Quy định mới về xử lý nhà xây trái phép: Phạt nặng, nhưng nhiều kẽ hở
TT 01/2005 hướng dẫn thực hiện NĐ 126 trước đây vì phạt quá nhẹ đã không đủ sức ngăn chặn nhà xây trái phép (nhà xây sai hoặc không phép đều chỉ bị phạt từ 100.000đ - 200.000đ/trường hợp). TT 24 và NĐ 23 tăng mức phạt lên từ 10 - 30 lần so với mức phạt cũ (nhà xây sai phép: phạt từ 1 - 2 triệu đồng đối với nhà ở nông thôn, 5 - 10 triệu đồng đối với nhà riêng lẻ ở đô thị, 20 - 30 triệu đồng đối với các công trình khác. Còn nhà xây không phép phạt từ: 2 - 3 triệu đồng đối với nhà ở nông thôn, 10 - 15 triệu đồng đối với nhà riêng lẻ ở đô thị, 30 - 40 triệu đồng đối với các công trình khác). Đối với các công trình xây sai hoặc không phép đã bị đình chỉ thi công, mà chủ đầu tư và nhà thầu vẫn cố tình xây dựng, TT 24 và NĐ 23 ngoài việc cho phép UBND cấp phường, xã cưỡng chế, phá dỡ còn áp dụng hình thức tăng nặng đối với các trường hợp này (phạt từ 300 - 500 triệu đồng/trường hợp).Phạt cao nhưng liệu có ngăn chặn được nhà xây trái phép? Ông Phạm Văn Toàn - Phó phòng Quản lý xây dựng, Ban quản lý khu Nam cho rằng: Nhiều công trình xây trái phép hiện nay có nguyên nhân chính là do chủ dự án quản lý thiếu trách nhiệm. TT 24 quy định chỉ phạt chủ đầu tư là mới xử lý phần ngọn, phần gốc vẫn chưa xử lý rốt ráo. Hỏi cách giải quyết, Sở Xây dựng TP.HCM hướng dẫn "phạt cả hai" nhưng TT 24 không quy định phạt, dẫn đến không có khung mức phạt thì phạt chủ đầu tư bao nhiêu cho đúng luật?
Ông Hoàng Văn Thanh - Trưởng phòng Quản lý đầu tư Công viên phần mềm Quang Trung cho biết, vừa qua có trường hợp xây nhà trái phép trên phần đất của dự án công viên, Thanh tra xây dựng Q.12 đến xử phạt xong, đề nghị Ban quản lý công viên cắt điện để công trình này không tiếp tục vi phạm, nhưng TT 24 không đề cập đến vai trò của Ban quản lý và cũng không nói Thanh tra xây dựng phải có văn bản kết hợp với Ban quản lý nên Thanh tra cũng chỉ đề nghị miệng. Do vậy, Ban quản lý không biết có được phép thực hiện việc này hay không?
Nhiều căn nhà xây trái phép tại huyện Bình Chánh, TP.HCM
Các quận, huyện thì cho rằng, kẽ hở của NĐ 23 rơi vào khoản 1 và 3 điều 15: khoản 1: "Nếu công trình vi phạm nằm trong quy hoạch khu dân cư ổn định mà xây sai phép số tầng, diện tích nhưng không ảnh hưởng công trình lân cận thì cho phép chủ đầu tư được giữ nguyên công trình với điều kiện khi quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ phần sai phép mà không được bồi thường". Trong khi đó, khoản 3 lại nói: "Nếu công trình vi phạm nằm trong quy hoạch khu dân cư ổn định nhưng lấn chiếm không gian, đất đai, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ thì phải kiên quyết phá dỡ". Hai điều khoản này đang "chỏi" nhau: vừa cho phép công trình vi phạm số tầng, diện tích được tồn tại, vừa kiên quyết tháo dỡ công trình lấn chiếm không gian, trong khi nhìn lại cả hai công trình này đều lấn chiếm không gian!
Thực tế, việc này đã xảy ra tại quận Bình Thạnh, như theo đơn phản ánh của người dân tổ 25, KP 2, P.17 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) gửi Báo Phụ Nữ. Đầu tháng 6/2009, căn nhà số 195 Xô Viết Nghệ Tĩnh nâng cấp sửa chữa không phép đã lấn hẻm 195, diện tích 13,54m2. Về phần không gian: tầng 2 lấn 23,19m2, tầng 3 lấn 16,12m2. Thanh tra xây dựng Q.Bình Thạnh xử phạt 12,5 triệu đồng rồi cho phép tồn tại với yêu cầu chủ nhà phải phá dỡ không điều kiện phần công trình nâng cấp, sửa chữa không phép khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước. Rõ ràng công trình này đã vi phạm về số tầng, diện tích, tuy không ảnh hưởng đến công trình lân cận, nhưng đã lấn chiếm không gian, đất đai, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ. UBND Q.Bình Thạnh cho phép công trình tồn tại hay buộc tháo dỡ là... nửa phần đúng, nửa phần sai. Việc này khiến người dân bất bình, cho là cơ quan chức năng xử lý không nghiêm.
Ông Phan Đức Nhạn - PGĐ Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị: "Khi gặp khó khăn các quận, huyện cứ kiến nghị Sở hỗ trợ giải quyết. Nếu quy định phần nào còn thiếu hay chưa rõ ràng, Sở sẽ trình UBND TP để Ủy ban kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh".
Theo Phu Nu
- 0
- By Admin
- 18/09/2009
- 17