Quy hoạch Đà Lạt: "Thành phố trong rừng"
Từ "bàn tay xoè" đến "cây – cành – nhánh"Đà Lạt có không nhiều đồ án quy hoạch đô thị được thiết lập và phê duyệt. Tính đến 1975, thành phố (TP) này chỉ có 2 đồ án năm 1923 và 1943 do người Pháp thiết kế được phê duyệt là “Quy hoạch đô thị (Đà Lạt)” của kiến trúc sư (KTS) Hbrard và “Quy hoạch chỉnh trang (Đà Lạt)” của KTS Lagisquet. KTS Trần Đức Lộc - cán bộ chuyên môn của Sở Xây dựng Lâm Đồng - cho biết: Ý tưởng hình thành chuỗi hồ nhân tạo trên dòng suối Cam Ly có hồ chính là hồ Lớn (hồ Xuân Hương ngày nay) kết hợp với sân Cù (sân golf Đà Lạt ngày nay) tạo thành không gian xanh trung tâm và phân định rõ các khu chức năng (khu hành chính, khu nhà ở, khu bệnh viện...) là ý tưởng chính của quy hoạch Đà Lạt đầu tiên của KTS Hbrard (1923).
Sau đó, tại quy hoạch chỉnh trang, KTS Lagisquet (1943) chú trọng đến việc cấu trúc đô thị Đà Lạt theo mô hình thành phố vườn, tạo tầm nhìn cảnh quan về phía núi Langbian ở hướng bắc, tạo không gian thoáng với các khu chức năng, mật độ xây dựng thưa và các công trình xây dựng thấp tầng... Như vậy, với 2 quy hoạch này, yếu tố thiên nhiên đã được tôn trọng một cách tuyệt đối; và có thể hiểu, đây là quy hoạch đô thị Đà Lạt theo dạng “bàn tay xòe”.
Đà Lạt phải luôn là “thành phố trong rừng”. Ảnh: K.D |
Từ 1975 đến nay, đồ án quy hoạch đô thị Đà Lạt đáng kể nhất là đồ án năm 1994 theo ý tưởng “cây – cành – nhánh” cho giai đoạn 1994 – 2010 (đồ án này đã được Chính phủ phê duyệt và thực hiện). Và mới đây, các ý tưởng quy hoạch đô thị Đà Lạt cũng đã được cơ quan chức năng tổ chức thành một cuộc thi, nhằm huy động trí tuệ của nhiều người, nhưng ý tưởng chủ đạo cho đô thị phố núi Đà Lạt vẫn là cấu trúc “cây – cành – nhánh” của cơ quan chuyên môn và lãnh đạo Đà Lạt và Lâm Đồng. Theo cấu trúc “cây – cành – nhánh” này, thì đến năm 2020, trong tổng diện tích gần 97.000ha, diện tích đất xây dựng của Đà Lạt được xác định là gần 18.000ha – một tỉ lệ khá hợp lý đối với một thành phố du lịch mang tính đặc trưng như Đà Lạt.
Cũng theo đó, dân số Đà Lạt từ hơn 200.000 người trong hiện tại sẽ được tăng lên trên 430.000 người vào năm 2020. Về không gian đô thị, Đà Lạt chọn 4 hướng phát triển chính theo mô hình “cây – cành – nhánh” là: Hướng tây – bắc, phát triển trọng tâm khu du lịch Đan Kia Suối Vàng và vùng Cam Ly, Măng Linh. Hướng bắc và đông bắc, gồm các cụm dân cư được phát triển theo dạng “đô thị vườn – phong cảnh”. Hướng đông sẽ phát triển cụm công nghiệp, chủ yếu là công nghiệp chế biến nông sản rau, hoa... nằm khá xa so với trung tâm TP. Cùng với đó là hướng đông nam, lấy sự phát triển khu du lịch hồ Tuyền Lâm làm chính, cùng với ưu tiên phát triển các cụm công nghiệp, chế biến nông sản và trồng trọt dọc theo tuyến quốc lộ 20 (gần hồ Tuyền Lâm). Cũng cần nói thêm, trong “Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị cả nước đến năm 2020” thì Đà Lạt của Lâm Đồng được xác định là thành phố trung tâm trong hệ thống các đô thị vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá.
