Quy định mới về cấp GCN quyền SDĐ: Giảm phiền hà cho dân
Giảm phiền phức khâu đo vẽ nhà đấtMột trong những thay đổi đột phá của thông tư 20 chấm dứt các rắc rối của việc đo vẽ nhà đất. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải tự đo vẽ sơ đồ thửa đất, sơ đồ tài sản gắn liền với đất khi xin cấp đổi GCN hoặc khi đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Sơ đồ, số liệu về thửa đất, tài sản gắn liền với đất trên GCN mới được thể hiện theo đúng GCN cũ đã cấp.
Riêng đối với trường hợp ở địa phương đã đo vẽ bản đồ địa chính thay thế các tài liệu, số liệu đo đạc tạm thời trước đây thì sơ đồ, số liệu của thửa đất trên GCN mới phải được thể hiện thống nhất theo bản đồ địa chính mới. Đối với các trường hợp có sự biến động về thửa đất hoặc tài sản gắn liền với đất thì vẫn phải đo vẽ lại. Thông tư quy định một số trường hợp phải đo vẽ lại. Cụ thể, chuyển quyền sở hữu một phần tài sản gắn liền với đất trên GCN đã cấp và người dân có nhu cầu chứng nhận bổ sung tài sản gắn liền với đất hoặc thay đổi vị trí, ranh giới, diện tích của tài sản gắn liền với đất so với trên GCN đã cấp.
Một trong những quy định mới của thông tư 20 đó là gắn việc cho thuê đất với việc cấp GCN thành một thủ tục. Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất kể từ ngày 1.7.2004 (ngày Luật Đất đai 2003 và Luật Xây dựng có hiệu lực) trở về sau thì người được giao đất, thuê đất không phải nộp hồ sơ đề nghị cấp GCN mà việc cấp GCN và cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính được thực hiện gắn với thủ tục giao đất, cho thuê đất chứ không tách thành thủ tục riêng. Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trước ngày 1.7.2004 mà chưa được cấp GCN thì người đang sử dụng đất nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp GCN theo quy định.
Người dân nộp hồ sơ nhà đất tại quận Tân Phú, Tp.HCM. Ảnh: Quỳnh Mai |
Biến động nhà đất không phải đổi sổ hồng
Trong hệ thống các loại giấy tờ về nhà đất đang tồn tại, có một số loại khi có biến động như chuyển nhượng, thế chấp, xóa thế chấp... buộc phải đổi GCN cho người nhận chuyển nhượng. Thông tư 20 đã quy định cập nhật biến động trực tiếp lên trang bổ sung của GCN mà không cần phải cấp GCN mới cho người nhận chuyển nhượng. Các trường hợp được đăng bộ trên GCN bao gồm: Thế chấp hoặc xóa thế chấp bằng GCN mới; cho thuê, cho thuê lại đất hoặc xóa cho thuê, cho thuê lại đất của DN đầu tư hạ tầng trong KCN, khu công nghệ cao, khu kinh tế; các loại GCN đã cấp trước đây có quy định sử dụng trang bổ sung thì sử dụng trang bổ sung để cập nhật biến động.
Đối với các loại sổ hồng (đã gộp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất trên một GCN) thì việc cập nhật biến động sẽ sử dụng trang bổ sung theo quy định tại thông tư 20. Thông tư 20 còn quy định, tất cả các trường hợp chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là tài sản gắn liền với đất) dưới các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho hoặc góp vốn hình thành pháp nhân mới đối với toàn bộ diện tích đất, tài sản gắn liền với đất trên GCN thì thu hồi GCN của bên chuyển quyền và cấp GCN mới cho bên nhận chuyển quyền. Nếu bên nhận chuyển quyền không yêu cầu cấp GCN mới mà muốn sử dụng GCN cũ thì cũng được cập nhật biến động vào trang 3, 4 của GCN đã cấp.
Theo quy định hiện hành, thời gian để cơ quan chức năng cấp sổ hồng mới cho người dân là 15 ngày (ngày làm việc thực tế không kể ngày nghỉ, ngày lễ...). Trong khi đó, việc cập nhật biến động trực tiếp lên trang bổ sung của sổ hồng chỉ mất 7 ngày làm việc thực tế. Với những quy định mới của thông tư 20, đã giảm được một nửa thời gian chờ đợi của người dân.
(Theo Lao Động)
- 127
- By Admin
- 11/11/2010
- 17