Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long đến 2020
Bộ Xây dựng vừa có Tờ trình số 60/TTr-BXD ngày 7/7/2009 về việc lập quy hoạch khu Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi lập quy hoạch gồm TP Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Phạm vi nghiên cứu còn tính đến cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (vùng TP HCM).
Dự kiến, quy mô đất đai xây dựng đô thị vào năm 2020 khoảng 100.000-110.000ha, đến năm 2050 khoảng 320.000-350.000ha. Dự kiến, đất công nghiệp tập trung khoảng 20.000 -30.000ha vào năm 2020 và 40.000-50.000ha vào năm 2050.
Thành phố Cần Thơ là đô thị hạt nhân của vùng, kết nối với TP Cao Lãnh, thị xã Sa Đéc, TP Long Xuyên, Vĩnh Long. Khu vực Đông Bắc sẽ lấy TP Mỹ Tho là đô thị hạt nhân. Vùng Tây Nam lấy TP Cà Mau là đô thị hạt nhân.
Trục hành lang kinh tế đô thị phát triển theo 2 con sông là sông Tiền và sông Hậu. Sẽ phát triển đô thị dọc các tuyến đường Quốc lộ 1A, đường cao tốc TP.HCM – Cần Thơ – Cà Mau, Quốc lộ 50, tuyến đường HCM giai đoạn 2, tuyến N1 ven biên giới Campuchia, tuyến đường Đông Tây, các đường Quốc lộ dọc sông Tiền, sông Hậu (Quốc lộ 62, 91, 54, 30, 61).
Một số tuyến đường sẽ được xây dựng thành đường cao tốc (đến năm 2020) như Quốc lộ 1A từ TP.HCM đến Cần Thơ, Quốc lộ 60, 50, Quốc lộ 14 ranh giới Long An – Đất Mũi, nâng cấp Quốc lộ 61 (Vị Thanh – Cần Thơ), Quốc lộ 80 từ cầu Mỹ Thuận đến đường N2, xây dựng cao tốc Cần Thơ – Châu Đốc – Phnompenh, cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu,…
Các cây cầu mới cũng được xây dựng như cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ trục Quốc lộ 1A, cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống, cầu Hàm Lương, cầu Đại Ngãi và cầu Cổ Chiên (QL 60), cầu Hồng Ngự và cầu Tân Châu nối tuyến N1, cầu Mỹ Lợi trên Quốc lộ 50 nối TP.HCM với ĐBSCL trên sông Vàm Cỏ Lớn.
Theo CafeF
- 195
- By Admin
- 10/07/2009
- 17