• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Quy định về việc cấp sổ đỏ đối với người chưa thành niên

Trả lời:

Khoản 3, Điều 14 và khoản 2, Điều 15 Bộ luật Dân sự quy định:

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi sinh ra và chấm dứt khi người đó chết. Nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân bao gồm quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản...

Đối với người chưa thành niên, tại Điều 20 Bộ Luật Dân sự quy định, người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, người chưa thành niên (người chưa đủ 18 tuổi)  được xác lập quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất được hình thành từ thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng... nhưng khi giao dịch, thực hiện thủ tục nhận chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất (QSDĐ) phải được người đại diện theo pháp luật (là cha, mẹ  hoặc người giám hộ) đồng ý.

Ảnh minh họa

Cấp Giấy chứng nhận QSDĐ với người chưa thành niên

Theo khoản 2, Điều 9 và Điều 49, Luật Đất đai năm 2003, người sử dụng đất là cá nhân trong nước, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho QSDĐ… thì được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ

Như vậy, quy định về trường hợp cá nhân được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của pháp luật đất đai hiện hành không đề cập đến độ tuổi, không phân biệt cá nhân là người thành niên hay người chưa thành niên.

Nhưng đối với thủ tục nhận chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở bắt buộc phải lập thành văn bản và có công chứng. Theo khoản 2, Điều 8 Luật Công chứng, người yêu cầu công chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự, xuất trình đầy đủ các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của giấy tờ đó, như vậy giao dịch của người chưa thành niên  phải có người đại diện theo pháp luật.

Việc thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận được quy định tại Điều 4, Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường như sau:

Nếu cấp cho cá nhân thì ghi là “Ông” hoặc “Bà”, sau đó ghi họ tên, năm sinh, số giấy chứng minh nhân dân nếu có, địa chỉ thường trú. Nhưng không thấy có quy định việc thể hiện thông tin trên Giấy chứng nhận cấp cho cá nhân là người chưa thành niên, hoặc người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên.

Mặc dù Bộ luật Dân sự quy định, cá nhân từ khi sinh ra đến trước thời điểm chết, dù ở độ tuổi nào đều có quyền sở hữu tài sản, QSDĐ, nhưng pháp luật về đất đai hiện hành chưa có quy định cụ thể việc cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp người có quyền QSDĐ là người chưa thành niên, nên việc thực hiện không thống nhất. Có địa phương cấp Giấy chứng nhận cho cá nhân dưới 18 tuổi cùng với tên người đại diện theo pháp luật (cha mẹ hoặc giám hộ). Có địa phương từ chối cấp Giấy chứng nhận đối với người chưa thành niên vì chưa có hướng dẫn. Từ thực tế quan hệ xã hội này cho thấy sự cần thiết có quy phạm pháp luật quy định cụ thể về việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho đối tượng là người chưa thành niên.

Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

  • 235
  • By Admin
  • 23/07/2013
  • 17