Quy hoạch theo "đạo lý Châu Á"?
Về lý thuyết, các nhà chuyên môn cho rằng, mô hình “cây – cành – nhánh” là khá gần gũi với cấu trúc “bàn tay xòe”. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại sự lo ngại: Cấu trúc “bàn tay xòe” là cấu trúc có “điểm dừng” và mang tính cố định. Trong khi đó, sự phát triển “cây – cành – nhánh” là mô hình thể hiện sự “tham lam” với những nhược điểm tồn tại song song với những ưu điểm; mà, mỗi khi nhược điểm này trỗi dậy thì kéo theo hàng loạt vấn đề hệ lụy khác. Hai nhà khoa học của Trường Đại học Kiến trúc TPHCM là TS-KTS Phạm Tứ và KTS Phạm Thị Ái Thủy gần đây đã đưa ra một ý tưởng khá lạ cho vấn đề quy hoạch đô thị Đà Lạt, và ý tưởng đó dường như có khả năng dung hòa được hai mô hình phát triển đô thị Đà Lạt vừa nêu trên.
Trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết “Quy hoạch đô thị Châu Á” của GS-TS William S.W.Lim – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Châu Á, hai KTS Phạm Tứ và Phạm Thị Ái Thủy nêu rõ: “Khi phân tích các đô thị Châu Á, tác giả (GS-TS William S.W.Lim) đã đi đến hai nhận định quan trọng: “Quy hoạch có tính bùng nổ trong nền kinh tế phát triển nhanh của các TP lớn ở Châu Á đã thúc đẩy nhiều hoạt động xây dựng đô thị tự do thường là hỗn loạn, không như mong đợi. Việc đô thị hoá rầm rộ ở các đô thị Châu Á tuy lý thú là có nhiều cơ hội vô tận, nhưng cũng có thể dẫn đến kết cuộc gây tai họa, nhất là cho tầng lớp công nhân và người nghèo đô thị”. Và, dựa vào lý thuyết “đạo lý Châu Á”, hai tác giả trên đã chọn 5 yếu tố để nghiên cứu và đề xuất vận dụng đối với đô thị Đà Lạt là: Bảo tồn và ký ức, bảo vệ đất công, đất đô thị, công lý về không gian và giao thông đô thị. Trong đó, với yếu tố “bảo tồn và ký ức”, hai KTS Phạm Tứ và Phạm Thị Ái Thủy cho rằng, với “thác Cam Ly, thung lũng Tình Yêu, hồ Xuân Hương... và hệ thống các công trình kiến trúc có giá trị, trong thực tế, sự lưu giữ và bảo tồn dường như không trọn vẹn”.
Trên cơ sở đó, các tác giả đề nghị: Cần phát triển TP.Đà Lạt vì một đô thị hài hòa; kiến trúc TP.Đà Lạt là kiến trúc xanh vì một đô thị xanh; kiến trúc cao tầng là điểm nhấn cần thiết trong không gian cảnh quan của TP.Đà Lạt (vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đô thị có nhiều chức năng mới, vừa tạo điểm nhấn về mặt thị giác trong không gian cảnh quan đô thị và vừa tiết kiệm được quỹ đất dự phòng phát triển cho thế hệ mai sau); và cuối cùng là “quy hoạch tổng thể và ý chí của người lãnh đạo” với gợi ý quyết tâm trở lại điểm xuất phát ban đầu của KTS Hbrard năm 1923 với ý tưởng tốt đẹp là xây dựng Đà Lạt thành một “thành phố phong cảnh”.
Ông Đoàn Văn Việt với tư cách là lãnh đạo của TP (Bí thư Thành ủy Đà Lạt) cũng khẳng định: “Hơn 115 năm qua, Đà Lạt đã trải qua nhiều đồ án quy hoạch, nhưng một “Đà Lạt phố trong rừng và rừng trong thành phố” với phong cách kiến trúc Pháp có phần pha trộn kiến trúc Đông Dương là nét rất riêng của Đà Lạt, là hồn cốt của Đà Lạt cần được lưu giữ không chỉ trong ngày một ngày hai”.
(Theo Lao Động)
- 142
- By Admin
- 04/01/2011
- 17