nêu tấm gương xấu về thiêu hủy tài nguyên một cách vô trách nhiệm. Và điều này còn làm phương hại tới an ninh.

Thứ tám, với một đồ án tầm cỡ như thế này, không thể thực hiện một cách vội vã và chiếu lệ. Việc thu xếp bằng sự khôn khéo không thay thế được thực chất. Các phiếu xin ý kiến nhân dân (tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) đều có mẫu định sẵn, trong khi cung cấp thiếu thông tin (hiện nay, vẫn không có các thông tin cơ bản về đất đai, nhất là đất nông nghiệp, đất trồng lúa bị thu hồi để phát triển đô thị) vì vậy độ tin cậy rất thấp, không thể lấy làm cơ sở biện minh cho những bất cập của đồ án.

Trái ngược với sự "giác ngộ" của Hà Nội, xem ra Bộ Xây dựng vẫn còn trong cơn "u mê" của trận đồ bát quái. Điều này lý giải vì sao các vấn nạn của các đô thị Việt Nam đang trong trạng thái vô phương cứu chữa.

Thứ chín, "Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn vừa có văn bản xin phép Thủ tướng Chính phủ cho nhập khẩu mô hình đồ án quy hoạch chung Hà Nội để trưng bày tại cung Quy hoạch xây dựng quốc gia". "Hiện toàn bộ lô hàng mô hình trên đã cập cảng Hải Phòng". (Landtoday).

Thông tin này khiến một lần nữa khiến chúng tôi kinh ngạc và thất vọng, bởi như vậy câu chuyện "Trình quốc hội chỉ để tham khảo" là có thật (?)

"Trong khi các ý kiến về Đồ án quy hoạch chung này đang nằm trong quá trình xem xét và phản biện, Chính phủ chưa phê duyệt thì việc khuếch trương làm mô hình quy hoạch của Bộ Xây dựng chẳng khác gì là sự thách thức đối với dư luận và những nhà chuyên môn". (Thanh Niên).

Đã đến lúc cần xem xét lại năng lực, trách nhiệm của những người được giao quản lý và thực hiện đồ án này trước khi quá muộn. Nước ta đã có quá nhiều bài học cay đắng như thế này rồi!

Bộ Xây dựng có "lách luật"?

Như con số mà UBND TP Hà Nội đã nêu ("năm 2030, cần sử dụng 800-810 km2 trong tổng số 1.200 km2 đất đô thị", thành phố Hà Nội cho rằng, như vậy, trong vòng 20 năm tới, diện tích đất đô thị mở rộng lên tới 4,5 lần (hiện là 180 km2) và dân số tăng 2,5 lần.

Như vậy, quỹ đất đô thị tăng lên so với mấy tháng trước đây (khi trình bày với quốc hội là 920 km2) tới 280 km2. Đề xuất này của quy hoạch là cảm tính hoàn toàn thiếu cơ sở thực tiễn và có thể gây ra hiểm họa về môi trường tự nhiên và biến động xã hội không lường trước được. Quy hoạch sử dụng đất như thế này chắc chắn là sản phẩm tư duy của những người quen ở môi trường quan liêu, bao cấp, không có khả năng làm quy hoạch thực sự. Các chuyên gia quy hoạch quốc tế không bao giờ có thể có suy nghĩ hoang phí như thế. Bởi tiết kiệm đất bao giờ cũng là tiêu chí hành đầu xác định năng lực chuyên môn; Sự dễ dãi này chỉ có ở chúng ta mà thôi?

"Ngay khi thảo luận quy hoạch Hà Nội ở Chính phủ, tôi có phát biểu là dự án mở rộng quy hoạch Hà Nội là lấy quá nhiều đất nông nghiệp, lấy đến 43 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó 33 nghìn ha đất trồng lúa. Tôi đã đề nghị Chính phủ bổ sung, điều chỉnh quy hoạch Hà Nội để hạn chế lấy đất lúa".

Trong khi đó, đại biểu QH Nguyễn Đình Xuân vẫn băn khoăn, "Hà Nội mở rộng có diện tích đất nông nghiệp rất lớn, đặc biệt là đất lúa. Vậy việc ứng xử như thế nào? Nói người dân và chính quyền địa phương phải giữ gìn đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực, nhưng Hà Nội lại làm mất nhiều đất lúa quá".

Theo Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam "Hiện nay diện tích nông nghiệp của Thủ đô là 189 nghìn ha, đất trồng lúa là  117 nghìn ha, thế mà Quy hoạch đến năm 2030 lấn chiếm tới 73,5% diện tích đất nông nghiệp và 66% diện tích đất trồng lúa. Theo đó, diện tích đất nông nghiệp chỉ còn bảo tồn 50 nghìn ha và đất trồng lúa chỉ còn 40 nghìn ha".

Ngày 05/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 26 - NQ/T.Ư "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn". Phần mục tiêu đến năm 2020 nêu rõ: "sử dựng đất nông nghiệp tiết kiệm và hiệu quả; duy trì diện tích đất lúa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài".

Ngày 23/12/2009 Chính phủ đã có Nghị quyết Số: 63/NQ-CP về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, trong đó ghi rõ "Diện tích đất lúa cần giữ, bảo vệ nghiêm ngặt phải được xác định cụ thể đến từng địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất lúa đến hộ sử dụng".

Ngày 19/6/2010 Quốc hội đã có Nghị quyết số: 49/2010/QH12, về Dự án, công trình quan trọng quốc gia trình quốc hội chủ trương đầu tư; tại Điều 3. Tiêu chí về dự án, công trình quan trọng quốc gia đầu tư tại Việt Nam trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (khoản 3 - Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 hécta trở lên);

Như vậy, Quy hoạch Hà Nội với hơn 30 ~ 70 ngàn ha đất lúa bị đô thị hóa, Bộ Xây dựng sẽ giải quyết như thế nào để con voi chui qua lỗ kim. Chỉ tính riêng tuyến đường Hồ Tây - Ba Vì đã có hơn 500ha đất lúa bị mất. Hoang phí như thế này quả thực không có gì đáng hổ thẹn hơn. Đây thực sự là hiểm họa quốc gia và không phải chuyện của một nhóm người!

Tại các nước phát triển, các nhà quy hoạch chỉ được giao cho số đất được giới hạn, khống chế từ trước. Đất canh tác nông nghiệp không bao giờ được tùy tiện sử dụng cho đô thị, đây là nguyên tắc. Quỹ đất này, phải được Quốc hội thông qua, chấp thuận. Cao hơn, cần phải trưng cầu dân ý. Không thể giao quyền cho một vài cá nhân định đoạt một lượng đất khổng lồ như vậy.

(Theo TuanVNN)

  • 0
  • By Admin
  • 26/08/2010
  • 17