Quy định đứng tên nhà đất của Việt kiều
Căn nhà hiện đang làm nơi thờ cúng tổ tiên và được gia đình một người quen trông nom. Nay có một người thuộc hàng cháu muốn đứng ra xin làm thủ tục cấp sổ đỏ, nhưng có vài người (cũng thuộc hàng cháu đang sinh sống ở nước ngoài) cũng có nguyện vọng được đứng tên chung (đồng sở hữu) trong giấy chứng nhận.Chúng tôi nghe một số người nói rằng người đã định cư nước ngoài, dù có quốc tịch khác hay vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam đều không được Nhà nước cho phép đứng tên trong sổ. Xin nhờ chuyên mục hướng dẫn và cho biết việc này được quy định bởi luật cụ thể hiện hành nào? Xin cảm ơn.
Nhan Thị Hồng Cúc
Trả lời:
Do không nói rõ những giấy tờ chứng minh về nguồn gốc căn nhà do ông bà ngoại của bạn tạo lập nên không trả lời cụ thể được. Tuy nhiên, bạn có thể liên hệ UBND cấp huyện nơi có nhà, đất để được hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là “giấy chứng nhận”) đối với ngôi nhà trên.
Theo quy định của pháp luật đất đai và nhà ở hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên, thì có quyền sở hữu nhà để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:
- Người có quốc tịch Việt Nam;
- Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư;
- Người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam;
- Người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước (trong trường hợp không thuộc các đối tượng này thì người gốc Việt Nam chỉ được quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam, để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam nếu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên).
(Các đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài đủ điều kiện theo quy định nêu trên cũng được quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở)
Nếu muốn tự mình tìm hiểu các vấn đề liên quan đến việc xin cấp giấy chứng nhận, cũng như điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam, bạn có thể tìm đọc:
1. Các quy định về thừa kế quy định từ điều 631 đến điều 687 Bộ luật dân sự 2005;
2. Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai;
(Chú ý điều 13 của nghị định 84/2007/NĐ-CP về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong trường hợp người nhận thừa kế quyền sử dụng đất là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở)
3. Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19-10-2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
4. Luật nhà ở số 56/2005/QH11 của Quốc hội;
5. Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 Luật nhà ở và điều 121 Luật đất đai số 34/2009/QH12 của Quốc hội.
Bạn cần lưu ý theo điều 676 Bộ luật dân sự 2005, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
LS NGUYỄN VĂN HẬU
(Theo Tuổi trẻ)
- 317
- By Admin
- 13/12/2010
- 17